Xã giàu nhất nước thiếu bác sỹ

Cương Gián (Nghi Xuân) từng được mệnh danh là xã giàu nhất nước, có tổng thu nhập từ 70 đến 80 tỷ đồng/năm. Thế nhưng, việc chăm sóc sức khỏe cho hơn 13.000 người dân nơi đây đang được giao cho 1 y tá và 2 nữ hộ sinh.

Bác sỹ “bỏ” bệnh nhân

Cương Gián nằm cách trung tâm huyện Nghi Xuân 16km, có diện tích 22,18 km² , với hơn 13. 000 người ( chiếm 11 % diện tích và 13 % dân số toàn huyện). Theo thống kê của Quỹ tín dụng liên xã Cương Gián - Xuân Liên, bình quân mỗi năm lượng ngoại hối gửi về Cương Gián khoảng 3 triệu USD, đó là chưa kể số ngoại hối được gửi về qua các đường tiểu ngạch. So với các địa phương khác ở Nghi Xuân, Cương Gián được coi là đơn vị đi đầu trong phát triển kinh tế xã hội.

Theo ông Nguyễn Quỳnh Thông - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Cương Gián, hiện tại đơn vị được phân bổ 6 biên chế, trong đó có 1 y tá điều dưỡng (trạm trưởng), 2 nữ hộ sinh trung học, 1 trung cấp dược, một y sỹ đông y (đã nghỉ sinh) và một y sỹ y học dự phòng đang học chuyên tu. Hiện việc khám và điều trị bệnh cho người dân đều do 1 ý tá và 2 nữ hộ sinh thực hiện. Bình quân mỗi năm Trạm Y tế xã Cương Gián tiến hành khám cho hơn 10.000 lượt người, điều trị nội trú cho khoảng 750 bệnh nhân và 190 ca sinh nở, trog đó có 70% sinh tại trạm, một khối lượng bênh.

Cũng theo ông Thông, những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, tình trạng thanh niên tụ tập rượu chè đánh nhau, tai nạn giao thông cũng gia tăng, do đó gánh nặng về việc khám, điều trị cũng kéo theo.

Vì không níu chân được bác sỹ ở lại nên việc chăm sóc sức khỏe cho người dân chủ yếu do y tá, Trạm trưởng Nguyễn Quỳnh Thông thực hiện

Vì không níu chân được bác sỹ ở lại nên việc chăm sóc sức khỏe cho người dân chủ yếu do y tá, Trạm trưởng Nguyễn Quỳnh Thông thực hiện

Được biết trong 5 năm lại nay, đã có 3 bác sỹ được điều về Cương Gián công tác, nhưng được hai đến ba tháng lại bỏ việc. Cá biệt có bác sỹ là người địa phương được tạo điều kiện đi học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nhưng khi ra trường không quay trở lại nơi làm việc cũ. Lý giải về việc tất cả Bác sỹ được điều chuyển về đây đều bỏ việc hoặc chuyển đi làm ở các địa phương khác,

Trưởng phòng Y tế huyện Nghi Xuân Trần Văn Ất cho rằng, vì sợ không phát huy được chuyên môn nghiệp vụ, không có điều kiện học tập để nâng cao trình độ nên các Bác sỹ không mặn mà với y tế tuyến cơ sở. Đồng thời chế độ lương, phụ cấp của bác sỹ làm việc tại các xã thấp hơn nhiều so với làm ở các bệnh viện lớn khác và các chế độ lương, ưu đãi cũng thường. Do vậy các cán bộ được huyện điều chuyển về Cương Gián đều bỏ việc.

Được biết, trong lúc Trạm y tế xã Cương Gián còn thiếu con người nhưng gần 10 năm nay đơn vị này vẫn được công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Y tá vẫn khám bệnh và kê đơn thuốc

Vì không giữ chân được bác sỹ khi về trạm xá nên việc khám, điều trị và kê đơn thuốc ở đây hiển nhiên được giao cho các y tá và hộ sinh. Theo Trạm trưởng Trạm y tế Cương Gián Nguyễn Quỳnh Thông, mặc dù theo quy định của Bộ Y tế, với chuyên môn y tá như ông không đủ điều kiện để khám bệnh và kê đơn thuốc, nhưng do thiếu nhân lực nên ông và các nữ hộ sinh cũng phải gánh thêm việc khám bệnh và kê đơn thuốc cho bệnh nhân. “Vì thiếu biên chế, bác sỹ nên hầu hết các ca cấp cứu, điều trị tại đây đều do một mình tôi gánh vác”, ông Thông phân trần.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi, trường hợp y tá Thông không trực thì việc khám và điều trị bệnh cho người dân được thực hiện như thế nào?. “Nếu tôi không trực thì việc khám và chữa bệnh cho người dân do các nữ hộ sinh được phân công trực thực hiện. Đối với các trường hợp cấp cứu khó thì họ gọi điện hỏi tôi cách điều trị hoặc chuyển lên tuyến trên”, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Cương Gián cho biết thêm.

Theo Bác sỹ Hà Thanh Sơn - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nghi Xuân, hầu hết các trạm xá trên địa bàn đều có từ 1 đến 2 bác sỹ, nhưng Trạm Y tế xã Cương Gián lại không nằm trong số đó nên ảnh hưởng rất nhiều đến việc chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân, có rất nhiều trường hợp khi vào trạm y tế Cương Gián bệnh nhân nằm trong tình trạng cấp cứu nguy kịch, sốc phản vệ hoặc những ca sinh nỡ khó, Bệnh Viện Đa khoa Nghi Xuân phải bố trí bác sỹ, phương tiện hỗ trợ để hỗ trợ Cương Gián. Mấy năm lại nay, nếu không có sự hỗ trợ kịp thời của tuyến huyện, các ca cấp cứu tại đây sẽ đối mặt với nhiều biến chứng khó lường.

Được biết, tại Cương Gián, đối một số gia đình có điều kiện, khi người nhà có triệu chứng bị bệnh nguy hiểm họ sẵn sàng thuê phương tiện chở người nhà lên các tuyến trên, nhưng theo Bác sỹ Hà Thanh Sơn, đối với những trường hợp cấp cứu bất khả kháng thì việc điều trị tại chỗ kịp thời sẽ góp mang lại hiệu quả cao hơn cho quá trình điêu trị. Và không phải ai ở Cương Gián cũng có điều kiện để thuê xe chở người nhà lên tuyến trên cấp cứu. Điều đó đồng nghĩa với việc bà con nhân dân ở Cương Gián sẽ phải tiếp tục gánh chịu những thiệt thòi trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu do tình trạng thiếu y, bác sỹ vẫn đang tiếp diễn.

Trao đổi với chúng tôi về thực trang thiếu nguồn nhân lực ý tế tại địa phương, Phó Chủ tịch UBND xã Cương Gián Hoàng Văn Tiến khẳng định, tại bất cứ cuộc họp, diễn đàn nào vấn đề thiếu y, bác sỹ cũng được lãnh đạo xã đề cập quyết liệt, nhưng việc chuyển, bổ sung bác sỹ về công tác tại địa phương vẫn không được như mong đợi.

Theo đại đa số ý kiến của bà con nhân dân địa phương, với một xã đông dân, xa trung tâm huyện như Cương Gián, lẽ ra các cấp, ngành ở Nghi Xuân phải đặc biệt quan tâm, ưu tiên tạo điều kiện để bà con nhân dân nơi đây được chăm sóc sức khỏe tốt nhất. Do vậy, việc thiếu bác sỹ trong một thời gian dài ở Cương Gián đặt ra câu hỏi về công tác luân chuyển cán bộ mà huyện Nghi Xuân đang tiến hành.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast