4 mô hình xây dựng NTM ở Hà Tĩnh được giới thiệu trên toàn quốc

(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh có 4 mô hình được Văn phòng Điều phối NTM Trung ương lựa chọn, tập hợp vào ấn phẩm “Mô hình, sáng kiến hay trong xây dựng nông thôn mới năm 2023”.

Trên cơ sở giới thiệu của các địa phương, Văn phòng Điều phối NTM Trung ương đã tổng hợp, biên tập và vừa xuất bản ấn phẩm “Mô hình, sáng kiến hay trong xây dựng nông thôn mới năm 2023”.

Mô hình “Cụm dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn - văn minh" của Chi hội Nông dân thôn Hợp Trùa - xã Hương Minh (Vũ Quang).

Ấn phẩm giới thiệu 149 mô hình, sáng kiến hay trong xây dựng NTM được lựa chọn từ 32 tỉnh, thành trên cả nước, bao gồm các lĩnh vực như: an ninh trật tự; xử lý rác thải; phát triển du lịch; sản xuất nông nghiệp; hiến đất, xây dựng giao thông nông thôn; xây dựng văn hóa, nếp sống văn minh; chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn; công tác tuyên truyền, tổ chức cuộc thi…

Ấn phẩm là tài liệu cung cấp thông tin, kinh nghiệm quý để các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiên cứu, học hỏi những mô hình sáng tạo, cách làm hay nhằm phổ biến, nhân rộng, góp phần thúc đẩy chương trình xây dựng NTM ngày càng hiệu quả và bền vững.

Hà Tĩnh vinh dự có 4 mô hình, sáng kiến được lựa chọn giới thiệu trong ấn phẩm này, bao gồm: “Nhà văn hóa cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ”; “Cụm dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn - văn minh - sáng tạo trong xây dựng NTM tại huyện Vũ Quang”; “Phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình trên địa bàn huyện Kỳ Anh”; “Hiệu quả công tác tuyên truyền NTM, OCOP trên sóng HTTV”.

Mô hình "Nhà văn hóa cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ" là cách làm sáng tạo của Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh.

Trong đó, mô hình “Nhà văn hóa cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ” được đánh giá là cách làm sáng tạo, mang lại nhiều lợi ích, ý nghĩa trong xây dựng NTM, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân các địa phương ở Hà Tĩnh.

Đây là sáng kiến được Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh triển khai từ đầu năm 2021, nhằm tạo dựng, duy trì và phát triển cộng đồng học tập suốt đời; chia sẻ tri thức, kinh nghiệm; rèn luyện kỹ năng sống, sự hiểu biết và lan tỏa lòng nhân ái trong cộng đồng xã hội; đồng thời, phát huy tối đa công năng sử dụng của các nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão, lũ.

Sau hơn 3 năm triển khai, toàn tỉnh đã cho ra mắt 116 mô hình “Nhà văn hóa cộng đồng - Ngôi nhà Trí tuệ”, hoạt động hiệu quả với kinh phí xã hội hóa hơn 22 tỷ đồng.

Mô hình "Nhà văn hóa cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ" đã trở thành không gian sinh hoạt văn hóa của người dân, góp phần thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Các mô hình được trang bị đầy đủ bàn ghế, dụng cụ thể dục thể thao, thư viện với hơn 20 nghìn đầu sách, thiết chế văn hóa dân gian; hệ thống máy tính kết nối mạng internet. Cùng với đó, các câu lạc bộ ngoại ngữ, kỹ năng sống, dân ca ví giặm, khiêu vũ... hoạt động khá sôi nổi, tích cực.

Mô hình “Nhà văn hóa cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ” ở các địa phương đã trở thành không gian sinh hoạt văn hóa, gắn kết cộng đồng dân cư, góp phần thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói