Theo dấu Tướng công Nguyễn Công Trứ

(Baohatinh.vn) - Theo sử chép lại thì năm 1828, quan Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ (quê ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh) khai hoang ở Tiền Hải (Thái Bình) và năm 1829 thì ông tiến hành khai hoang ở Kim Sơn (Ninh Bình).

Dấu tích Kim Sơn

Tôi đã lần theo dấu vết của Tướng công Nguyễn Công Trứ về huyện Kim Sơn (có nghĩa là núi vàng) và huyện Tiền Hải (nghĩa là biển tiền) cùng đoàn văn nghệ sỹ huyện Nghi Xuân nhân dịp chuẩn bị kỷ niệm 240 năm ngày sinh và 160 năm ngày mất của ông.

Sáng sớm, xe chúng tôi xuất phát từ làng Uy Viễn - quê hương của Nguyễn Công Trứ ở Nghi Xuân, gần trưa đến huyện Kim Sơn. Huyện đón tiếp rất nhiệt tình, xem chúng tôi như người con quê hương lâu ngày gặp lại. Chiều đó, chúng tôi đến thăm đền thờ Nguyễn Công Trứ được xây dựng tại xã Quang Thiện (Kim Sơn). Tiền thân của ngôi đền là ngôi nhà ba gian của Nguyễn Công Trứ làm tại ấp Lạc Thiện để ông đi về và làm việc ở đây. Năm 1852, nhân dân Kim Sơn xây dựng lại thành ngôi Sinh Từ (đền thờ sống). Hàng năm đến ngày sinh nhật của Nguyễn Công Trứ, nhân dân mở hội mừng thọ ông.

Theo dấu Tướng công Nguyễn Công Trứ

Đền thờ Nguyễn Công Trứ được xây dựng tại xã Quang Thiện- Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình ( Ảnh: Đậu Hà)

Sau khi ông mất vào năm 1858, ngôi đền được tu sửa lần thứ nhất và xây dựng tiền đường năm gian, đổi tên thành Trung Tư Từ. Ngày 14 tháng 11 (âm lịch) hàng năm, nhân dân huyện Kim Sơn đều tổ chức lễ tế tại ngôi đền trong ba ngày. Những ngày lễ đó, các nghệ nhân đến đây với cây đàn đáy, cặp phách và hát những bài ca trù do Nguyễn Công Trứ đặt lời truyền lại…

Trước năm 1829, trước khi Nguyễn Công Trứ về đây, Kim Sơn còn là vùng đất ven biển thuộc phủ Trường Yên với hơn 3.000 mẫu, cây cỏ mọc um tùm. Đây là vùng hạ lưu châu thổ sông Hồng, phù sa lấn biển, tốc độ bồi tụ của Kim Sơn rất mạnh so với các vùng khác trong tỉnh. Trong quá trình khẩn hoang, Nguyễn Công Trứ cho đào thêm sông Ân nối sông Cái với sông Càn, chiều dài 13,5 km, rộng 15 mét và sâu 3 mét để lấy nước ngọt. Đây là con sông chảy qua tất cả các lý, ấp trại trong huyện khi mới thành lập. Nó như trục xương sống để từ đây, các con sông nhỏ tỏa đi các thôn xóm. Mặt khác, các con kênh nối các làng nhỏ theo hình xương cá được tiến hành xây dựng nhằm dẫn nước tưới, tiêu úng, thau chua rửa mặn để phát triển nông nghiệp.

Tôi gặp một cụ ông gần 90 tuổi là dòng dõi họ Phạm ở thôn Chất Thành. Cụ đưa cuốn gia phả họ Phạm cho tôi xem. Một trong những “cánh tay phải” của Nguyễn Công Trứ đó là Phạm Nhương. Trong cuốn gia phả có mô tả vùng đất này hồi đó là: Phương kỳ sơ lai thủy, diễm mần như lôi, lô cao mạn địa, xa lãng liên thiên, nghĩa là: Lúc đầu mới đến muỗi như sấm, cỏ lau, cỏ lác mọc đầy, đất sóng cát liền trời.

Đất Kim Sơn là loại đất sình lầy nên công cuộc khẩn khoang ở đây rất vất vả. Bên cạnh những trở ngại của thiên nhiên, lúc mới đến đây, dân Kim Sơn còn bị giặc biển, trộm cướp vào quấy rối. Biết thế, Nguyễn Công Trứ đã cho dựng đồn, ngày đêm có người canh gác để kịp báo cho dân làng khi có dấu hiệu cướp phá. Vì thế, đến nay, dân ở đây còn truyền lại câu ca: “Lạc Thiện có chợ có đồn cầm canh”.

Trong lực lượng khẩn hoang ở Kim Sơn năm 1829, trước hết phải kể đến vai trò tổ chức tài tình, độc đáo của Nguyễn Công Trứ trong việc phân công các vị chiêu mộ. Các vị này vừa là những người đứng ra chiêu mộ người, chịu trách nhiệm nhà nước về công cuộc khai hoang, đồng thời cũng là những người trực tiếp tổ chức điều hành công việc khai hoang ở từng lý, ấp trại cụ thể.

Ngoài ra, chiêu mộ cũng chịu trách nhiệm một phần trong kinh phí khai hoang. Nguyễn Công Trứ đề ra chủ trương: “Phàm những đất hoang có thể khai khẩn được cho những người địa phương giàu có chia nhau trông coi làm, mộ những dân nghèo các hạt khác đến khai khẩn”.

Theo dấu Tướng công Nguyễn Công Trứ

Một góc Khu tưởng niệm Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình ( Ảnh: Đậu Hà)

Thời kỳ Nguyễn Công Trứ ở Kim Sơn, trong dân gian còn truyền lại nhiều câu chuyện mà về đây tôi mới được nghe kể. Thấy Nguyễn Công Trứ từ nơi xa đến làm được nhiều việc, được dân tin yêu, bọn quan lại địa phương nóng mặt bày mưu tính kế để hại ông. Quan trấn Bắc Thành, quan nha huyện Ninh Bình bày mưu đưa đút tiền để bẫy, vu cho Nguyễn Công Trứ ăn hối lộ nhưng ông nhận ra và có cách xử lý thông minh, vạch mặt bọn quan lại. Sau vụ mưu hại Nguyễn Công Trứ không thành, tổng trấn Bắc Thành, trấn thủ Nam Định và tri huyện Giao Thủy dâng sớ về triều đình kết tội Nguyễn Công Trứ.

Chúng cho rằng, Nguyễn Công Trứ bắt lập biên bản kẻ hối lộ làm trò “mua tiếng ngay thẳng cho mình” đều không phải là việc của người quân tử, xin giáng ba cấp, đuổi đi nơi khác. Sớ tâu vua còn vu thêm: “Doanh điền sứ còn bỏ bê công việc, hay bày chuyện hát ả đào, uống rượu”. Nhưng Minh Mạng là ông vua minh triết, ngài rất hiểu Nguyễn Công Trứ nên đã trả lời: “Trong sáu tháng qua, khanh đã làm được điều trẫm giao, không phụ lòng tin cậy của trẫm, khá khen thay! Vậy truyền chỉ nghiêm trách các quan thành, quan trấn còn khanh thì miễn nghĩ”. Cùng với chỉ dụ, vua Minh Mạng còn gửi thưởng cho Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ mấy chục bánh thuốc lào nhưng bỏ vào trong mỗi bánh thuốc lào là một thỏi bạc trắng. Nhìn các thỏi bạc trắng, Nguyễn Công Trứ cười nói: “Thế là ta lại có tiền để đi hát ca trù đây mà”.

Lấn biển, lập huyện Tiền Hải

Năm 1827, trong khi Nguyễn Công Trứ tham gia đánh dẹp cuộc khởi nghĩa Phan Bá Vành, ông đã nhận ra những kẻ “làm loạn” không phải ai xa lạ mà chính là những người dân đói khổ, lưu vong, không có ruộng đất. Muốn khắc phục triệt để nạn xiêu tán và nổi dậy thì phải giải quyết được nhu cầu ruộng đất và cơm áo cho dân nghèo. Với nhãn quan của một vị quan tài giỏi, Nguyễn Công Trứ nhận thấy những miền bãi bồi ven biển chính là sự hào phóng của thiên nhiên ban tặng.

Bãi biển Tiền Châu (còn gọi là Cồn Tiền) được hình thành từ quá trình bồi tạo của sông Hồng, sông Lân và sông Trà Lý. Lúc đó bát ngát ngàn trùng màu mỡ có thể khai thác thành đất canh tác. Ông đã trình sớ lên triều đình nêu rõ nguyên nhân sâu xa cuộc khởi nghĩa nông dân và đề nghị triều đình tổ chức cho nông dân nghèo tiến hành khẩn đất hoang quy mô lớn ở bãi biển Tiền Châu. Tấu sớ của Nguyễn Công Trứ đã mở ra lối thoát cho tình hình bế tắc nghiêm trọng của cả xã hội đương thời.

Tháng 3/1828, phụng sự triều đình, Nguyễn Công Trứ đến bãi Tiền Châu trực tiếp chỉ huy cuộc đại khẩn hoang với những kế sách độc đáo và táo bạo để yên dân. Tại doanh điền ở Tiền Hải, Nguyễn Công Trứ đặc biệt khuyến khích các làng sở tại. Ngoài việc cấp lương tiền, họ được ưu tiên khai khẩn phần đất giáp ranh với làng cựu, được mộ thêm dân các nơi cho đủ số để lập làng mới mà lý trưởng, ấp trưởng là người sở tại.

Nguyễn Công Trứ chẳng những mộ dân nghèo, ông còn thu hút nghĩa quân của Phan Bá Vành vào cuộc doanh điền với mục đích tránh nguy cơ tái diễn khởi nghĩa nông dân. Những người từ chỗ là lực lượng đối kháng mạnh mẽ của triều đình chuyển thành nhân tố quan trọng của sự phát triển kinh tế và ổn định xã hội…

Theo dấu Tướng công Nguyễn Công Trứ

Tác giả tại Khu tưởng niệm Nguyễn Công Trứ ở Tiền Hải.

Đến tháng 9/1828, công cuộc khẩn hoang hoàn thành. Theo lời tâu của Nguyễn Công Trứ, triều đình nhà Nguyễn đã phê chuẩn lập huyện Tiền Hải thuộc phủ Kiến Xương.

Về đây, chúng tôi được đến thăm khu tưởng niệm Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ có diện tích 20.567 m2 với nhiều hạng mục công trình, hoàn thành năm 2011. Trước đó, dự án khu đình thờ nằm trong quần thể khu di tích Nguyễn Công Trứ với diện tích 949 m2 đã được hoàn thành năm 2006.

Chúng tôi được Chánh văn phòng huyện Tiền Hải đưa đi thăm một vòng theo dấu chân Nguyễn Công Trứ thời xưa. Từ cánh đồng ra đê biển vừa qua bát ngát đồng lúa vàng trĩu hạt với những hệ thống kênh nước vuông vắn đã thấy mênh mông biển Tiền Hải với đường đê bao quanh vững chãi. Hàng trăm ao hồ nuôi tôm, cua và hến cùng với những cái chòi canh trong màn bạc màu biển.

Tôi ngỡ như Doanh điền sứ đang về đây vi hành, vuốt chòm râu bạc, vừa thong thả đi trên đê như vòng tay ôm trọn Tiền Hải vào lòng, vừa ngâm vịnh: “Chí những toan xẻ núi lấp sông/ Làm nên tiếng anh hùng đâu đấy tỏ”. Vâng, lưu danh của ông muôn đời đều tỏ vì ông - con người hiếm có trên thế gian này.

Hà Tĩnh, 19/9/2018

Chủ đề Danh nhân Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast