Xử lý ô nhiễm môi trường trên tỉnh lộ 3: Loay hoay chuyện… trách nhiệm!

Tuyến tỉnh lộ 3 thuộc địa phận các xã: Thạch Đài, Thạch Lưu, Thạch Vĩnh, Ngọc Sơn (Thạch Hà - Hà Tĩnh), từ lâu trở thành một trong những điểm nóng về tình trạng ô nhiễm môi trường cũng như tiềm ẩn nguy cơ về tai nạn giao thông. Nguyên nhân cơ bản nhất, vẫn là sự vô ý thức của các chủ phương tiện vận tải và sự thờ ơ trong quản lý, điều hành của các cơ quan chức năng cùng các cấp chính quyền địa phương.

Tuyến tỉnh lộ 3 lâu nay xuống cấp và trở thành điểm nóng về ô nhiễm môi trường bởi hằng ngày phải "cõng" trên mình hàng ngàn chuyến xe lớn nhỏ chuyên chở đất từ các xã Ngọc Sơn, Thạch Ngọc xuống địa bàn TP Hà Tĩnh và các địa phương lân cận, nay lại trở nên trầm trọng hơn, khi các đơn vị triển khai thi công nâng cấp tuyến đường.

Cuộc sống của người dân hai bên đường vốn đã ngột ngạt lại càng nặng nề hơn. Chuyện người dân tụ tập, chặn xe chở đất làm tắc nghẽn giao thông là chuyện thường ngày trên tuyến đường này. Dù biết làm thế vi phạm pháp luật nhưng theo những người dân ở đây thì chỉ như vậy mới mong được hưởng được một chút không khí trong lành trong lúc không biết kêu ai. Điều lạ là sau mỗi một "cuộc bạo loạn” như thế, sẽ có một chiếc xe chuyên dụng tiến hành tưới nước giảm bụi trên một đoạn đường nhất định, đường sẽ được thông xe, rồi sau đó lại nguyên như cũ… làm người dân hết sức bức xúc.

Cuộc sống của người dân dọc 2 bên tuyến tỉnh lộ 3 ngột ngạt vì ô nhiễm

Cuộc sống của người dân dọc 2 bên tuyến tỉnh lộ 3 ngột ngạt vì ô nhiễm

Trước những diễn biến phức tạp đó, Ban ATGT huyện Thạch Hà đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp với đầy đủ các thành phần liên quan gồm: Ban Quản lý Dự án nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ 3, các đơn vị thi công, các chủ mỏ đất, đại diện chính quyền các xã liên quan để bàn biện pháp giải quyết. Tại cuộc họp, các nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường được xác định là: do mặt đường xuống cấp, do đơn vị thi công và xe chở đất từ các mỏ không tuân thủ các biện pháp đảm bảo an toàn…

Ông Trần Văn Quyết - Phó Ban quản lý và điều hành Dự án xây dựng giao thông (Sở GTVT Hà Tĩnh), đại diện chủ đầu tư cho biết: “Dự án nâng cấp tỉnh lộ 3 đi qua địa phận huyện Thạch Hà có tổng chiều dài 11,4 km được chủ đầu tư bàn giao 7,6 km cho các đơn vị thi công. Tại các điểm đang thi công, chủ đầu tư có trách nhiệm kiểm tra, nhắc nhở các đơn vị thi công thực hiện nghiêm việc tưới nước giảm bụi. Thời gian qua, các đơn vị thi công đã thực hiện việc tưới nước trong phạm vi đơn vị mình thi công. Tuy nhiên, hiện còn 3,8 km chưa GPMB nên nhà thầu không thể thực hiện thi công. Và, do không thi công nên nhà thầu cũng không chịu trách nhiệm tưới nước ở đoạn đường này”.

Cũng theo ông Quyết, đoạn đường chưa được thi công này thì chủ đầu tư không có trách nhiệm tưới nước giảm bụi.

Một nguyên nhân quan trọng làm tình hình càng thêm phức tạp, rối rắm là sự quản lý lỏng lẻo, không tuân thủ nghiêm các quy định có tính pháp lý của chính quyền địa phương có mỏ khai thác đất. Thực tế là thời gian qua, xã Ngọc Sơn đã đánh đồng việc khai thác đất đối với các chủ mỏ có giấy phép khai thác và các chủ mỏ không có giấy phép. Điều này, không chỉ gây thiệt hại lớn về nguồn tài nguyên của Nhà nước (bởi không thu được các loại thuế), bất công cho các chủ mỏ có giấy phép, mà còn không thể quản lý được việc đảm bảo vệ sinh môi trường.

Ông Nguyễn Đại Thành - Giám đốc Công ty CP Đại Thành (Ngọc Sơn) cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn xã Ngọc Sơn có 5 DN được cấp phép khai thác mỏ. Thời gian qua, chúng tôi đã chấp hành đầy đủ các quy định về khai thác mỏ và đóng nộp phí, thuế tài nguyên. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ, đóng góp thêm tiền phí môi trường để địa phương thực hiện tưới nước ở những đoạn đường do xe chở đất từ các mỏ của chúng tôi gây ra. Tuy nhiên, từ đầu năm 2011 đến nay, chúng tôi hầu như có rất ít hợp đồng khai thác, thậm chí có mỏ phải đóng cửa do không thể cạnh tranh nổi với các mỏ khai thác không phép trên địa bàn. Vì vậy, sẽ không công bằng khi bắt chúng tôi chịu trách nhiệm”.

“Các mỏ có phép của chúng tôi phải bán đất theo mức giá quy định của UBND tỉnh năm 2010 là 20.000 đồng/m3, trong khi các mỏ khai thác trái phép do không phải nộp các loại thuế nên họ chỉ bán với giá 12 - 15.000 đồng/m3. Vì vậy, người chấp hành đúng quy định về khai thác thì không có việc làm; người không chấp hành đúng quy định thì khai thác không kịp để bán. Đề nghị chính quyền các cấp cần có biện pháp kịp thời đem lại sự công bằng cho chúng tôi - ông Hùng, chủ Doanh nghiệp khai thác đất Mạnh Cường chia sẻ.

Các mỏ không có phép trên địa bàn xã Ngọc Sơn vẫn ngang nhiên hoạt động trước sự thờ ơ của chính quyền địa phương (Ảnh chụp ngày 21/4)
Các mỏ không có phép trên địa bàn xã Ngọc Sơn vẫn ngang nhiên hoạt động trước sự thờ ơ của chính quyền địa phương (Ảnh chụp ngày 21/4)

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Quyết - Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn cho biết, thời gian qua có nhiều doanh nghiệp khai thác tài nguyên trên địa bàn nhưng xã vẫn chưa được hưởng lợi (!?). Còn việc các chủ mỏ không có giấy phép vẫn ngang nhiên khai thác trên địa bàn là do một số người dân có nhu cầu hạ cốt đất vườn, san nền làm nhà… nên xã “linh động”?!.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu của chúng tôi, nhiều hộ dân ở đây đã bán cả phần đất giao khoán rừng, vườn đồi thuộc dự án 327 và 661 trồng mới 5 triệu ha rừng của Chính phủ!

Tại cuộc họp bàn biện pháp giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường trên tỉnh lộ 3, ông Đỗ Khoa Văn - Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà, Trưởng Ban ATGT huyện đã yêu cầu các đơn vị thi công thực hiện việc tưới nước giảm bụi; mỗi doanh nghiệp khai thác đất phải đóng 5 triệu đồng cho Ban ATGT huyện để Ban điều phối về các xã thực hiện việc tưới nước.

Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà cũng yêu cầu các xã có mỏ đất phải khẩn trương đóng cửa và xử lý nghiêm các điểm khai thác trái phép.

Tuy nhiên, thay vì thực hiện kết luận của Chủ tịch UBND huyện, ngày 21/4, UBND xã Ngọc Sơn lại ra Thông báo số 20/TB-UBND, về việc đình chỉ hoạt động các mỏ khai thác tài nguyên trên địa bàn?! Điều này lại một lần nữa gây thêm bức xúc cho các chủ mỏ có phép.

Tình trạng ô nhiễm trên tỉnh lộ 3 vẫn chưa có gì thay đổi, người dân sống 2 bên đường và người qua đường hằng ngày vẫn phải tiếp tục hứng chịu những trận “bão bụi”.
Tình trạng ô nhiễm trên tỉnh lộ 3 vẫn chưa có gì thay đổi, người dân sống 2 bên đường và người qua đường hằng ngày vẫn phải tiếp tục hứng chịu những trận “bão bụi”.

Theo Thượng tá Đặng Hoài Sơn, Trưởng Công an huyện Thạch Hà, khi có nhiều phương tiện giao thông ách tắc, dồn ứ tại một điểm sẽ gây nguy cơ cháy nổ rất lớn. Việc người dân chặn xe lưu thông trên đường là vi phạm pháp luật. Dù xuất phát từ nguyện vọng chính đáng là chỉ vì bảo vệ môi trường sống cho mình nhưng người dân có thể phải lâm vào vòng lao lý.

Để kịp thời chấn chỉnh thực trạng này, đảm bảo kỷ cương phép nước, rất cần sự vào cuộc đồng bộ, một giải pháp quyết liệt và hữu hiệu. Người dân đang chờ đợi từ các cơ quan chức năng và chính quyền huyện Thạch Hà.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast