Hoa quả nhập khẩu - Đắt có “xắt ra miếng”?

(Baohatinh.vn) - Khi chất lượng an toàn thực phẩm của các loại hoa quả, đặc biệt là hoa quả được nhập từ Trung Quốc không đảm bảo, người tiêu dùng đành “bấu víu” vào các loại “nhập khẩu” từ Thái Lan, New Zealand, Mỹ... với mong muốn có được sản phẩm an toàn hơn.

Thế nhưng, liệu niềm tin của người tiêu dùng có đặt đúng chỗ hay vẫn “lập lờ đánh lận con đen” khi nguồn gốc, chất lượng hoa quả nhập khẩu vẫn là một ẩn số khó giải.

Tràn lan thương hiệu “made in”… ngoại!

Khi người mua “quay lưng” với hoa quả Trung Quốc, người bán đã rất nhạy bén nhập về nhiều mặt hàng từ các nước khác để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Trong khi đó, cũng với tâm lý “sính ngoại” và đánh đồng việc sử dụng trái cây nhập khẩu là an toàn nên người tiêu dùng sẵn sàng mở hầu bao để mua được hoa quả nhập khẩu mặc dù giá không hề dễ chịu so với hàng nội. Chẳng thế mà, hàng trăm quầy bán hoa quả trên địa bàn đều có đầy đủ sản phẩm được giới thiệu là sản xuất trong tỉnh, miền Nam, các tỉnh miền núi phía Bắc, hàng ngoại nhập mà gần như không có ai can đảm giới thiệu hàng Trung Quốc.

hoa qua nhap khau dat co xat ra mieng

Nhiều loại hoa quả gắn mác nhập khẩu được bán nhiều ở chợ dân sinh nhưng hầu như không có giấy tờ chứng minh hàng chính hãng.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Gia đình tôi dùng hơn 1 kg hoa quả/ngày và gần như ngày nào cũng sử dụng. May mắn thì mua được ít hoa quả quê, còn lại phải “cầu cứu” đến nho Mỹ, táo New Zealand hay hoa quả Thái Lan, chứ không đủ tự tin để mua các loại khác vì cứ sợ hàng Trung Quốc bị người bán “phù phép” thành hàng trong nước”.

Điều đáng nói, việc phân biệt đâu là hàng Việt, hàng Tàu hay hàng nhập khẩu cao cấp chỉ bằng chiếc tem nhỏ xíu được dán trên mỗi loại quả “xịn” và lời giới thiệu của người bán hàng. Tuy nhiên, chiếc tem - căn cứ duy nhất để phân biệt lại được dán rất… “hờ hững” và nhìn cũng không mấy an tâm. Có lần, sau khi được người bán giới thiệu xuất xứ đâu là táo Việt, đâu là táo Jazz New Zealand, chúng tôi lựa một ít táo Việt thì thấy có quả được dán tem hàng ngoại nên bỏ ra, thấy thế, người bán ngay lập tức trấn an: “không phải mô, chắc là… dính nhầm”!?

Bên cạnh các loại hoa quả được nhập khẩu từ các nước phương Tây thì thị trường hoa quả tỉnh ta những năm gần đây xuất hiện sự “đổ bộ” của hàng Thái Lan. Ngoài những “cung đường nhập khẩu” khác, Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo được xem là đắc địa khi nhập hoa quả Thái Lan về tỉnh ta. Tuy nhiên, theo tổng hợp số liệu từ Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, từ đầu năm lại nay, chỉ mới cấp giấy thông quan cho gần 200 tấn gồm măng cụt và nhãn. Tuy nhiên, tại thị trường Hà Tĩnh lại xuất hiện nhiều sản phẩm có xuất xứ từ Thái Lan hơn như chôm chôm, dứa, xoài, na, cam… Trong khi đó, ông Lương Văn Xoan - Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch thực vật Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (thuộc Chi cục Kiểm dịch thực vật Vùng V) thông tin: Hiện nay, mặt hàng xoài Thái Lan chưa được Cục Bảo vệ thực vật cấp phép nhập khẩu vào Việt Nam.

“Loạn” giá!

Trước đây, muốn tìm mua hoa quả nhập khẩu phải vào siêu thị hoặc các shop lớn thì nay, chỉ cần… ra ngõ là đã có thể mua được. Những táo, nho Mỹ, lê Hàn Quốc… được bày bán tràn lan ở chợ và cả ở những xe hàng rong rê ra dọc đường. Nếu như ở siêu thị và một vài cửa hàng, hoa quả nhập khẩu được bảo quản lạnh và có giá niêm yết rõ ràng thì đại đa số các quầy hàng ở chợ, bán lẻ dọc đường lại bày hàng lăn lóc và không niêm yết giá.

Sau khi khảo sát giá ở một số quầy hàng bán hoa quả và tại siêu thị, điều dễ nhận thấy là mức giá không đồng nhất và có sự chênh lệch đáng kể, từ 10-20 nghìn/kg đến cả trăm nghìn đồng/kg. Tại Siêu thị Co.opmart, nho đen Mỹ không hạt giá 244.200 đồng/kg, táo Jona gold Mỹ 74.000 đồng/kg, táo Pink Mỹ 100.000 đồng/kg, táo Jazz New Zealand 86.000 đồng/kg, kiwi vàng New Zealand L1 151.000 đồng/kg. Tại siêu thị Vinmart, táo Envy 102.900 - 159.000 đồng/kg tùy size, nho đen Mỹ không hạt 142.900 đồng/kg, táo Jazz New Zealand 77.900 đồng/kg… Tuy nhiên, khi so sánh với giá ở các chợ dân sinh, chúng tôi không khỏi giật mình khi ở chợ chỉ có 2 loại được người bán giới thiệu là táo Mỹ (trong khi nhãn dán lại là táo Royal Gala New Zealand) 60.000 - 65.000 đồng/kg và nho Mỹ 70.000 - 100.000 đồng/kg,…

Mức giá chênh lệch khiến không ít người tiêu dùng đặt câu hỏi nghi ngờ, liệu đây có phải hoa quả nhập khẩu chính hãng hay là sản phẩm “đểu” gắn mác “hàng xịn”? Những nghi ngờ này là điều dễ hiểu khi mà phần lớn hoa quả nhập khẩu bán trên thị trường tự do hiện nay đều có điểm chung: Không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ là hàng nhập khẩu, không có “dấu hiệu” rõ ràng để chứng minh nguồn gốc.

Đem thắc mắc hỏi chủ một quầy bán hoa quả tại chợ TP Hà Tĩnh, chúng tôi nhận được câu trả lời có phần… thoái thác rằng: “Tui chỉ nhập nhỏ lẻ, có khi tuần chỉ dăm bảy cân hoa quả nhập thì mần chi có giấy tờ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu”. Cũng theo giải thích của một nhân viên cửa hàng hoa quả trên đường Hải Thượng Lãn Ông (TP Hà Tĩnh): Giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hoa quả nhập khẩu chỉ được cấp cho doanh nghiệp theo từng lô hàng, khi doanh nghiệp phân phối về cửa hàng để bán lẻ tới tay người tiêu dùng thì không có những giấy tờ này nữa.

(Còn nữa)

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast