Hương Sơn quyết hoàn thành chuyển đổi quản lý chợ trong quý I/2016

(Baohatinh.vn) - Là huyện miền núi, điều kiện KT-XH còn nhiều khó khăn nhưng thời gian qua, Hương Sơn đã quyết liệt triển khai công tác chuyển đổi, xã hội hóa xây dựng chợ và đạt hiệu quả khá. Theo đó, nhiều chợ xập xệ, cũ nát đã được xây dựng mới khang trang, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thương, buôn bán...

Chợ Đình (Sơn Thủy) đang hoàn thiện hồ sơ để đầu tư xây dựng theo hướng xã hội hóa. Ảnh: Thế Cải

Chợ Đình (Sơn Thủy) đang hoàn thiện hồ sơ để đầu tư xây dựng theo hướng xã hội hóa. Ảnh: Thế Cải

Chợ Mới (Sơn Long) là một trong những chợ xã hội hóa sớm của huyện và của tỉnh. Tuy quy mô không lớn, tổng mức đầu tư chỉ 3 tỷ đồng nhưng việc xã hội hóa thành công chợ Mới ngay từ rất sớm là điều rất đáng ghi nhận. Chủ nhân của chợ Mới không phải là các công ty, doanh nghiệp lớn mạnh như chợ Hội (Cẩm Xuyên), chợ Kỳ Anh hay chợ Hồng Lĩnh, mà chỉ là một HTX tại xã Sơn Long do một người phụ nữ “chân yếu tay mềm” làm chủ nhiệm. Chỉ sau chưa đầy nửa năm xây dựng, cuối năm 2014, chợ Mới (Sơn Long) khang trang hiện đại đã hoàn thành đưa vào sử dụng.

Bà Lê Thị Mỹ, Giám đốc HTX Dịch vụ môi trường và chợ Mới - Sơn Long cho biết: “Chợ Mới sau khi được chuyển đổi đã trở thành trung tâm mua bán sầm uất. Bà con tiểu thương và khách hàng đồng tình cao khi các điều kiện kinh doanh đều được đảm bảo”.

Năm 2012, chợ Nầm được HTX Dịch vụ môi trường Sơn Châu đầu tư 7,5 tỷ đồng xây dựng lại với tổng diện tích trên 3.500 m2, gồm 50 vị trí kinh doanh tại ki-ốt và hàng trăm chỗ mua bán trong, ngoài đình chợ. Được xã hội hóa đầu tư xây dựng, chợ Nầm trở thành chợ chính của khu vực, thu hút lượng khách của gần 10 xã lân cận hoạt động kinh doanh liên tục cả ngày, trở thành đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho nhân dân một vùng rộng lớn.

Chợ Hà Tân (Sơn Tây) cũng đã được xã hội hóa, xây mới và vừa đưa vào sử dụng đầu tháng 1/2016. Chủ tịch UBND xã Sơn Tây - Phan Tiến Hùng, phấn khởi: Từ một chợ xép nằm bên quốc lộ 8A, HTX Môi trường - Dịch vụ tổng hợp xã Sơn Tây xã hội hóa đầu tư xây dựng. Chợ mới Hà Tân với diện tích 3.000 m2, quy mô 100 gian hàng khang trang, hiện đại đã được đưa vào hoạt động, tạo diện mạo mới cho hạ tầng thương mại địa phương, góp phần đưa xã nhà về đích nông thôn mới đúng hẹn.

Ngoài 3 chợ được xã hội hóa xây mới, còn có chợ Rạp (Sơn Trung), chợ Choi (Sơn Hà) được xã hội hóa đầu tư nâng cấp, cải tạo với mức từ 2-3 tỷ đồng/chợ. Các chợ này sau khi được đầu tư cải tạo đã có hạ tầng khang trang, đáp ứng tốt nhu cầu kinh doanh, buôn bán của nhân dân trong vùng.

Theo kế hoạch, Hương Sơn còn 4 chợ tiếp tục thực hiện xã hội hóa, chuyển đổi mô hình quản lý. Đến nay, huyện đã kêu gọi HTX Kinh doanh và Dịch vụ tổng hợp Chợ Đình xã hội hóa đầu tư chợ Đình (Sơn Thủy) và đang được hoàn thiện hồ sơ. Chợ Chùa (Sơn Tiến) và chợ Gôi (Sơn Hòa) hiện đã ký biên bản hợp tác đầu tư với công ty CP Sơn An và Hội Doanh nghiệp Hương Sơn. Chợ Phố Châu hiện đang chấm thầu, chuẩn bị đầu tư xây dựng...

Dự kiến đến hết quý I/2016, Hương Sơn sẽ hoàn thành việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ. Việc đẩy nhanh tiến độ xã hội hóa, chuyển đổi mô hình quản lý, góp phần nâng cấp hạ tầng thương mại, thúc đẩy KT-XH huyện miền núi phía Tây phát triển.

Đọc thêm

Hàng tết lên kệ, sức mua chưa như kỳ vọng

Hàng tết lên kệ, sức mua chưa như kỳ vọng

Thời điểm này, tại các siêu thị, cửa hàng, chợ truyền thống ở Hà Tĩnh, hàng hóa tết với đa dạng mẫu mã, giá cả đã lên kệ để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân nhưng sức mua còn yếu.