Lũ lụt miền Trung - Nguyên nhân và giải pháp

Đó là chủ đề hội thảo do Tổng cục thủy lợi (Bộ NN&PTNT Việt Nam) phối hợp với Bộ Đất đai cơ sở hạ tầng giao thông và Du lịch Nhật Bản tổ chức vào sáng 24/2. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn tới dự.

Rừng đầu nguồn bị tàn phá nghiêm trọng là một trong những nguyên nhân chính gây lũ lớn ở miền Trung những năm qua
Rừng đầu nguồn bị tàn phá nghiêm trọng là một trong những nguyên nhân chính gây lũ lớn ở miền Trung những năm qua

Hội thảo nêu bật tình hình khí hậu và thiên tai ở Việt Nam, đặc điểm lũ lụt miền Trung và nhận định nguyên nhân gây lũ lớn, kéo dài trong những năm qua, đặc biệt là lũ miền Trung trong tháng 10/2010 vừa qua.

Ở Hà Tĩnh, 10 năm qua luôn bị ảnh hưởng của bão, lũ gây thiệt hại lớn về người và tài sản; đặc biệt, trong các năm 2002 và 2007, lũ quét làm chết 82 người, thiệt hại gần 2.000 tỉ đồng. Riêng năm 2010, Hà Tĩnh phải gắng chịu liên tiếp 2 trận lũ, làm 51 người chết, tổng thiệt hại về tài sản ước tính 6.374 tỷ đồng.

Cũng trong trận lũ kép đó, nhiều tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hoá đã bị thiệt hại lớn về người và tài sản (143 người chết, hàng trăm người bị thương, thiệt hại lớn về tài sản).

Nguyên nhân gây lũ lớn, kéo dài chủ yếu do mưa với cường độ lớn, xẩy ra trên diện rộng cùng với thuỷ triều dâng cao; quá trình đô thị hoá một số nơi đã san lấp các vùng trũng, khu vực ven dòng chảy cửa sông; rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ bị thu hẹp; xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông có cao trình cao hơn so với trước, tạo thành tuyến ngăn lũ.

Mặt khác, tình trạng chặt phá rừng, thảm thực vật bị suy kiệt làm tăng tốc độ dòng chảy mặt nước; công tác quy hoạch đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giữa các ngành, địa phương chưa đồng bộ…cũng là nguyên nhân gây lũ lớn.

Hội thảo đã chỉ ra những tồn tại trong công tác phòng, chống bão lũ hiện nay, đồng thời đưa ra một số giải pháp khắc phục với phương châm: “Chủ động phòng, tránh, thích nghi để phát triển”, trong đó, xây dựng và rà soát các khu vực thường xuyên bị ngập lụt trên địa bàn, để từ đó lập bản đồ làm cơ sở để rà soát quy hoạch của các cấp, ngành; tăng cường trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn; nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn từ cấp trung ương đến thôn, bản.

Bên cạnh đó, các địa phương cần xây dựng phương án phòng, chống lụt, bão chi tiết, cụ thể theo phương châm "4 tại chỗ"; xây dựng cơ sở hạ tầng phòng tránh thiên tai, trong đó có hệ thống đê sông, đê biển, khu neo đậu tàu thuyền, đường giao thông vượt lũ…; riêng công trình hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện phải đảm bảo cắt giảm lũ cho vùng hạ lưu.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast