Tăng lương tối thiểu vùng: Người lao động vui, doanh nghiệp lúng túng!

(Baohatinh.vn) - Nghị định số 122/2015/NĐ-CP ngày 14/11/2015 của Chính phủ quy định về mức lương tối thiểu vùng có hiệu lực từ ngày 1/1/2016. Đến nay, đã hơn 2 tuần triển khai thực hiện nhưng hầu hết các doanh nghiệp (DN), liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác... trên địa bàn Hà Tĩnh vẫn đang lúng túng.

Tăng lương tối thiểu vùng: Người lao động vui, doanh nghiệp lúng túng! ảnh 1
Nhà máy Cọc sợi Hồng Lĩnh góp phần giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Người lao động vui

Theo Nghị định 122 của Chính phủ thì lao động làm việc trên địa bàn TP Hà Tĩnh, TX Kỳ Anh sẽ được hưởng mức lương tối thiểu vùng III: 2.700.000 đồng/tháng; các huyện, thị còn lại trong tỉnh sẽ thuộc vùng IV với mức lương tối thiểu là 2.400.000 đồng/tháng.

Đây là mức thấp nhất làm cơ sở để DN và người lao động thỏa thuận, trả lương (mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời gian làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận...).

Nhận được thông tin tăng lương tối thiểu vùng, không ít lao động làm việc tại các DN trên địa bàn tỉnh phấn khởi, vui mừng. Điều này góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả công việc vào những ngày đầu năm 2016.

Tăng lương tối thiểu vùng: Người lao động vui, doanh nghiệp lúng túng! ảnh 2
Chế biến thủy sản tại Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh.

Có mặt tại Công ty CP Dược Hà Tĩnh và Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh vào những ngày đầu năm 2016, chúng tôi chứng kiến không khí sản xuất khẩn trương, sôi nổi. Thông qua phương tiện thông tin đại chúng, các công nhân đều nắm được thông tin tăng lương tối thiểu vùng nên niềm vui đều hiện rõ trên từng khuôn mặt. Họ cho biết, mức lương tăng thì đời sống người lao động được cải thiện, từ đó, yên tâm làm việc, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 297 DN với hơn 19.000 đoàn viên công đoàn. Sau khi Nghị định 122 có hiệu lực, LĐLĐ tỉnh đã triển khai tới các công đoàn cơ sở tại các DN tích cực tham gia, có ý kiến với chủ DN để thực hiện tốt nghị định, nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động. LĐLĐ tỉnh sẽ tiếp tục nắm tình hình tại các DN để cùng với các ngành chức năng có biện pháp đảm bảo chế độ, chính sách cho người lao động.

Doanh nghiệp lúng túng

Bên cạnh niềm vui của người lao động thì các DN lại đang lúng túng trong quá trình triển khai nghị định.

Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh là một trong những DN có số lượng lao động đông với hơn 2.300 người. Theo anh Nguyễn Duy Ninh - Phó Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty, sau khi Nghị định 122 có hiệu lực, công ty xây dựng kế hoạch triển khai. Tuy nhiên, cái khó nhất ở đây là phải xây dựng lại bảng lương phù hợp. Với những lao động làm việc lâu năm, để xây dựng lại bảng lương phù hợp nhằm đảm bảo các quyền lợi về bảo hiểm tương ứng với thời gian công tác là một điều không dễ.

Tăng lương tối thiểu vùng: Người lao động vui, doanh nghiệp lúng túng! ảnh 3
Dây chuyền giết mổ lợn công suất 500 con/ngày của Nhà máy Chế biến súc sản Mitraco Hà Tĩnh

Cùng quan điểm, ông Võ Ngọc Vinh - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP Cấp nước Hà Tĩnh cho rằng, để thực hiện Nghị định 122, các DN cần phải xây dựng được thang bảng lương theo Nghị định 49/2013/NĐ-CP quy định thi hành Bộ luật Lao động về tiền lương. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều DN đang triển khai theo Nghị định 205 của Chính phủ về quy định hệ thống thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp lương trong các công ty nhà nước nên cần có thêm thời gian. Hiện, công ty đã làm văn bản gửi BHXH tỉnh xin gia hạn thời gian thực hiện đóng nộp bảo hiểm theo Nghị định 122 đến hết quý I để xây dựng kế hoạch và thông qua hội đồng cổ đông.

Ngoài ra, nhiều DN cũng cho rằng, việc xây dựng và đưa vào các khoản phụ cấp cho người lao động cũng hết sức lúng túng vì các văn bản hướng dẫn chưa rõ ràng. Điều đáng nói, theo mức lương tối thiểu vùng hiện nay thì quỹ bảo hiểm của nhiều DN sẽ tăng đáng kể, khoảng 10-15%, do đó, đây cũng là một thách thức không hề nhỏ cho DN.

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast