Quá tải bệnh viện (bài 1): “Căn bệnh” kéo dài

(Baohatinh.vn) - Quá tải bệnh viện đã trở thành căn bệnh “lây nhiễm” lan tới hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) từ tuyến huyện trở lên. Thực trạng này đã và đang tạo ra cho ngành Y tế sự đối nghịch lớn trong việc triển khai các hoạt động hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Nhiều năm nay, các cơ sở KCB trong tỉnh từ tuyến huyện trở lên như một cơ thể đang mặc trên mình một chiếc áo quá chật. Bác sỹ Hoàng Thư - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện Đức Thọ cho biết: “Bệnh viện có chỉ tiêu 100 giường bệnh theo kế hoạch nhưng luôn có từ 150-250 bệnh nhân điều trị nội trú. Chúng tôi phải tận dụng tối đa cơ sở vật chất của bệnh viện để kê thêm giường cho bệnh nhân theo nhu cầu. Đặc biệt, từ khi thông tuyến BHYT tuyến xã, huyện đến nay, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị còn tăng thêm 15-20%. Các sảnh, hội trường của bệnh viện cũng đã được cải tạo thành buồng bệnh”…

BVĐK tỉnh có 500 giường bệnh chi tiêu nhưng luôn phải thực kê trên 1.000 ngàn giường bệnh

BVĐK tỉnh có 500 giường bệnh chi tiêu nhưng luôn phải thực kê trên 1.000 ngàn giường bệnh

BVĐK thành phố Hà Tĩnh có quy mô 100 giường bệnh nhưng từ 2 năm nay luôn thường trực từ 200 bệnh nhân trở lên điều trị nội trú. Giám đốc BVĐK thành phố Trần Nguyên Phú trăn trở: “Không phải quá tải do “thời vụ” nữa mà liên tục quá tải. Đặc biệt, từ khi thông tuyến BHYT đến nay, mỗi ngày, bệnh viện đón tiếp 500-600 bệnh nhân đến khám bệnh, trong đó, có trên 300 người điều trị nội trú, gấp 3 lần so với quy mô bệnh viện”…

Bệnh nhân đông, cơ sở vật chất còn đủ đáp ứng để kê thêm giường. Tuy nhiên, bất cập nhất là đội ngũ nhân lực. Bệnh viện có 55 bác sỹ nhưng có đến 6 bác sỹ trong thời gian tham gia các chương trình đào tạo nâng cao năng lực, vì vậy, còn chưa đến 50 bác sỹ tham gia KCB. Bên cạnh đó, đội ngũ điều dưỡng cũng rất thiếu. Bởi vậy, nếu chỉ dựa vào nguồn nhân lực của bệnh viện thì không thể đáp ứng yêu cầu phục vụ bệnh nhân.

Đối với BVĐK tỉnh, sự quá tải cũng đã diễn ra từ nhiều năm nay. Bệnh viện luôn có 1.200 người điều trị nội trú/500 giường bệnh kế hoạch. Nhiều khoa, phòng quá tải triền miên như khoa tim mạch và lão học, nội tiết, ung bướu, nhi, sản, hồi sức tích cực…

Bác sỹ Nguyễn Viết Đồng - Phó Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc BVĐK tỉnh cho biết: Thực hiện giảm tải cho bệnh viện tuyến trên, BVĐK tỉnh đã tích cực triển khai các đề án bệnh viện vệ tinh và chuyển giao các kỹ thuật chuyên sâu; mời các giáo sư, chuyên gia đầu ngành về tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm và phục vụ bệnh nhân tại bệnh viện. Từ đó, nhiều kỹ thuật tương đương với các bệnh viện trung ương đã được ứng dụng tại BVĐK tỉnh và bệnh nhân trực tiếp được thụ hưởng. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, phát triển càng nhiều kỹ thuật thì bệnh viện ngày một quá tải vì số lượng bệnh nhân đông hơn. Các chỉ tiêu khám, điều trị cho bệnh nhân tăng từ 10-18%.

Tình trạng quá tải này kéo dài sẽ gây ra những hệ lụy ngoài mong muốn như sai sót chuyên môn, ảnh hưởng đến chất lượng KCB. Đặc biệt, trong khi ngành Y tế đang hướng tới sự hài lòng người bệnh thì sự quá tải đang đặt ra sự đối nghịch giữa yêu cầu chất lượng và việc chạy theo số lượng. Cũng do quá tải nên lâu nay, nhiều nhân viên y tế không được hưởng chế độ nghỉ trực, hạn chế việc tái tạo sức lao động. Một số bệnh viện phải hợp đồng thêm nhân viên y tế vì nhân lực trong biên chế không đủ đáp ứng yêu cầu phục vụ bệnh nhân. Tuy nhiên, với cơ chế tài chính hiện nay thì rất khó khăn trong việc chi trả lương cho các hợp đồng lao động cũng như nâng cao đời sống cho cán bộ, viên chức.

Sự quá tải bệnh viện cũng là thực trạng đáng lo ngại ngay cả các đơn vị một thời “kêu” khó khăn trong thu hút người bệnh như BVĐK Lộc Hà, Nghi Xuân. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, nhưng nguyên nhân lớn nhất hiện nay vẫn là sự quá tải do quy mô. Quy mô giường bệnh/vạn dân đến thời điểm này đã như một chiếc áo nhỏ cho một cơ thể cao lớn. Nếu so sánh với các tỉnh bạn trong vùng, Hà Tĩnh là tỉnh có tỷ lệ giường bệnh/vạn dân thấp nhất (19,3 giường bệnh/vạn dân), trong khi các tỉnh khác như Thừa Thiên Huế lên tới 39 giường bệnh/vạn dân; tỷ lệ bình quân chung của cả nước là 22,5 giường bệnh/vạn dân.

Theo lãnh đạo các bệnh viện, họ đã nhiều lần đề xuất được tăng chỉ tiêu giường bệnh nhưng chưa được chấp thuận. Đã từ rất lâu, các bệnh viện trong toàn tỉnh (trừ bệnh viện TX Kỳ Anh được nâng lên 20 giường bệnh) không có sự điều chỉnh về quy mô giường bệnh trong khi dân số đã gia tăng mạnh.

(Còn nữa)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast