Tết trong ký ức tuổi thơ tôi

(Baohatinh.vn) - Tôi sinh ra và lớn lên ở một miền quê thuộc huyện Cẩm Xuyên. Những năm sau ngày đất nước thống nhất, cái đói, cái nghèo còn ám ảnh trong từng bữa ăn đạm bạc. Dù vậy, những cái tết trong ký ức tuổi thơ vẫn đượm đà hương vị không thể mờ phai.

tet trong ky uc tuoi tho toi

Ảnh Zing

Ông bác tôi là tộc trưởng, một người khá cầu kỳ trong cái gu thưởng thức, trước tết độ vài tháng đã lên núi đào rễ cây hương bài về rửa sạch, đập dập, sau đó sấy thật khô trên than hồng và đem bỏ vào cối giã cho đến khi thành bột rồi trộn cùng bã mía làm chất dẫn lửa. Giấy dùng cuốn hương là loại giấy vở học trò bóc đôi ra. Lõi cây hương thường được làm bằng nứa khô chẻ nhỏ. Xong đâu đấy, bác ngồi tỉ mẩn cuốn những cây hương trầm, khi thắp lên có vị thơm đậm mà ngát, phảng phất trong không gian không lẫn vào đâu được.

Hình ảnh ấn tượng nhất của những ngày tết đến, xuân về là khi các bà, các cô chộn rộn sửa soạn xoong nồi, bếp núc, củi lửa để nấu bánh chưng. Trước đó, lá dong rừng đã được cắt về xếp thành từng tệp, bó vào thân cột cái để kẻo quằn và khô. Đợi đến ngày 29, 30 tết, ngâm nếp, đỗ xanh, thịt lợn thái to bản, gia vị đầy đủ… tất cả được chuẩn bị sẵn để các bác, các chú gói bánh. Còn gì thú vị hơn là vào những ngày cuối cùng của năm cũ, con cháu phương xa lũ lượt kéo về, xúm xít bên nhau, xem người lớn gói bánh chưng. Rồi trong cái giá lạnh mùa cũ, bên bếp lửa hồng, ngồi canh nồi bánh chưng, cùng ôn lại những chuyện vui buồn trong suốt năm qua trên mọi nẻo đường mưu sinh, lập nghiệp. Bếp lửa cuối đông là gam màu sinh động, nét phác thảo ấm áp trên nền chồi non, lộc biếc giao mùa. Mùi thơm của nồi bánh tỏa vào không gian, vào sâu thẳm hồn quê, tình người mộc mạc. Ngày nay, nhịp sống hiện đại với rất nhiều tiện ích đã khiến con người buông bỏ dần bao nếp cũ. Từ thành thị đến thôn quê vợi hẳn đi những hình ảnh thân thương mà nồng ấm thuở nào. Bánh chưng được các cơ sở sản xuất cho ra lò hàng loạt và bày bán khắp nơi. Những bếp lửa hồng nấu bánh chưng dần co cụm lại nơi thôn cùng ngõ tận như còn muốn giăng níu chút dư ba ngày cũ.

Tết xưa không thể thiếu pháo hồng. Gần nhà tôi có ông Hai (quê Diễn Châu), chuyên cuốn pháo bán vào dịp tết. Pháo bày bán khắp các chợ từ thành thị đến nông thôn. Trước tết, cha tôi mua 1 bánh pháo cỡ vừa đem về gói giấy báo treo trên giàn bếp cho khỏi bị ẩm, khi nổ tiếng mới giòn. Trẻ con chúng tôi hồi ấy trông đợi nhất là thời khắc giao thừa hoặc sáng mùng 1 tết, háo hức đi theo người lớn ra chỗ buộc dây pháo, he hé mắt nhìn họ châm lửa; ngọn lửa xì lên và từng quả pháo nổ toang toác, xen lẫn những tiếng pháo đại trầm đục.

Tết của người lớn là bộn bề công việc, chúc tụng, lễ lạt. Tết của trẻ con chỉ gói gọn trong những niềm vui nho nhỏ, những ước muốn con con, như là chờ nồi bánh chưng chín để được cha vớt cho chiếc bánh “cua” dẻo thơm; như khi nhặt được quả pháo còn nguyên lành sau làn khói biếc; như chiếc phong bao hồng hồng tuổi mới trước thềm xuân, được mặc áo mới đi chơi hội làng… Trẻ con bây giờ đa phần có cuộc sống đủ đầy hơn; được ăn ngon, mặc đẹp; được yêu chiều, chăm chút khác với tuổi thơ lam lũ của chúng tôi ngày ấy. Nhưng có vẻ cuộc sống tiện nghi dần choán hết tâm trí chúng và đồ chơi điện tử, smartphone, game… đã chiếm mất khoảng thời gian dành cho chút hồn nhiên của tuổi ngây thơ. Và những người thế hệ tuổi tứ tuần chúng tôi mỗi lần tết đến, xuân về lại da diết nhớ dư âm dịu ngọt của những cái tết tuổi thơ xưa…

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast