Trước diễn biến mưa bão có thể ảnh hưởng đến địa bàn Hà Tĩnh, chiều 18/9, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải - Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã đi kiểm tra công tác ứng phó tại TX Kỳ Anh và huyện Cẩm Xuyên.
Tại TX Kỳ Anh, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và đoàn công tác đã đến kiểm tra tại hồ Thượng Sông Trí, cầu Cơn Gáo (xã Kỳ Hoa), đê Kỳ Ninh và khu vực nuôi trồng thủy sản xã Kỳ Ninh.
Tại huyện Cẩm Xuyên, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và đoàn công tác đến kiểm tra hoạt động thi công công trình cảng cá Cửa Nhượng, tuyến kè chắn sóng tại xã Cẩm Nhượng và một số điểm nuôi trồng thủy sản.
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, các đơn vị, địa phương đã chủ động chuẩn bị các phương án, kịch bản ứng phó. Các lực lượng sẵn sàng quân số khi có lệnh điều động. Hiện nay, cơ bản tàu, thuyền đã vào nơi tránh trú an toàn; với số ít còn lại, lực lượng chức năng đang tích cực kêu gọi vào bờ neo đậu...
Qua kiểm tra, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải ghi nhận sự chủ động trong công tác chuẩn bị của các đơn vị, địa phương, nhất là các kịch bản ứng phó với thiên tai.
Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, mực nước tại các hồ chứa hiện đang ở mức an toàn. Tuy nhiên, các địa phương và công ty thủy lợi cần bám sát, theo dõi diễn biến của thời tiết, mực nước để vận hành điều tiết hợp lý, đảm bảo an toàn cho công trình và người dân vùng hạ du.
Qua kiểm tra cũng cho thấy, một số công trình thủy lợi hiện nay đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Với những công trình thiết yếu, cấp bách, cần ưu tiên nguồn lực để khắc phục; các đơn vị liên quan tham mưu kế hoạch phân bổ nguồn vốn để kịp thời sửa chữa, đảm bảo an toàn. Trước mắt, chính quyền địa phương bố trí lực lượng, phương tiện thường trực tại các vị trí xung yếu để cảnh báo và sẵn sàng ứng phó với diễn biến của mưa lũ. Riêng với công trình kè chắn sóng tại xã Cẩm Nhượng, giao Chi cục Thủy lợi tỉnh tạo điều kiện, phối hợp cùng địa phương thực hiện gia cố, khắc phục, phòng chống tình trạng sạt lở.
Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, mưa bão dự báo ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh miền Trung, trong đó có Hà Tĩnh, vì vậy, chính quyền và người dân các địa phương cần tập trung cao cho công tác ứng phó, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; bám sát công điện khẩn về việc chủ động ứng phó với mưa bão của UBND tỉnh và các văn bản chỉ đạo của Trung ương để tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả.
Trong đó, triển khai các biện pháp để bảo vệ tài sản, tính mạng cho người dân; kêu gọi tàu thuyền đang còn hoạt động trên biển vào nơi tránh trú an toàn; doanh nghiệp, hộ nuôi trồng thủy sản chủ động các biện pháp bảo vệ con nuôi và đảm bảo an toàn về người; cảnh báo đến từng hộ dân, nhất là những vùng thường xuyên bị ngập sâu, vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất sẵn sàng di dời, đảm bảo an toàn khi thời tiết có diễn biến phức tạp...
Cũng trong chiều 18/9, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra hoạt động ứng phó với thiên tai tại các huyện: Thạch Hà, Lộc Hà và Nghi Xuân.
Tại huyện Thạch Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh và đoàn đã đến kiểm tra thực tế việc tiêu thoát lũ và tình hình thi công cầu Đò Bang (xã Thạch Lạc) và công tác kêu gọi ngư dân đưa tàu thuyền lên nơi cao ráo ở khu neo đậu tàu thuyền thuộc bãi biển thôn Đại Tiến (xã Thạch Trị).
Tại huyện Lộc Hà, đoàn đến kiểm tra tình hình thi công đê Tả Nghèn đoạn qua tổ dân phố Xuân Hoà, thị trấn Lộc Hà; công tác kêu gọi phương tiện vào bờ và việc neo đậu tàu thuyền tại âu thuyền Cửa Sót, thuộc xã Thạch Kim.
Tại huyện Nghi Xuân, đoàn đến kiểm tra tình hình sạt lở bờ biển và tiến độ thực hiện Dự án xử lý cấp bách việc chống sạt lở bờ biển đoạn qua xã Xuân Hội.
Tại các điểm đến, sau khi nghe các địa phương báo cáo công tác ứng phó với thiên tai, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu các địa phương, phòng, ngành, đơn vị cần chủ động vào cuộc trên tinh thần tiếp thu nghiêm túc các văn bản, công điện chỉ đạo của cấp trên và bám sát các phương án, kế hoạch đã xây dựng.
Trong quá trình thực hiện phải phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ”, theo tinh thần địa phương nào tự lo địa phương đó, lực lượng nào triển khai phần việc của lực lượng đó; tuyệt đối không chủ quan, bị động, bất ngờ; cố gắng giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản khi có thiên tai xảy ra.
Đối với các công trình đang xây dựng, yêu cầu các địa phương, sở ngành, chủ đầu tư, nhà thầu... phải đảm bảo an toàn, chất lượng công trình khi có mưa bão; đảm bảo tiêu thoát lũ; bố trí lực lượng theo dõi, vận hành, không để xảy ra sự cố đáng tiếc.
Đối với các âu thuyền, bến bãi, vùng thấp trũng dễ bị ảnh hưởng mưa bão, triều cường, các địa phương, đơn vị, lực lượng sẵn sàng phương án, kế hoạch, nhân lực để giúp ngư dân neo đậu, chằng néo tàu thuyền, bảo vệ ngư cụ, đảm bảo an ninh và an toàn tại nơi tránh trú. Nếu không may xảy ra sự cố thì phải báo cáo kịp thời, hành động nhanh, xử lý linh hoạt để đưa người dân đến nơi an toàn và hạn chế tối đa thiệt hại về tài sản.
Trong ngày 18/9, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập 4 đoàn công tác trực tiếp đến các địa bàn xung yếu kiểm tra công tác ứng phó với mưa bão. Đại tá Nguyễn Xuân Thắng - Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh đã trực tiếp nắm bắt tình hình phòng, chống mưa bão tại âu thuyền cảng cá Cửa Sót, thuộc địa bàn huyện Lộc Hà.
Đại tá Nguyễn Xuân Thắng yêu cầu ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn các cấp trên địa bàn huyện cần theo sát diễn biến áp thấp nhiệt đới. Các đơn vị quân đội duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra; chỉ đạo các đơn vị quản lý chặt chẽ phương tiện ra khơi, tổ chức kiểm tra, chủ động hướng dẫn neo đậu tàu, thuyền tại các bến, bãi, đảm bảo an toàn.