Người nói thật...

(Baohatinh.vn) - Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ - người con Hà Tĩnh là nhân vật lịch sử độc đáo, kiệt xuất trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, quân sự cho đến nghệ thuật, văn chương…

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, Hà Tĩnh là một trong những địa bàn chiếm vị trí chiến lược và thường được mệnh danh là “địa linh - nhân kiệt”, bởi hầu như thời nào cũng có những con người, cự tộc, làng xã, sự kiện... đóng góp xứng đáng cho đất nước, quê hương. Đặc biệt nhất là giai đoạn cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX, vùng đất này như bừng hẳn lên với sự xuất hiện hàng loạt những danh nhân mà cuộc đời, sự nghiệp của họ sẽ mãi song hành cùng lịch sử văn hóa dân tộc, trong đó, chỉ riêng mảnh đất Nghi Xuân đã đóng góp 2 tên tuổi lớn: Danh nhân văn hóa thế giới - Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du và Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ - một nhân vật lịch sử độc đáo, kiệt xuất trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, quân sự cho đến nghệ thuật, văn chương…

nguoi noi that

Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ

Quê cha làng Uy Viễn, quê mẹ xứ Sơn Nam (nay thuộc địa bàn Hà Nội); lại sinh ra ở Thái Bình, lớn lên bên dòng Lam, dưới chân Ngàn Hống, Nguyễn Công Trứ như là sự kết tinh của văn minh Thăng Long - sông Hồng, văn hóa Hồng Lĩnh - Lam Giang. Sinh thời, ông đã nổi tiếng là một người đa tài, một kẻ sĩ Xứ Nghệ độc đáo. Hăm hở lập danh nhưng mãi đến 42 tuổi, ông mới đỗ đạt; trong 28 năm làm quan – giữ đến trên 50 loại chức vụ và thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, lại cũng nhiều lần bị trù dập, giáng chức…

Cách đây hơn 80 năm, khi đánh giá về Nguyễn Công Trứ, Giáo sư Lê Thước nhận xét: “Ở đời có 3 điều bất hủ: Một là lập công. Hai là lập đức. Ba là lập ngôn… Trong 3 điều ấy, có được một vẫn đã khó, mà gồm được cả 3 chưa dễ mấy ai. Thường xét nước ta, có một bậc vĩ nhân. Nói về công thời rất lớn. Nói về đức thời đức rất dày. Mà nói về ngôn thời ngôn luận văn chương rất có giá trị. Nước nhà có được một bậc vĩ nhân như vậy, quốc dân ta há không nên tôn sùng, nên tượng đồng bia đá hay sao?”.

Ngày nay, mặc dù vẫn còn những ý kiến khác nhau, nhưng nhiều nhà nghiên cứu vẫn thống nhất đánh giá Nguyễn Công Trứ là một nhà yêu nước, một trí thức lớn và là nhà thơ độc đáo của dân tộc, một người có đầy đủ phẩm cách của con người sáng tạo lịch sử trên 4 phương diện:

Thứ nhất: Đề xuất và giải quyết vấn đề di dân lập ấp, phá thế trói buộc cố hữu hàng ngàn năm của đồng bằng sông Hồng; công lao tiêu biểu nhất là đã khai phá đất hoang, tổ chức hệ thống thủy lợi, giao thông, hình thành nên vùng đồng bằng ven biển nay thuộc 2 huyện Tiền Hải (Thái Bình), Kim Sơn (Ninh Bình) và một số xã ở Nam Định.

Thứ hai: Đề xuất việc rút lui chiến lược ở Chân Lạp để củng cố, phát triển đồng bằng sông Cửu Long.

Thứ ba: Trong văn học, là người mở hành lang mới vào thi ca quốc âm hiện đại với thể thơ hát nói bình dân và được coi như một ông tổ của nghệ thuật ca trù.

Và thứ tư, bằng chính cuộc đời mình, ông dựng lên một phong cách sống sục sôi hành động, xả thân vì lý tưởng, nói là làm và quyết làm bằng được, rất hùng tâm tráng chí, hồn nhiên, nhưng cũng pha nhiều nét ngông nghênh, phá cách của lớp nhà Nho tài tử…

nguoi noi that

Non nước Nghi Xuân. Ảnh: Quang Vinh

Tại cuộc hội thảo quốc gia do tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức vào ngày 19/12/2008 để kỷ niệm 230 năm năm sinh của ông, nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định: Cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Công Trứ không chỉ là vấn đề hôm qua, hôm nay, mà còn cả ở mai sau… Trong giờ nghỉ trưa, GS.TS Mai Trọng Nhuận (nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội) đã vui vẻ khởi xướng một cuộc tranh luận “mi-ni”: Hãy nói ngắn gọn nhất bằng một từ về Nguyễn Công Trứ? Người thì cho rằng, đó sẽ là ngông; ngất ngưởng; người lại đưa ra từ phong tình, hành lạc v.v...; GS. Nhuận và nhiều người tán đồng từ thật - ông là người nói thật, làm thật và cũng chơi... thật!

Đối với quê hương Hà Tĩnh, Nguyễn Công Trứ đã gắn bó sâu nặng và có thể nói cũng đã chịu ảnh hưởng, tác động lớn nhất so với nhiều danh sỹ cùng thời. Ngoài 11 năm trẻ thơ ở Thái Bình và 28 năm trải chốn quan trường nay đây mai đó, cuộc đời ông lúc trưởng thành cũng như khi về già đều sống ở quê, chủ yếu là Uy Viễn - Nghi Xuân và Rú Nài – Cảm Sơn, nay thuộc TP Hà Tĩnh. Truyền thống yêu nước, văn hóa, phong tục, tập quán cũng in đậm trong con người ông, nhất là các sinh hoạt nghệ thuật truyền thống như ca trù Cổ Đạm, phường vải Trường Lưu… Phải chăng vì vậy nên nhiều người đã nhận xét cốt cách Nguyễn Công Trứ rất đậm đà chất Nghệ? Lúc tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng nghe tin quân Pháp đánh chiếm Đà Nẵng, ông còn dâng sớ xin ra trận – còn một chút hơi thở, xin được lên đường lập tức... Con cháu ông có nhiều người là thủ lĩnh trong phong trào Cần vương. Nhân dân địa phương thường gọi ông bằng một cái tên nôm na là Cố Lớn và đã thêu dệt huyền thoại cuộc đời ông bằng rất nhiều giai thoại…

nguoi noi that

Sinh thời, nhân dân Tiền Hải, Kim Sơn cũng đã lập sinh từ thờ ông. Các đền thờ liên quan đến ông ở Thái Bình, Ninh Bình, Hà Tĩnh đều đã được xếp hạng… Quần thể di tích Nguyễn Công Trứ ở Nghi Xuân đã được quy hoạch tổng thể và từng bước trùng tu, tôn tạo; trong khu di tích có hẳn một đình ca trù, vừa là địa điểm hoạt động, tập luyện của CLB Ca trù Nghi Xuân, vừa là nơi biểu diễn phục vụ du khách... Tuy nhiên, so với những di sản mà ông để lại, chỉ chừng ấy thôi vẫn chưa tương xứng. Hy vọng, trong dịp kỷ niệm 240 năm năm sinh của Uy Viễn Tướng công (1778-2018), các địa phương nên xem xét triển khai xây dựng thêm các công trình lưu niệm (dựng tượng ông ở núi Nài hoặc công viên TP Hà Tĩnh, hoàn thành nâng cấp đường Nguyễn Công Trứ...) và tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để quảng bá, vinh danh xứng đáng một nhân cách, một tài năng mà càng ngẫm, càng soi, càng thấy sáng...

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast