Anh-Cover-MB-OK.jpg
Tit phu 1.jpg

Đã gần 10 năm kể từ ngày ký vào lá đơn tự nguyện hiến dâng một phần cơ thể cho y học sau khi qua đời, đến nay, ông Trịnh Văn Hải (SN 1961, trú tổ dân phố 8, phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh) luôn cảm thấy hạnh phúc với quyết định ngày ấy.

Trong căn nhà nhỏ đơn sơ nhưng vô cùng ấm áp, ông Hải bồi hồi kể về quyết định được xem là “táo bạo nhất cuộc đời”. Theo chia sẻ, chính tuổi thơ cơ cực đã giúp ông có được rất nhiều bài học về cuộc đời, về con người.

Anh-1.jpg

Vợ chồng ông Trịnh Văn Hải và bà Vũ Thị Lụa đã đăng ký hiến tạng sau khi qua đời tại Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia.

Dù chỉ là một người dân bình thường nhưng ông Hải luôn quan tâm đến hiện trạng thiếu nguồn tạng hiến tại Việt Nam. Hàng trăm nghìn người đang chờ được ghép tim, thận, gan, giác mạc... để được sống trong khi lượng người hiến tạng lại rất ít. Từ đó, ý định đăng ký hiến tạng cứ le lói trong thâm tâm ông.

Trong một bữa cơm tối vào năm 2015, ông Hải vô tình xem được lời kêu gọi hiến tạng được phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam. Như được truyền cảm hứng một cách mạnh mẽ, ông nhanh chóng lấy bút giấy ghi lại thông tin liên hệ để thực hiện mong ước của mình.

22.jpg
Giây phút ngồi trước tờ đơn đăng ký hiến tạng, người đàn ông này đã quyết định hiến 12 bộ phận cơ thể sau khi chết cho y học.

“Khi xem báo, đài, tôi được biết nước ta có hàng chục nghìn người đang cần ghép mô, tạng duy trì sự sống, song chưa thể thực hiện được vì không đủ nguồn mô, tạng để ghép… Nếu một người khi mất đi có thể hiến một bộ phận nào đó của cơ thể để cứu sống một người khác, đó là điều thật tuyệt vời và chúng tôi sẽ để lại cho đời những gì cần nhất" - ông Trịnh Văn Hải chia sẻ.

Trich 1 (1).jpg

Nghĩ là làm, ông nhanh chóng liên hệ tới số điện thoại của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia (VNCCHOT) để đăng ký hiến tạng. Ông Hải được tư vấn chi tiết, hướng dẫn quy trình và các thủ tục dành cho người đăng ký tình nguyện hiến tạng vì mục đích nhân đạo. Sau khi được hướng dẫn, mọi thủ tục đăng ký hiến tạng được gửi về tận nhà ông Trịnh Văn Hải.

Trong tờ đơn đăng ký hiến tạng có 12 ô khác nhau tương ứng với 12 bộ phận cơ thể sẽ hiến tặng sau khi qua đời như xương, tủy, da, thận, gan, giác mạc... Dù có phút chần chừ suy nghĩ nhưng cuối cùng ông Hải quyết định đánh dấu toàn bộ vào các ô rồi gửi đi.

"Giây phút ngồi trước tờ đơn đăng ký là lúc tôi cảm nhận mình đối mặt với cái chết một cách trần trụi nhất. Nhưng rồi tôi nghĩ cái chết sẽ không là hư vô nếu từ cái chết đó sự sống được hồi sinh và tôi quyết định hiến 12 bộ phận cơ thể cho y học sau khi qua đời. Gần 10 năm trôi qua nhưng tôi chưa bao giờ hối hận với quyết định đó".

Trich 2.jpg
Tit phu 2.jpg

Chỉ sau 2 năm sau quyết định táo bạo của ông Trịnh Văn Hải, 3 thành viên khác trong gia đình ông là vợ và hai cô con gái cũng đều đăng ký hiến tạng sau khi qua đời.

"Vì gặp một số trục trặc về giấy tờ nên tới năm 2017, tôi và các con mới đăng ký hiến tạng như trước đó chồng tôi đã làm. 3 mẹ con cùng đăng ký hiến 12 bộ phận trên cơ thể sau khi qua đời mà không phải suy nghĩ, đắn đo, cân nhắc gì cả" – bà Vũ Thị Lụa (SN 1968, vợ ông Trịnh Văn Hải) vui vẻ nói.

Anh-3.jpg

Dù chỉ làm những công việc giản dị nhưng vợ chồng ông Hải luôn quan tâm đến hiện trạng thiếu nguồn tạng hiến tại Việt Nam.

Bà Lụa kể, bản thân chỉ là một tiểu thương kinh doanh nhỏ, không nắm rõ về các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, khi thấy chồng ấp ủ nguyện vọng hiến tạng từ lâu, bà cố gắng tìm hiểu và sớm đồng cảm, ủng hộ quyết định của chồng.

Trich 3.jpg

“Khi biết câu chuyện của gia đình tôi, có người trầm trồ ngưỡng mộ nhưng cũng không thiếu người dè bỉu, chê bai. Nhưng điều đó cũng không thay đổi quyết định của cả gia đình vì chúng tôi quan niệm chết là về với cát bụi. Nếu biết trái tim hay quả thận của mình đang có người sử dụng thì xem như bản thân chúng tôi vẫn tồn tại, sự sống cứ thế được tiếp nối thì còn gì hạnh phúc bằng" - bà Lụa chia sẻ

Cầm 4 tấm thẻ hiến tạng trên tay, chị Trịnh Vũ Thu Hà (SN 1993, con gái đầu của ông Trịnh Văn Hải) bày tỏ: "Thay vì phải lưỡng lự, đắn đo làm sao để người thân đồng ý cho phép hiến tạng sau khi qua đời như những bạn trẻ khác thì tôi vô cùng tự hào khi chính bố mẹ lại là người truyền lửa cho chúng tôi làm điều đó. Từ nguyện vọng của bố mẹ đã giúp chị em tôi hiểu hơn về tình người để biết sống, làm việc, cống hiến thật nhiều hơn nữa”.

Kể từ khi đăng ký hiến tạng, ông Hải luôn dặn các con mang theo thẻ bên người cùng các giấy tờ tùy thân quan trọng khác. Bởi chiếc thẻ này sẽ giúp đơn vị cấp cứu nhận diện người đã đăng ký hiến tạng khi gặp sự cố nguy hiểm đến tính mạng. Họ sẽ thông báo cho đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người đến tiếp nhận, tiến hành các thủ tục cần thiết để ghép tạng cho người bệnh càng sớm càng tốt. Không chỉ vậy, các thành viên trong gia đình ông Hải cũng tự ý thức việc chăm sóc sức khỏe của mình hơn.

Thiết kế chưa có tên.jpg
Kể từ khi đăng ký hiến tạng, ông Hải luôn dặn các con mang theo thẻ bên người cùng với các giấy tờ tùy thân quan trọng khác.

"Bố luôn dặn cả nhà phải ăn uống lành mạnh, thường xuyên bổ sung hoa quả, rau xanh, tăng cường tập luyện thể dục thể thao nâng cao sức khỏe. Bản thân em sau khi đăng ký hiến tạng cũng ý thức chăm sóc sức khỏe hơn, vừa tốt cho bản thân vừa là việc nên làm để giữ cho các bộ phận cơ thể luôn ở trong trạng thái khỏe mạnh trước khi hiến tặng cho người khác” - chị Trịnh Vũ Ngân Hà (SN 1997, con gái út của ông Trịnh Văn Hải) chia sẻ.

Không dừng lại ở việc đăng ký hiến tạng, trong đời sống hằng ngày, cả 4 thành viên gia đình ông Trịnh Văn Hải không ngừng lan tỏa lối sống đẹp, tích cực kêu gọi mọi người hiến tạng cho những số phận kém may mắn.

44.jpg
Ông Trịnh Văn Hải luôn tích cực kêu gọi mọi người hiến tạng cho những số phận kém may mắn.

Ông Phan Xuân Thanh - Phó Chủ tịch UBND phường Nam Hà (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Gia đình ông Trịnh Văn Hải là một gia đình gương mẫu, nhiều năm liền đạt gia đình văn hóa của địa phương. Việc cả 4 thành viên trong gia đình đều đăng ký hiến tạng sau khi qua đời cho mục đích nhân đạo là một việc làm hết sức cao cả. Chúng tôi cũng hy vọng từ câu chuyện của gia đình ông Hải sẽ góp sức lan tỏa thông điệp để thay đổi quan niệm về hiến tạng của nhiều người. Từ đó là nguồn động lực cho cộng đồng tham gia đăng ký tình nguyện hiến tạng sau khi qua đời, giúp thêm nhiều người bảo tồn, duy trì sự sống”.

Ông Trịnh Văn Hải gửi thông điệp kêu gọi hiến tạng để đóng góp cho y học.

Khó khăn nhất trong ghép tạng đối với các bác sỹ Việt Nam không phải kỹ thuật mà là nguồn hiến tạng khan hiếm. Theo số liệu thống kê, tỷ lệ đăng ký hiến tặng mô, tạng tại Việt Nam đến ngày 31/1/2024 chỉ chiếm 0,09% trên tổng số dân, con số quá thấp so với các nước trên thế giới.

Theo Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, hiện trong danh sách chờ ghép tạng có khoảng 3.806 bệnh nhân.

Các cá nhân đăng ký tình nguyện hiến tạng liên hệ địa chỉ:

Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia

Phòng 230 - Nhà C2 - Bệnh viện Việt Đức

Số 40 Tràng Thi - Hoàn Kiếm - Hà Nội

Đăng ký online tại địa chỉ: https:vnhot.vn

Tại Hà Tĩnh liên hệ:

Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hà Tĩnh

Địa chỉ: 157 - đường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh (Hà Tĩnh)

Email: ctdhatinh@gmail.com

SĐT liên hệ: 0972878075 (bà Phạm Thị Mỹ Long - cán bộ Ban Công tác xã hội của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hà Tĩnh).

BÀI, ẢNH: NGÂN GIANG

THIẾT KẾ: HUY TÙNG

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast