Hiểu chiến tranh để biết giá của hòa bình

Sau hơn 30 năm nghiên cứu về Việt Nam, nhà sử học hàng đầu Na Uy, GS-TS Stein Tonnesson vừa ra mắt công trình Vietnam 1946: How the war began (tạm dịch Việt Nam 1946: Chiến tranh đã bắt đầu như thế nào) tại Hà Nội.
Bìa sách Vietnam 1946: How the war began - Ảnh: Ngọc Thắng

Bìa sách Vietnam 1946: How the war began - Ảnh: Ngọc Thắng

Cuốn sách lý giải nguyên nhân dẫn đến sự bùng phát cuộc chiến năm 1946, kể từ ngày 19.12. Trong cuốn sách này, Stein Tonnesson - với tư cách nhà nghiên cứu độc lập - đã thách thức những đánh giá, nhận định và cách tiếp cận quen thuộc bằng việc đưa ra những kiến giải mới mẻ, có phần gây tranh cãi về tính không tất yếu của cuộc chiến.

“Từ năm 1980 đến nay, tôi chỉ chăm chú vào việc nghiên cứu những diễn biến quanh cái ngày 19.12.1946 này”, Tonnesson hóm hỉnh kể. Để hiểu lịch sử Việt Nam, Tonnesson đã lặn lội khắp các kho tư liệu ở Pháp, Anh, Mỹ, Việt Nam; gặp gỡ và phỏng vấn không ít nhân chứng. Vì vậy, trong Vietnam 1946: How the war began, Tonnesson đã “hé mở” cho độc giả nhiều thông tin thú vị từ các nguồn tư liệu được coi là “mật” trong chiến tranh, mà ông thu thập được từ phía quân đội Pháp, Anh, Mỹ.

Hiểu chiến tranh để biết giá của hòa bình ảnh 2
Nhà sử học hàng đầu Na Uy, GS-TS Stein Tonnesson

Ngoài lịch sử Việt Nam hiện đại, Stein Tonnesson - nguyên Giám đốc Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế của Đại học Olso - cũng bận tâm đến những mâu thuẫn và xung đột trên biển Đông. Trước khi có mặt tại buổi giới thiệu Vietnam 1946: How the war began vào ngày 30.11, Tonnesson đã tham dự và chủ trì một phiên thảo luận ở hội thảo khoa học về biển Đông (ngày 26 - 27.11) ngay tại Hà Nội. Và trước khi viết Vietnam 1946: How the war began, Tonnesson đã viết Vietnam Revolution 1945. Luận văn thạc sĩ mà Tonnesson hoàn thành năm 1982 cũng về chủ đề chiến tranh Đông Dương. Lúc đó, chàng thanh niên trẻ Tonnesson chưa hề đến Việt Nam. Khi cuốn luận văn được xuất bản thành sách, Tonnesson đã ra bưu điện, mua 1 cái tem, đề ngoài phong bì mấy chữ “Vo Nguyen Giap – Viet Nam”, không có địa chỉ, rồi gửi đi. Sau đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận được sách.

Tuy nhiên, “nhược điểm” của Tonnesson - như ông thừa nhận - là không biết tiếng Việt. Có lẽ vì vậy mà Vietnam 1946: How the war began chủ yếu dựa trên nguồn tư liệu tiếng Pháp, tiếng Anh. Tất nhiên, Tonnesson cũng đã nhờ bạn bè dịch giúp một số cuốn sách “chuẩn” bằng tiếng Việt về giai đoạn 1946 trong lịch sử Việt Nam cùng hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tonnesson cũng “mò mẫm” đến xem các hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam và Bảo tàng Hồ Chí Minh để tự cảm nhận về lòng yêu nước của người Việt. Thế nhưng, hạn chế lớn nhất của Vietnam 1946: How the war began - theo Tonnesson - là việc chưa tiếp cận được những tài liệu “mật” của Việt Minh và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong cuộc kháng chiến chống Pháp. “Nếu được phép tiếp cận những tài liệu từ cách đây hơn 60 năm thì chắc rằng tôi sẽ có những nghiên cứu toàn diện hơn”, Tonnesson nói.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những nhân chứng sống mà Tonnesson từng gặp gỡ. Điều khiến Tonnesson đặc biệt kính trọng vị đại tướng này là “tinh thần yêu chuộng hòa bình và luôn nhấn mạnh tầm quan trọng phải có được hòa bình” cũng như “sự dũng cảm khi lật lại một số vấn đề về cuộc chiến năm 1946”. Những trăn trở, phản biện của tướng Giáp về cuộc chiến 1946 trong những lần đối thoại cùng sử gia Tonnesson cũng được ghi lại một cách chân thực trong Vietnam 1946: How the war began. Sách được phát hành bằng tiếng Anh. Bởi vậy, Stein Tonnesson mong muốn có một cơ hội Vietnam 1946: How the war began được dịch sang tiếng Việt để tặng các nhà nghiên cứu và độc giả Việt Nam.

“Phải hiểu chiến tranh để biết cái giá của hòa bình” là cách lý giải của Tonnesson cho mối bận tâm về chủ đề chiến tranh và cách mạng. Hiện, Tonnesson đang viết một cuốn sách về quá trình Đổi mới của Việt Nam. Trong sách này, Tonnesson sẽ thảo luận về quá trình hòa bình và những điều kiện để đảm bảo hòa bình. Cũng giống như cuốn Vietnam 1946: How the war began, thách thức của Tonnesson là phải viết làm sao để độc giả không... “buồn ngủ”, theo cách nói của ông. “Tôi chỉ là nhà sử học, không phải người viết văn chuyên nghiệp” - ông nói.

Nguồn: Thanh niên Online

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast