Bà Nguyễn Thị Lý (ngoài cùng bên trái) cũng là tổng chỉ huy về kỹ thuật chế biến nước mắm của HTX
Nhìn dáng vẻ khắc khổ, trầm lặng của người đứng đầu HTX Thu mua và Chế biến thủy sản Trung Tiến, xã Kỳ Khang - bà Nguyễn Thị Lý - rất khó hình dung người phụ nữ này chính là người đặt quyết tâm và kiên trì vượt qua thách thức để nâng tầm chất lượng sản phẩm truyền thống.
Với sự quyết tâm, bền bỉ của người đứng đầu cùng sự chung sức của xã viên, thương hiệu “nước mắm bà Lý” đã từng bước vươn xa.
Bà Lý chia sẻ: “Nghề làm nước mắm truyền từ nhiều đời đã giúp tôi vượt qua nhiều khó khăn nuôi đàn con ăn học. Vì vậy, dù đã sang tuổi 70, trải qua nhiều khó khăn sau sự cố môi trường biển nhưng tôi luôn gắn bó với nghề.
Đặc biệt, khi nắm bắt được cơ hội lớn của chương trình một xã một sản phẩm, tôi đã đặt quyết tâm thực hiện các bước đi để đạt tiêu chuẩn OCOP nhằm giúp thế hệ sau phát triển nghề truyền thống một cách bền vững”.
Tại xã Kỳ Khang, cũng với sự quyết tâm và cách làm bài bản, bà Trần Thị Hà - Giám đốc HTX Trung Khang và bà Trương Thị Nhị - Giám đốc HTX Kỳ Khang đã có các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao (cấp tỉnh) là nước mắm và sứa ăn liền.
2 sản phẩm mang thương hiệu nước mắm và cá cơm của HTX Thu mua và Chế biến thủy sản Kỳ Phú đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao
Cũng nối tiếp nghề thu mua và chế biến thủy sản từ 2 gia đình nội, ngoại, thuận lợi của Chủ nhiệm HTX Thu mua và Chế biến thủy sản Kỳ Phú - chị Nguyễn Thị Miện là đã sớm tiếp cận các chương trình, dự án của hội liên hiệp phụ nữ (LHPN).
Nhờ đó, từ 10 năm trước, chị đã chuyển từ quy mô gia đình sang cơ sở chế biến rồi tiến tới thành lập THT, HTX. Các chương trình tập huấn của hội từ đổi mới quy trình kỹ thuật đến nâng cao năng lực, kỹ năng quản lý mô hình kinh tế tập thể đã giúp chị Miện dần trưởng thành ở vai trò đứng chủ HTX.
Chị Nguyễn Thị Miện (ngoài cùng bên trái) bên hệ thống pin năng lượng mặt trời được đầu tư năm 2019
“Chính quyền các cấp và hội phụ nữ đã đồng hành, hướng dẫn, hỗ trợ chúng tôi thực hiện các quy trình thực hiện tiêu chí OCOP và giúp tôi tiếp cận thêm nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH.
Ngoài ra, trong các đợt trưng bày, giới thiệu sản phẩm ở các hội chợ từ huyện đến tỉnh, tôi luôn được chị em hội phụ nữ sát cánh cùng quảng bá sản phẩm. Đây thực sự là động lực quan trọng để HTX chúng tôi xây dựng thành công 2 sản phẩm đạt điểm OCOP cấp tỉnh năm 2019 là nước mắm và cá mờm Kỳ Phú” - chị Miện chia sẻ.
Chủ nhiệm HTX Thu mua và Chế biến thủy sản Phú Khương bên sản phẩm OCOP 3 sao
Còn với Chủ nhiệm HTX Thu mua và Chế biến thủy sản Phú Khương - chị Lê Thị Khương ở xã Kỳ Xuân thì hành trình nâng tầm sản phẩm đã giúp chị ngày càng năng động và tự tin.
Sản phẩm nước mắm Phú Khương chạm đích các tiêu chí OCOP cấp tỉnh từ năm 2018 và HTX đã có cơ ngơi sản xuất tập trung rộng hơn 1 ngàn m2, với hơn 100 bể muối, 100 bộ pin năng lượng mặt trời.
HTX Thu mua và Chế biến thủy sản Phú Khương hiện có hơn 100 bể muối
Chị Khương chia sẻ: “Trong năm 2019, khi sản phẩm đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, nước mắm Phú Khương đã được nhiều đại lý, cửa hàng trong và ngoài tỉnh nhập với số lượng lớn. Chúng tôi quyết tâm nâng lên 4 sao vào năm 2020 và 5 sao vào năm 2021. Trên cơ sở đó, nâng sản lượng từ 80 ngàn lít nước mắm/năm sẽ tăng lên gấp đôi trong năm 2020”.
Trong 2 năm 2018 - 2019, có 5 HTX do hội viên phụ nữ làm chủ đã xây dựng thành công 7 sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Trưởng thành từ chương trình OCOP, những nữ giám đốc HTX đang trở thành điểm tựa vững chắc để phát triển nghề biển, tạo việc làm, thu nhập cho lao động các địa phương, đưa sản phẩm chế biến thủy sản ở Kỳ Anh không ngừng vươn xa.