Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh chủ trì thảo luận tổ các dự án luật

(Baohatinh.vn) - Chiều 30/5, dưới sự điều hành của Trưởng đoàn ĐBQH Đặng Quốc Khánh – Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, các đoàn ĐBQH: Hà Tĩnh, An Giang, Nam Định đã tiến hành thảo luận tại tổ đối với dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) và dự án Luật Tố cáo (sửa đổi).

truong doan dbqh ha tinh chu tri thao luan to cac du an luat

Trưởng đoàn ĐBQH Đặng Quốc Khánh điều hành phiên thảo luận tổ

Thảo luận về dự án Luật Quản lý nợ công, các đại biểu cho rằng, về mặt pháp luật đã bộc lộ một số bất cập như: còn có quan điểm khác nhau về phạm vi nợ công, cần thống nhất việc có tính các khoản nợ phát sinh từ điều hành ngân sách, nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nợ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vào nợ công hay không; yêu cầu đặt ra đối với việc có khuôn khổ pháp lý đầy đủ, phù hợp cho việc lập, thực hiện, giám sát thực hiện chiến lược, chương trình, kế hoạch về nợ công để tương thích với các luật mới ban hành như Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công và tiệm cận với thông lệ của quốc tế.

Thứ hai, công tác quản lý nợ công cũng đã bộc lộ một số bất cập, như: nợ công, nợ Chính phủ tăng nhanh gây áp lực lớn lên nghĩa vụ trả nợ. Đáng chú ý là đã có sự gia tăng đáng kể dư nợ vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài. Việc phân bổ, sử dụng vốn vay cho đầu tư còn dàn trải, hiệu quả chưa cao, đã có một số dự án vay lại vốn vay ODA, ưu đãi, bảo lãnh Chính phủ phát sinh rủi ro không trả được nợ, phải thực hiện tái cơ cấu tài chính, chuyển sang hình thức Nhà nước đầu tư hoặc Quỹ Tích lũy phải ứng trả thay...

truong doan dbqh ha tinh chu tri thao luan to cac du an luat

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ và đại biểu Trần Đình Gia (Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh) đề nghị: Cần quy định cụ thể về phạm vi nợ công, làm rõ các khoản nợ không thuộc nợ công; xác định, bổ sung các nguyên tắc quản lý nợ công theo hướng “kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu nợ công trong giới hạn cho phép, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững và ổn định kinh tế vĩ mô” (Khoản 2 Điều 5). Thống nhất với việc bổ sung thêm nguyên tắc “không chuyển khoản nợ vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh thành vốn cấp phát ngân sách Nhà nước” (tại Khoản 5, Điều 5). Cần quy định bổ sung chương trình và kế hoạch vay, trả nợ công nhằm đảm bảo gắn kết giữa các kế hoạch tài chính, đầu tư công theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Đầu tư công.

Tham gia thảo luận về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) đại biểu Nguyễn Văn Sơn và đại biểu Trần Đình Gia cho rằng, qua hơn 4 năm triển khai thực hiện cho thấy Luật Tố cáo đã bộc lộ những hạn chế, bất cập dẫn đến tình trạng làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác giải quyết tố cáo, trật tự, kỷ cương pháp luật. Vì vậy cần sớm sửa đổi, bổ sung luật này.

Đối với tố cáo nặc danh, đại biểu Trần Đình Gia đề nghị không nên xem xét giải quyết, tránh tình trạng lợi dụng việc tố cáo xúc phạm danh dự uy tín tổ chức, cá nhân bị tố cáo, gây rối loạn trong xã hội. Mặt khác, thực tiễn trong những năm qua cho thấy đơn tố cáo sai chiếm tỷ lệ cao. Do vậy chỉ nên xem tố cáo nặc danh là kênh thông tin tham khảo, nhưng nếu có căn cứ, có nội dung rõ tràng thì cần quy định cơ chế giải quyết loại tố cáo này.

truong doan dbqh ha tinh chu tri thao luan to cac du an luat

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn phát biểu thảo luận

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn boăn khoăn: Trong dự thảo luật quy định trách nhiệm bảo vệ người tố cáo còn chung chung. Vì vậy, cần có quy định cụ thể các biện pháp để đảm bảo an toàn cho người tố cáo và cũng quy định rõ trách nhiệm và có chế tài xử lý nghiêm đối với người cố tình tố cáo sai sự thật.

Kết thúc buổi thảo luận, đại biểu Đặng Quốc Khánh – chủ trì đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của các đại biểu đã đóng góp những ý kiến sát thực đối với 2 dự án luật nói trên, đồng thời kết luận một số nội dung và đề nghị thư ký các đoàn tổng hợp báo cáo Quốc hội.

Chủ đề ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HĐND CÁC CẤP

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast