Ấm thêm lòng mẹ

Thượng tá Nguyễn Đức Cảnh dẫn tôi tới thăm mẹ Nguyễn Thị Quyền (90 tuổi, giáo dân xóm Trung Nghĩa, xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà ). Trước lúc tới nhà mẹ anh đã phác thảo cho tôi biết vài nét đời tư của mẹ. Cả xóm Trung Nghĩa ai cũng biết mẹ là một phụ nữ đoan trang phúc hậu, chăm chỉ làm ăn như bao người dân lương thiện khác...

Nhưng số trời dường như định đoạt cho mẹ những khúc cua thật gập ghềnh, run rủi. Ngoài tuổi bốn mươi chồng mẹ bỗng dưng lâm bệnh nặng rồi mất, để lại cho mẹ một gánh nặng nuôi hai đứa con nhỏ dại. Ba mẹ con nương níu nhau trong túp lều xác xơ dột nát. Cứ mỗi chiều khi thuyền đi biển về cập bến, mẹ Quyền lại quảy quang gánh ra chở cá về nướng và bán thuê giúp ngư dân để kiếm vài đồng tiền lẻ đong gạo nuôi con qua ngày.

CBCS Đồn Biên phòng 164 làm ấm thêm lòng mẹ Quyền
CBCS Đồn Biên phòng 164 làm ấm thêm lòng mẹ Quyền

Mẹ chống chọi với sự vất vả cực nhọc hàng ngày nhưng những đau khổ về nội tâm lại tiếp tục khuấy động tâm can mẹ lần nữa (một người con bị tai nạn trong lúc đi khuân vác hàng rồi mất, một người con bị bệnh thần kinh). Dẫu bà con xóm đạo cũng thương cảm mẹ nhưng vì họ cũng nghèo nên sự đỡ đần để mẹ vượt qua cơn bĩ cực này thật không đơn giản. Nhưng người mẹ tuổi cao ấy giờ đây đã có ngọn lữa tình thương của bộ đội Đồn biên phòng 164 sưởi ấm.

Công việc đầu tiên mà các chiến sĩ biên phòng đã giúp mẹ tháo dỡ túp lều tranh để thay thế bằng một ngôi nhà gỗ nho nhỏ, tuy đơn sơ nhưng trên kín dưới lành. Khi tôi vừa bước vào nhà mẹ, mẹ đã mừng rỡ khoe: “Tui sống khoẻ được tới giờ là nhờ các chú bộ đội đó. Chú Tịnh và chú Thắng tui coi như con của tôi”.

Mẹ Quyền tâm sự tiếp “Hai chú đi hỏi vợ đều nhờ mẹ sắm lễ cho đó..”. Đúng như mẹ Quyền bộc lộ tâm tư, đại uý Trần Chiến Thắng và Trung uý Đặng Đình Tịnh đã xem mẹ Quyền như người mẹ nuôi đầy ân nghĩa của mình khi các anh được chỉ huy đồn giao nhiệm vụ giúp đỡ những cảnh ngộ đơn côi nhất trong vùng giáo như mẹ Quyền. Hai cán bộ của đồn đã thường xuyên lui tới mẹ, khi thì đưa cho mẹ vài yến gạo ngon, khi thì tặng mệ bộ đồ áo.

Những khi xuân về tết đến, đồn không quên dành quà và bánh chưng cho mẹ. Mẹ Quyền không những đầy đủ hương vị tết mà còn đầy ắp tiéng cười vui của các cán bộ chiến sĩ biên phòng. Những lúc mẹ Quyền trái gió trở trời hai anh Thắng và Tịnh thường xuyên túc trực bên mẹ, chăm lo cho mẹ Quyền từ bát cháo đến viên thuốc cảm. Thời gian rảnh rỗi, Tịnh và Thắng lại sửa sang cho mẹ cái chuồng gà để mẹ nuôi gà. Lúc nhà mẹ hết nước lại đi gánh nước đổ đầy chum để mẹ không khi nào phải khổ vì mất nước. Khi mùa hè tới bao giờ hai anh cũng chủ động kiểm tra lại quạt điện và công tắc ổ cắm điện, thường xuyên căn dạn mẹ cẩn trọng trong lúc sử dụng điện.. Biết mẹ thường thich ăn trầu mỗi lần qua chợ đều mua cầu trầu tặng mẹ.

Tuy đã ở tuổi 90 nhưng mẹ Quyền mắt vẫn tỏ tai vẫn thính, da dẻ hồng hào, lại giúp tôi hiểu thêm một lần nữa tình thương của người lính biên phòng ở xóm đạo Trung Nghĩa này.

Đọc thêm

Chăm lo con chữ cho trẻ em dân tộc Chứt

Chăm lo con chữ cho trẻ em dân tộc Chứt

Thời gian qua, sự nỗ lực của Bộ đội Biên phòng, cấp ủy chính quyền và các trường học đã giúp học sinh dân tộc Chứt (Hương Khê, Hà Tĩnh) hoà nhập và yên tâm học tập.
Vì sao phụ nữ nên sinh con trước 30 tuổi?

Vì sao phụ nữ nên sinh con trước 30 tuổi?

Hiện nay, nhiều cặp vợ chồng ở Hà Tĩnh lựa chọn sinh con ở độ tuổi sau 35. Điều này có thể kéo theo nhiều hệ lụy về sức khỏe cho cả mẹ và con cũng như giảm chất lượng dân số.
Rèn thói quen đọc sách cho con

Rèn thói quen đọc sách cho con

Hiểu rõ tác dụng của việc đọc sách, nhiều phụ huynh ở Hà Tĩnh đã rèn luyện thói quen này cho con và cùng con khám phá những điều mới mẻ, thú vị trong thế giới tri thức rộng lớn.