Người lính trong thơ ca kháng chiến

(Baohatinh.vn) - Đi qua 2 cuộc chiến tranh vệ quốc kéo dài và khốc liệt, các thế hệ người lính đã thực hiện vẻ vang sứ mệnh lịch sử của mình và ghi dấu bằng những vẻ đẹp vừa cao cả, vừa gần gũi; vừa bi hùng, vừa giản dị, ấm áp trong thơ ca kháng chiến. người lính, anh Bộ đội Cụ Hồ trở thành hình tượng trung tâm, xuyên suốt, chiếm trọn rung cảm thẩm mỹ của các thế hệ nhà thơ.

Các thế hệ nhà thơ chống Pháp, chống Mỹ trước hết là những người lính. Tiếng nói của nhà thơ cũng chính là tiếng nói của người trong cuộc. Thơ ra đời từ những cánh rừng, chiến hào, mặt trận, trên những chặng đường hành quân... Chính vì thế, tiếng nói của nhà thơ là tiếng nói của cá nhân nhưng đủ sức đại diện cho cả thế hệ. Những trải nghiệm khắc nghiệt của chiến tranh, suy nghĩ về đất nước, nhân dân, về sự hy sinh, lòng yêu nước, trách nhiệm lịch sử… được thể hiện một cách khái quát, chân thực nhất và ghi đậm dấu ấn mỗi thế hệ vào đời sống tinh thần dân tộc trong những “tháng năm không thể nào quên”.

Người lính trong thơ ca kháng chiến ảnh 1
Dù nhiều gian khó, nhưng trên môi các chiến sĩ trẻ luôn phơi phới nụ cười tin vào chiến thắng ở ngày mai của trong bức ảnh "Tuổi trẻ ở Trường Sơn". Ảnh: Đoàn Công Tính

Nói về những người lính, trước hết phải nói về “tinh thần nhận lĩnh trách nhiệm” cao cả của họ trước lịch sử, đất nước, nhân dân. Và ở mọi thế hệ, khi nhận lĩnh trách nhiệm lịch sử, đều có những tuyên ngôn và tự họa chân dung riêng của thế hệ mình. Thế hệ chống Pháp nói về ý chí, quyết tâm lên đường, sẵn sàng bỏ lại cuộc sống bình yên bằng những hình ảnh cụ thể, đầy sức gợi, nhuốm không khí rất đặc trưng của những ngày đầu cách mạng: Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội/ Những phố dài xao xác hơi may/ Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy (Nguyễn Đình Thi). Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng là cách nói của Chính Hữu về họ - các chàng trai Hà Thành. Họ đã rời bỏ sách vở và cuộc sống chốn thị thành với phố xá êm đềm lưu luyến sau lưng để lên đường đi kháng Pháp. Người ra đi đầu không ngoảnh lại, cách nói đậm dáng dấp anh hùng, mang hơi hướng khí chất Kinh Kha, mộng mơ và lãng mạn nhưng đã thể hiện mạnh mẽ hơn bao giờ hết ý chí, sự dấn thân. Thái độ dứt khoát khi lên đường đi chiến đấu bảo vệ độc lập của dân tộc còn được thể hiện trong cách nói chất phác, giản dị nhưng không kém phần quyết liệt của những người lính nông dân ra đi từ các làng quê: Ruộng nương anh gửi bạn thân cày/ Gian nhà không mặc kệ gió lung lay (Chính Hữu).

Cũng như những người lính chống Pháp, thế hệ chống Mỹ đã khẳng định sự xuất hiện kịp thời với một thái độ lựa chọn quyết liệt và ý thức sâu sắc về sự lựa chọn ấy: Khi anh hiểu nhân dân, nhân dân chia cắt/ Yêu Tổ quốc mình, Tổ quốc chia đôi/ Nỗi đau ấy góp đời mình để xóa (Hữu Thỉnh); Ta đi hôm nay đã không là sớm/ Đất nước hành quân mấy chục năm rồi/ Ta đến hôm nay cũng không là muộn/ Đất nước còn đánh giặc chưa thôi (Phạm Tiến Duật); Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình/… nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc (Thanh Thảo)... Trực diện và đầy tính suy lý, những câu thơ của các nhà thơ chống Mỹ đại diện cho tiếng nói chung của triệu triệu người lính, họ là những người đã dạn dày bom đạn trong kháng chiến chống Pháp; là thanh niên, sinh viên, học sinh trưởng thành khi cuộc chiến tranh chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt nhất. Và tất cả đều chung ý chí: Dàn hàng gánh đất nước trên vai (Bằng Việt). Có thể nói, chưa bao giờ sứ mệnh của người lính đối với đất nước, nhân dân lại được ý thức sâu sắc, được thể hiện một cách nhiệt thành và ráo riết đến vậy.

Bước tới chiến trường, hòa mình trong cuộc chiến đấu gian khổ và ác liệt, gương mặt tinh thần của những người lính nhanh chóng hiện diện trong thơ như một tiếng nói tự ý thức mạnh mẽ. Không chỉ tuyên ngôn về trách nhiệm, hành động trước lịch sử, những người lính còn tự bạch về bản thân, về đồng đội, về cuộc sống ở chiến trường... Đó là vẻ đẹp của sức chịu đựng gian khổ, hy sinh. Những câu thơ hào hoa của Quang Dũng viết về cuộc hành quân của đoàn quân Tây Tiến: Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây súng ngửi trời/ Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống/ Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi (Tây Tiến), hay những câu thơ mộc mạc của Chính Hữu về nỗi gian khổ của những người lính nông dân: Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh/ Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi… Áo anh rách vai, quần tôi có vài mảnh vá/ Miệng cười buốt giá, chân không giày/ Thương nhau tay nắm lấy bàn tay (Đồng chí)… đã nói lên đầy đủ sức mạnh, sự kiên cường của những người lính thời chống Pháp. Sự hy sinh là phẩm chất ngời sáng nhất được ngợi ca và ngưỡng mộ khi viết về người lính. Phẩm chất ấy được phát huy cao độ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt kéo dài hơn 20 năm. Sự chịu đựng gian khổ, hy sinh của người lính xuất phát từ lòng yêu nước, những người lính chống Mỹ đã lý giải, cắt nghĩa mối quan hệ biện chứng ấy bằng cách nói đầy tính triết lý, từ chối hết ngôn từ, hình ảnh hoa mỹ: Chúng tôi nói về lòng yêu nước/ Bằng lưỡi xẻng moi hầm/ Bằng khẩu súng cầm tay… Chúng tôi nói về lòng dũng cảm/ Bằng xác giặc ngổn ngang, khẩu súng đỏ nòng/ Bằng áo nhuộm mưa dầm, thuốc đạn (Nguyễn Đức Mậu). Cũng từ lòng yêu nước, tinh thần sẵn sàng đối mặt với gian khó, với cái chết mà mỗi người lính qua các thế hệ luôn mang một tâm thế lạc quan, yêu đời, tin tưởng vào sức mạnh chiến thắng. Tinh thần lạc quan biểu hiện trong câu chuyện hồn nhiên, mộc mạc của những người lính nông dân: Đằng nớ vợ chưa/ Đằng nớ/ Tớ còn chờ độc lập/ Cả lũ cười vang bên ruộng bắp/ Nhìn o thôn nữ cuối nương dâu (Hồng Nguyên); hay trong cách nhìn tếu táo, ngang tàng khi nói về thiếu thốn, hiểm nguy của các chàng lính lái xe: Không có kính không phải vì xe không có kính/ Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi/… Không có kính, ừ thì có bụi/ Bụi phun tóc trắng như người già/ Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc/ Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha (Phạm Tiến Duật). Tinh thần lạc quan mang đậm chất lính trở thành nét đẹp tỏa sáng trong những câu thơ viết về họ.

Người lính trong thơ ca kháng chiến ảnh 2
Các cô gái trung đội Vân Dương - Huế chia nhau một bức thư nhà giữa rừng Trường Sơn. Ảnh: TTXVN

Chân dung của thế hệ những người lính đi qua cuộc chiến tranh của dân tộc trở nên đầy đặn hơn, đời thường và gần gũi hơn bởi những tình cảm riêng tư, hết sức sâu đằm. Trên những chặng đường hành quân luôn có một nỗi nhớ thương để lại phía sau, đó là quê hương, làng xóm, nơi có những người mẹ, người vợ, người chị, người em… ngóng chờ. Những câu thơ hay nhất, thấm thía nhất, xúc động nhất là những câu thơ viết về những tình cảm ấy. Thanh Thảo mở đầu trường ca Những người đi tới biển bằng suy nghĩ về mẹ: Khi con thưa với mẹ mưa bay mờ đồng ta/ ngày mai con đi/ khói bếp mẹ con mình chợt ngừng trên mái rạ/… ngày mai con đi/ nửa đất đai này mẹ gánh. Hữu Thỉnh lại nói được đến tận cùng nỗi nhớ thương về mẹ bằng hình ảnh được lọc qua ký ức giữa khoảng không gian xa vời từ chiến trường: Mẹ đi gánh rạ giữa đồng/ Rạ chẳng nặng mà nặng nhiều vì gió… Con thương mẹ, con thương đất nước/ Áo vá vai như ruộng vá chân đồi/ Mẹ mất ngủ suốt một đời trận mạc/ Đất nước là trán mẹ đẫm mồ hôi... Có thể nói, những tình cảm da diết chính là động lực, là sức mạnh để họ vượt qua thử thách, chiến đấu và chiến thắng. Ngoài những câu thơ hay, đầy tính triết lý viết về mẹ, nhân dân, đất nước thì những câu thơ tài hoa nhất, có sức lay động nhất là viết về tình cảm, suy tư hay mơ mộng: “Mái tóc đen dày làm tỉnh cả dòng sông” (Thu Bồn), “Chúng tôi bơi trong thương nhớ của riêng mình”, “Tiếng suối đổ, hãy nghe suối đổ/ Chảy cồn cào ngang dọc nỗi tâm tư”, “Hoa bung biêng ơi con lắc của mùa xuân/ Rừng không ngủ vì những hồi gõ tím” (Hữu Thỉnh)… Qua đó, chúng ta có thể hình dung rõ hơn về đời sống tâm hồn phong phú, tinh tế, nhạy cảm của người lính trẻ.

Vẻ đẹp ý chí, tâm hồn của những người lính được soi chiếu từ nhiều góc độ với cách biểu hiện phong phú và cũng mang dấu ấn đặc trưng của thế hệ. Vừa thực tại, vừa giàu chất thơ; vừa bình dị nhưng cũng rất đỗi anh hùng, hình tượng người lính là nguồn cảm hứng ngợi ca và ngưỡng vọng, trở thành một trong những hình tượng trung tâm chi phối đến chiều sâu thẩm mỹ của thơ ca kháng chiến.

(Hội VHNT Hà Tĩnh)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast