Ảm đạm tương lai giải trừ vũ khí hạt nhân thế giới

START-3 đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ và tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân thế giới trở nên mịt mờ hơn bao giờ hết.

Số lượng đầu đạn hạt nhân giảm

Theo báo cáo thường niên về “Vũ khí, giải trừ quân bị và an ninh quốc tế” của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố ngày 15/6/2020, tính đến cuối năm 2019, 9 quốc gia gồm Nga, Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Anh, Pakistan, Ấn Độ, Israel và Triều Tiên sở hữu 13.400 đầu đạn hạt nhân (chưa tính số đầu đạn của Triều Tiên, nhưng SIPRI ước tính nước này có 30-40 đầu đạn hạt nhân), ít hơn gần 500 so với đầu năm 2019, nhờ các nỗ lực của Nga và Mỹ. Số lượng vũ khí nguyên tử đã giảm nhiều từ đỉnh cao vào những năm 1980, khi có đến 70.000 đơn vị.

Nga và Mỹ hiện sở hữu tới hơn 90% kho vũ hạt nhân trên thế giới, trong đó Mỹ có khoảng 5.800 đầu đạn hạt nhân (cắt giảm 385 đầu đạn hạt nhân trong năm 2019) và Nga có khoảng 6.375 (giảm 125 đầu đạn so với năm 2018), so với con số 320 của Trung Quốc, 290 của Pháp và 215 của Anh. Riêng Nga, Mỹ, Pháp và Anh hiện đang có tổng cộng 3.720 đầu đạn hạt nhân đang trực chiến, gần 1.800 đầu đạn hạt nhân khác đang được đặt trong trạng thái sẵn sàng triển khai.

Trong khi đó, tính đến 2020, Bắc Kinh có thêm 30 đầu đạn (nâng tổng số lên 320) và New Delhi có thêm 10-20 đầu đạn (nâng tổng số lên 150). Kho vũ khí hạt nhân của thế giới đa dạng cả đầu nổ và phương tiện mang, được thiết kế để giải quyết các nhiệm vụ chiến thuật, chiến dịch và chiến lược. Ở cấp chiến thuật là các đầu đạn, bom, mìn hạt nhân công suất cực nhỏ (đương lượng nổ từ 0,1 đến 1kT), có thể bắn bằng pháo trong cự li 10-20km.

Ảm đạm tương lai giải trừ vũ khí hạt nhân thế giới

Số lượng vũ khí hạt nhân của các nước; Nguồn: sipri.org

Vũ khí có công suất tương đương 2 quả bom Mỹ đã ném xuống Nhật Bản 60 năm trước đây, nay thuộc cấp chiến dịch. Ở cấp chiến dịch, chiến thuật, người ta có thể sử dụng cả pháo binh (pháo, cối, đại bác), tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân. Vũ khí hạt nhân chiến lược có công suất khác nhau: nhỏ (1-10kT), vừa (10-100kT), lớn (>100kT) và cực lớn (1-100MT). Tất cả các quốc gia hạt nhân đều cam kết không sử dụng trước đòn đánh hạt nhân, song đều dành cho mình quyền giáng trả hạt nhân đối với lực lượng tấn công xâm lược.

Các hệ thống vũ khí hạt nhân mới đang được phát triển

Trong những năm 1950-1970, phương tiện mang vũ khí hạt nhân chủ yếu là máy bay ném bom chiến lược và một phần máy bay tiêm kích bom. Từ thập niên 1970 lại đây, tên lửa với hàng loạt tính năng ưu việt đã trở thành phương tiện mang chủ yếu. Tên lửa có thể được phóng từ hầm ngầm (si-lô), các phương tiện trên mặt đất, trên không, tàu chiến, tàu ngầm, trên vũ trụ. Theo SIPRI, về tổng thể, số lượng vũ khí hạt nhân trên thế giới đang giảm dần, song các quốc gia vẫn tiếp tục hiện đại hóa số vũ khí này.

Nga và Mỹ đang thực hiện những chương trình hiện đại hóa trang bị hạt nhân với quy mô và chi phí lớn để nâng cấp các đầu đạn hạt nhân, tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, hệ thống phóng và trang bị vũ khí hạt nhân; đồng thời, hiện đại hóa các cơ sở sản xuất lắp ráp chúng. Các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân khác cũng đã trang bị, đang phát triển hoặc đã tuyên bố ý định phát triển các hệ thống vũ khí mới có khả năng triển khai đầu đạn hạt nhân. Trung Quốc đang phát triển các tên lửa hạt nhân phóng từ đất liền hoặc từ biển và các máy bay có khả năng trang bị vũ khí hạt nhân, tạo ra “bộ ba hạt nhân”.

Ấn Độ và Pakistan đã từng bước gia gia tăng số lượng và chủng loại vũ khí hạt nhân của mình. Triều Tiên tiếp tục ưu tiên chương trình hạt nhân quân sự như một yếu tố trung tâm của chiến lược an ninh quốc gia. Mặc dù đã tuân thủ lệnh cấm tự tuyên bố về việc thử vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo tầm xa vào năm 2019, trong năm Triều Tiên đã tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm ngắn, bao gồm một số hệ thống mới.

Ảm đạm tương lai giải trừ vũ khí hạt nhân thế giới

Các phương tiện sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ngày càng được quan tâm hơn; Nguồn: Sputnik

Ngày nay, các cường quốc hạt nhân ngay từ lãnh thổ của mình có thể phóng tên lửa liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân nguyên khối hoặc phân tách (3-10 đầu đạn con) tới bất kì điểm nào trên trái đất, đủ sức hủy diệt hàng chục thành phố lớn của một quốc gia trong thời gian chớp nhoáng, với sai số nhỏ hơn 100m. Hai cường quốc hạt nhân Nga và Mỹ tuy đang xúc tiến những bước đi nhằm cắt giảm lực lượng hạt nhân, song vẫn sở hữu một kho vũ khí hạt nhân khổng lồ và đang có kế hoạch chế tạo các loại vũ khí hạt nhân “mini”.

Mới nhất, Bộ Quốc phòng Mỹ vừa tiết lộ hình ảnh chiếc tiêm kích thế hệ thứ 5 F-35A thử nghiệm khả năng thả bom B61-12 - một trong những bom hạt nhân nguy hiểm nhất - là phiên bản hợp nhất để thay thế 4 phiên bản cũ hơn trong kho vũ khí hạt nhân của họ. Vũ khí này với khả năng mang đương lượng nổ công suất 50kT, có thể chứa trong khoang vũ khí bên trong thân của chiến cơ F-35. F-35A của Mỹ đang được chuẩn bị để trở thành chiến đấu cơ công dụng kép, có khả năng mang cả vũ khí chiến thuật và chiến lược vào tháng 1/2023, khi cập nhật phần mềm mới từ phiên bản hiện tại Block 3A lên Block 4.

Ảm đạm tương lai giải trừ vũ khí hạt nhân

Thông tin đáng tin cậy về tình trạng kho vũ khí hạt nhân và khả năng của các quốc gia hạt nhân thay đổi đáng kể. Năm 2019, chính quyền Mỹ đã chấm dứt công khai quy mô kho vũ khí của nước này; Anh và Pháp cũng chỉ công bố một số thông tin. Nga không công khai phân tích chi tiết lực lượng của mình được tính theo New START, mặc dù họ chia sẻ thông tin này với Mỹ. Ấn Độ và Pakistan đưa ra tuyên bố về một số vụ thử tên lửa nhưng cung cấp ít thông tin về tình trạng hoặc quy mô kho vũ khí của mình. Triều Tiên đã thừa nhận tiến hành các vụ thử vũ khí hạt nhân và tên lửa nhưng không cung cấp thông tin về khả năng hạt nhân của nước này. Trong khi đó, Israel có chính sách nhất quán không bình luận về kho vũ khí hạt nhân của họ.

Trong một diễn biến có liên quan, tháng 5/2020, Đại sứ Mỹ Mosbacher tại Ba Lan bắn tin rằng, Warsaw có thể đồng ý tiếp quản kho vũ khí hạt nhân của Mỹ ở châu Âu nếu Đức từ chối tàng trữ. Mỹ được cho có khoảng 150 đơn vị vũ khí hạt nhân ở châu Âu, trong đó có 20 đơn vị tại Đức. Theo các nhà quan sát, nếu triển khai kho vũ khí hạt nhân ở Ba Lan, Mỹ đang cố gắng cải tổ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và chính sách châu Âu. Về lâu dài, tầm quan trọng chiến lược của Đông Âu tăng mạnh và Warsaw có thể trở thành đồng minh chính của Washington ở “lục địa già”.

Ảm đạm tương lai giải trừ vũ khí hạt nhân thế giới

Có nhiều chỉ dấu của một cuộc chạy đua hạt nhân mới đang phôi thai; Nguồn: Reuters

Mấy năm gần đây, Mỹ đã rút khỏi một số thỏa thuận quốc tế như Kế hoạch hành động toàn diện chung (Joint Comprehensive Plan of Action - JCPOA), Hiệp ước về Lực lượng Hạt nhân tầm trung (Intermediate-Range Nuclear Forces Treaty - INF), Hiệp ước bầu trời mở (Open Skies Treaty - OST). Mỹ cũng đang có kế hoạch không gia hạn Hiệp ước về cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (START-3) - một trong những thỏa thuận cuối cùng còn lại nhằm kiểm soát kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới, được ký bởi Nga và Mỹ vào năm 2010, sẽ hết hạn vào tháng 2/2021.

Vòng đàm phán mới về kiểm soát vũ khí giữa Washington và Moscow đã được tổ chức tại Vienna (Áo) vào ngày 22/6 và 23/6. Nga muốn thỏa thuận hiện nay sẽ được gia hạn thêm 5 năm nữa, trong khi Mỹ khăng khăng đòi có một hiệp ước đa phương bao gồm Trung Quốc do mối quan ngại những bí mật về kho vũ khí hạt nhân ngày càng lớn của Bắc Kinh. Trung Quốc đã thẳng thừng từ chối tham gia các cuộc đàm phán này, tin rằng việc tham gia hiệp ước về giảm thiểu và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược là vô nghĩa, vì kho vũ khí hạt nhân của cả Mỹ và Nga đã vượt quá số lượng của Trung Quốc gần 20 lần.

Ngày 25/6, Trưởng phái đoàn Mỹ cho biết, vòng đàm phán ổn định chiến lược Mỹ-Nga tiếp theo thảo luận về chiến lược hạt nhân và học thuyết quân sự có thể diễn ra vào cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8 tại Vienna và Trung Quốc sẽ được mời tham dự. Với ba điều kiện mà Mỹ hiện đưa ra để đồng ý gia hạn START là tiến trình giải trừ quân bị từ nay phải bao hàm cả giải trừ vũ khí hạt nhân chiến lược lẫn vũ khí hạt nhân chiến thuật, cả công nghệ chế tạo vũ khí siêu thanh và sự tham gia của Trung Quốc như một điều kiện tiên quyết, có thể thấy, START-3 đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ và tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân thế giới trở nên mịt mờ và khó tiên lượng hơn bao giờ hết./.

Theo VOV

Đọc thêm

Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Sáng 20/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) diễn ra lễ kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024). Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ kỷ niệm.
Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh “Hai Mạnh” – Đại tướng Chu Huy Mân là nhớ về những kỷ niệm mãi ấm lòng trong những năm tháng được sống gần ông.
Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Ngày 22/12/1972, Đại đội 1, Tiểu đoàn 48 bộ đội địa phương Hà Tĩnh đã táo bạo tấn công vào sân bay Pha Hom (sân bay dã chiến) thuộc vùng núi phía bắc huyện Mường Mày, tỉnh Bolikhămxay (Lào) và giành thắng lợi vang dội. Là Chính trị viên phó đại đội trực tiếp tham gia chiến đấu, tôi ghi lại chiến công này nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

UAV BXL.01 là loại cánh quạt chiến đấu cảm tử có khối lượng cất cánh tối đa 10kg, mang khối lượng đầu nổ 1,2kg, trần bay 1.000m, tốc độ bay 100-120km/h và hoạt động cự ly 10km do Việt Nam sản xuất.
Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Chương trình “Tiết học biên cương” do Đồn Biên phòng Lạch Kèn phối hợp với trường học ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) góp phần bồi đắp cho các em học sinh tình yêu quê hương, đất nước, ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.