Thanh niên xung phong Hà Tĩnh: Ký ức người ở lại

(Baohatinh.vn) - Chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức đau thương về một thời đạn bom khói lửa nơi chiến trường ác liệt và những tình cảm ấm nồng của đồng đội vẫn còn in đậm trong tâm trí những cựu TNXP trên tuyến đường 15 máu lửa.

>>Thanh niên xung phong Hà Tĩnh : “Sống thật đẹp như tuổi trẻ đã từng...”

Tôi đến thăm ông vào một chiều mùa đông rét mướt. Ông đang tất bật cùng các hội viên Hội CCB xã Khánh Lộc (Can Lộc) chuẩn bị cho buổi lễ tổng kết cuối năm. Bên cốc nước chè xanh ấm nóng, ông trầm tư kể cho tôi nghe quãng đời chiến đấu, lao động của mình cùng các đồng đội TNXP. Ông là Trần Sỹ Giai (thôn Đông Hòa - xã Khánh Lộc), gia nhập lực lượng TNXP và chiến đấu tại bến phà Địa Lợi (Hương Khê) sau khi tốt nghiệp khóa đầu tiên của Trường Cấp 3 Can Lộc.

thanh nien xung phong ha tinh ky uc nguoi o lai

Ông Trần Sỹ Giai bên kỷ vật một thời chiến đấu anh dũng cùng đồng đội

Đường 15 là tuyến huyết mạch vận chuyển vũ khí, đạn dược tiếp viện cho chiến trường miền Nam nên hứng chịu nhiều bom đạn của kẻ thù. Địch ngày đêm đánh phá ác liệt, bao nhiêu bom đạn đã dội xuống và bao nhiêu máu của các chiến sỹ cũng đã đổ xuống mảnh đất này.

Ông Giai nhớ lại những khó khăn, gian khổ ngày ấy: “Đơn vị 551 N55 P18 của chúng tôi phối hợp cùng lực lượng công binh phải lặn lộn dưới dòng sông để chuyển phà, phao, kịp lắp ghép, thông tuyến cho các đoàn xe qua. Mùa đông giá rét, anh em vẫn phải trầm mình dưới sông cả ngày, đó là chưa kể việc bị sên, vắt cắn. Mùa mưa lũ còn vất vả hơn khi nước sông Ngàn Sâu dâng cao, cuồn cuộn hung dữ càng làm cho công việc khó khăn gấp bội. Anh chị em phải dựng lán trong rừng sâu, thiếu thốn đủ bề nên sức khỏe yếu. Nam giới vất vả đã đành, thương nhất vẫn là chị em phụ nữ. Những lớp học văn hóa được tổ chức để bổ sung kiến thức, giáo dục tư tưởng chính trị cho chiến sĩ nhưng phải tiến hành trong hầm sâu, dùng vách giao thông làm bảng. Khó khăn là vậy, nhưng tình cảm anh em, đồng đội luôn ấm áp. Sau những giờ phút nổ mìn, đập đá, ghép phao thông đường, anh em vẫn cất cao tiếng hát, động viên nhau mỗi khi nhớ nhà, chăm sóc khi ốm đau, bị thương… Đơn vị tôi khi ấy kết nghĩa với một đơn vị phòng không không quân để hỗ trợ nhau trong chiến đấu. Nhiều pháo thủ hy sinh tại trận địa đã được đơn vị chuyển thi hài về chôn cất cẩn thận, chu đáo tại xã Hương Tân (xã Hương Thủy ngày nay)”.

Chiến tranh không tránh khỏi những mất mát. Đôi mắt ông như chùng xuống khi kể cho tôi nghe kỷ niệm đau thương về sự hy sinh của đồng đội mình. Năm 1967, ông được điều động về Tổng đội 55 (đóng tại xã Mỹ Lộc). Đồng chí Võ Xuân Tài (quê Khánh Lộc) đã hy sinh anh dũng trong lúc cùng đồng đội rà phá bom mìn, làm đường tránh thông tuyến cho Ngã ba Đồng Lộc. Thi thể đồng chí không còn nguyên vẹn, đồng đội đau xót chia nhau đi nhặt từng mảnh thân thể của anh. Trước sự hy sinh của đồng chí Tài, toàn tổng đội càng quyết tâm biến đau thương thành hành động, vượt qua khó khăn, gian khổ để lập thêm nhiều chiến công.

Năm 1968, ông Giai có quyết định đi học tại Trường Đại học Tổng hợp (Hà Nội), sau khi tốt nghiệp được phân công giảng dạy tại Trường Trung cấp Nông nghiệp Hà Tĩnh. Năm 2003, về công tác tại Văn phòng UBND huyện Can Lộc đến lúc nghỉ hưu. Cả cuộc đời cống hiến cho đất nước, cho sự nghiệp trồng người và phục vụ nhân dân, nay nghỉ hưu, ông vẫn tích cực hoạt động công tác xã hội. Là Chủ tịch Hội Khuyến học, cựu giáo chức, Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã Khánh Lộc, ông vẫn cùng đồng đội - những người đã cống hiến tuổi xuân cho đất nước truyền lửa cho thế hệ cháu con.

Những năm qua, Hội Cựu TNXP của xã đã thực hiện tốt phương châm đoàn kết - mẫu mực - hết mình vì đồng đội. Những hoàn cảnh cựu TNXP khó khăn, neo đơn, không nơi nương tựa được hội quan tâm, hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần. Nhờ đó, họ vượt qua khó khăn, sống tuổi già vui khỏe, có ích bên đồng đội của mình. Bên cạnh đó, cũng có những hội viên tuy tuổi đã cao nhưng vẫn phụ giúp con cháu làm kinh tế để tăng thu nhập cho gia đình như bác Nguyễn Thị Liên với mô hình chăn nuôi lợn, bác Lê Thị Mai nuôi cá, lợn…

Riêng bản thân ông, ở tuổi xưa nay hiếm, không có niềm vui nào lớn lao hơn việc chứng kiến con cái trưởng thành, vui vầy bên cháu chắt. 6 người con của ông bà đều có công việc và vị trí tại các cơ quan nhà nước, trong đó, 3 người nối nghiệp bố mẹ trong sự nghiệp trồng người. Ông trải lòng: “May mắn trở về lành lặn từ cuộc chiến và có cuộc sống viên mãn ngày hôm nay, những người như chúng tôi không thể nào quên biết bao xương máu của đồng đội mình đã đổ xuống mảnh đất này. Giờ tuổi đã xế chiều, tôi cố gắng hết mình vì công tác hội, giúp đỡ những đồng đội kém may mắn trong cuộc sống”.

(Còn nữa)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast