Sẵn sàng giao dịch nếu khách có nhu cầu
Không đầy 1 giờ đồng hồ có mặt ở một DN kinh doanh vàng trên địa bàn TP Hà Tĩnh, chúng tôi chứng kiến khá nhiều giao dịch ngoại tệ thành công (chủ yếu là đô la Mỹ) diễn ra công khai tại quầy. Không niêm yết giá trên những bảng đèn LED hay bảng treo ở quầy nhưng bất cứ khi nào khách hàng có nhu cầu là cửa hàng đều đáp ứng.
Dù không tìm đâu ra dấu hiệu cho thấy DN có giao dịch ngoại tệ nhưng nếu hỏi nhân viên thì khách hàng vẫn được báo giá (Ảnh: internet)
Thực tế cho thấy, hầu như các tiệm vàng lớn nhỏ ở các thành phố, thị xã, thị trấn, thị tứ ở Hà Tĩnh đều âm thầm tồn tại một “chợ đen” trao đổi ngoại tệ. Trong khi đó, theo tìm hiểu của chúng tôi, việc chi trả ngoại tệ thông qua đại lý cho các ngân hàng chỉ đạt mức “nhỏ giọt”.
Bà Trần Thị Xuân - Giám đốc Công ty CP Phương Xuân (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Hiện tại, công ty là đại lý chi trả ngoại tệ từ dịch vụ Western Union do Chi nhánh Ngân hàng VPBank cung cấp nhiều năm nay. Tuy nhiên, từ khi thị trường xuất khẩu lao động gặp khó khăn thì tiền về từ dịch vụ này cũng giảm hẳn. Và việc mua - bán ngoại tệ tại quầy của chúng tôi chỉ diễn ra nhỏ lẻ”.
Bà Xuân cũng khẳng định, việc “chặn đứng” 100% thị trường tự do tại tiệm vàng là điều khó thực hiện. Kế bên Công ty CP Phương Xuân là DN kinh doanh vàng bạc Việt Hà, dịch vụ chi trả ngoại tệ qua Western Union (qua Ngân hàng ACB) của Việt Hà cũng không lấy gì làm khấm khá. Mỗi tháng, mức chi trả chỉ xấp xỉ khoảng 10.000 USD, chủ yếu phục vụ cho sinh viên Lào và một số người Đài Loan. Ở đây, ngoài thực hiện dịch vụ chi trả ngoại tệ với tư cách là đại lý thì cũng tồn tại một “chợ đen”. Dù không tìm đâu ra dấu hiệu cho thấy DN có giao dịch ngoại tệ nhưng nếu hỏi nhân viên thì khách hàng vẫn được báo giá. Điều đó chứng tỏ, họ sẵn sàng giao dịch nếu khách hàng có nhu cầu mua bán.
Thực hiện cuộc phỏng vấn nhanh với những khách hàng giao dịch ngoại tệ tại các DN, cửa hàng kinh doanh vàng thì hầu hết họ đều không biết đến những quy định của Chính phủ đối với hành vi giao dịch ngoại tệ ở những cơ sở này. Khách hàng giao dịch tại các tiệm vàng như một thói quen tiện lợi, thay vì phải thực hiện các thủ tục như khi giao dịch tại ngân hàng. Hơn nữa, giao dịch tại cửa hàng, DN kinh doanh vàng, lợi nhuận cũng nhỉnh hơn khi giao dịch tại ngân hàng.
X.Đ - một khách hàng cho biết: “Giao dịch ngoại tệ ở các tiệm vàng rất nhanh chóng, thậm chí nếu là khách quen, mình có thể đổi tờ đô-la cũ sang tờ mới và đẹp để phục vụ mục đích cá nhân đều được đáp ứng mà không bị tính phí. Tôi cũng không hề được tuyên truyền về những quy định đối với hành vi này nên không ý thức được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong giao dịch ngoại tệ”.
Theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, Thông tư 34/2015/TT-NHNN xây dựng một nguyên tắc mang tính hành chính, hạn chế sự tự do của thị trường ngoại tệ. Theo đó, một tổ chức kinh tế chỉ được làm đại lý chi, trả ngoại tệ cho một tổ chức tín dụng và phải được thực hiện theo nguyên tắc pháp lý. Hiện nay, để cung ứng nhu cầu ngoại tệ của khách hàng, các DN, cửa hàng cũng phải tự tìm mối cung cấp ngoại tệ thường xuyên cho mình. Do không nhận thức được việc làm sai trái của mình, nhiều người vì lợi ích cá nhân vô hình trung đang “nối tay” cho thị trường “chợ đen” hoạt động. Hành động này là trái pháp luật và nếu bị phát hiện, bắt quả tang sẽ bị nhà nước xử phạt nghiêm cả bên bán và bên mua với mức phạt khá cao, từ 50 - 100 triệu đồng.
Giao dịch vàng miếng - ngân hàng đóng băng, “chợ đen” âm ỉ
Sau 3 năm thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Hà Tĩnh đã phối hợp với Công an tỉnh kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện quản lý hoạt động kinh doanh vàng trên địa bàn. Theo Nghị định 24, hoạt động mua, bán vàng miếng của các tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện tại các tổ chức tín dụng và DN được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng. Đó là những DN có vốn điều lệ trên 100 tỉ đồng, có kinh nghiệm trên 2 năm, có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong 2 năm liên tiếp gần nhất. DN đó cũng cần có cửa hàng trên ít nhất 3 tỉnh, thành. Đối với ngân hàng, đơn vị đó phải có vốn điều lệ trên 3.000 tỉ đồng, có đăng ký hoạt động kinh doanh vàng, có chi nhánh tại ít nhất 5 tỉnh, thành trên cả nước.
Hiện tại, trên địa bàn Hà Tĩnh có 5 đơn vị được cấp phép kinh doanh vàng miếng, gồm: Chi nhánh Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Chi nhánh Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Chi nhánh Ngân hàng TMCP Kỹ Thương (Techcombank), Chi nhánh Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Chi nhánh Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận. Tuy nhiên, tình hình giao dịch vàng miếng các ngân hàng luôn trong tình trạng ảm đạm.
Theo thống kê, bình quân mỗi quý ở ngân hàng Sacombank chỉ giao dịch được 1 lượng vàng miếng. Lý do xuất phát từ nhu cầu cất giữ vàng của nhân dân hiện nay đã giảm sút so với trước. Hơn nữa, cũng giống như thị trường ngoại tệ, khách hàng cũng chưa quen với việc giao dịch tại ngân hàng nên khi cần thì lại ra tiệm vàng cho tiện. Bởi vậy, cũng giống như ngoại tệ, việc giao dịch vàng miếng cũng ở trong tình trạng hoạt động ngầm. Để tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng, tất cả các cửa hàng, DN đều không công khai bày bán hay niêm yết giá vàng miếng. Tuy nhiên, chỉ cần khách hàng hỏi thì nhân viên bán hàng không ngần ngại đáp ứng.
Trong vai một người cần mua vàng miếng, chúng tôi đến một cửa hàng kinh doanh vàng ở Kỳ Anh thì thật bất ngờ, ở ngay trong quầy vẫn ngang nhiên bày bán vàng miếng. Khi chúng tôi hỏi về quy định giao dịch vàng miếng thì chủ lẫn nhân viên đều trả lời lấp liếm. Không chỉ diễn ra ở Kỳ Anh mà tại nhiều huyện như Cẩm Xuyên, Hương Sơn, Lộc Hà... tình trạng này khá phổ biến. Tuy nhiên, tỷ lệ vụ việc bị phát hiện và xử lý mới chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Bà V.T.H ở Kỳ Anh cho biết: “Tôi cũng có nghe về quy định giao dịch vàng miếng nhưng cụ thể, những đơn vị, cơ sở nào được phép kinh doanh mặt hàng này thì tôi không biết. Vì vậy, nếu cửa hàng bày bán công khai hoặc vẫn mua khi tôi ngỏ ý bán thì tôi sẽ bán chứ không biết mình sẽ bị xử phạt về hành vi này”.
Rõ ràng, việc giao dịch ngoại tệ và vàng miếng ở những cơ sở kinh doanh không được phép là xuất phát từ thái độ bất chấp quy định của chủ DN, hộ kinh doanh và từ nhận thức của người dân. Việc tăng cường tuyên truyền cho DN, hộ kinh doanh và người dân về những quy định này một cách cặn kẽ, có hệ thống là việc làm hết sức cần thiết, nhằm tránh những hệ lụy không đáng có tác động đến nền kinh tế.
(Còn nữa)