Ẩn họa khi cố tình đi qua ngầm tràn mùa mưa lũ

(Baohatinh.vn) - Việc nhiều người dân ở Hà Tĩnh chủ quan, cố tình lưu thông qua các ngầm tràn trong thời điểm ngập nước, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới tính mạng, tài sản.

mua-lu-09a.jpg
Cầu tràn Phố Giang bắc qua sông Ngàn Phố (Hương Sơn) thường xuyên bị ngập sâu trong nước mỗi khi có mưa lớn kéo dài.

Cầu tràn Phố Giang là tuyến giao thông kết nối người dân các xã Sơn Giang, Sơn Lâm, Sơn Lĩnh với thị trấn Phố Châu (huyện Hương Sơn) và ngược lại. Tuy nhiên, do bắc qua sông Ngàn Phố nên mỗi khi có mưa lớn kéo dài, nước sông dâng cao, cầu tràn Phố Giang là một trong những khu vực đầu tiên bị ngập lụt ở Hương Sơn.

Mỗi lần bị ngập lụt, nước chảy xiết qua cầu tràn Giang Phố, gây nguy hiểm cho người và phương tiện nếu vẫn cố lưu thông qua đây. Khi nước sông dâng cao, cuốn theo nhiều gỗ, củi từ thượng nguồn về, mắc lại ở khu vực cầu tràn nên vẫn có tình trạng một số người dân liều mình vớt gỗ giữa dòng nước chảy xiết.

mua-lu-09.jpg
Lực lượng chức năng tổ chức chốt chặn cấm người và phương tiện qua lại mỗi khi cầu tràn Phố Giang bị ngập sâu.

Trước thực tế này, khi cầu tràn Phố Giang bị ngập lụt, lực lượng chức năng và ngành chức năng đã tổ chức rào chắn, biển cảnh báo, bố trí người trực gác ở 2 đầu cầu để hướng dẫn giao thông, ngăn người và phương tiện qua lại cầu tràn, đồng thời hạn chế người dân cố tình vớt gỗ lúc nước sông dâng cao.

Theo tìm hiểu, trên địa bàn huyện Hương Sơn có 15 ngầm tràn ở các xã Sơn Tây, Sơn Hồng, Sơn Lĩnh, Sơn Kim 1, Sơn Lâm, Sơn Tây, Sơn Giang…, trong đó, có nhiều ngầm tràn nằm ở những tuyến giao thông huyết mạch với lưu lượng người và phương tiện qua lại khá đông. Vậy nên, mỗi khi vào mùa mưa lũ, cầu tràn ngập lụt, gây nguy hiểm cho người dân địa phương, nhất là vào thời điểm buổi tối.

Vào mùa mưa lũ những năm trước, tại huyện Hương Sơn, cũng đã có một số trường hợp không may tử vong khi cố đi qua ngầm tràn thời điểm bị ngập lụt.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Sơn Trần Quang Hòa cho hay: "Trước những nguy hiểm tại các ngầm tràn vào mùa mưa lũ, huyện đã yêu cầu chính quyền các xã, thị trấn chủ động theo dõi sát tình hình thời tiết, rà soát và triển khai ngay việc rào chắn, dựng biển cảnh báo, ngăn người dân không qua lại lúc ngầm tràn ngập lụt để bảo vệ an toàn về người và tài sản".

ngam-tran.jpg
Cầu tràn dẫn vào bản Rào Tre - nơi có các hộ dân của dân tộc Chứt đang sinh sống ở xã Hương Liên, huyện Hương Khê thường xuyên bị ngập lụt, chia cắt giao thông.

Hương Khê cũng là địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng bởi mưa lũ ở Hà Tĩnh. Do đặc thù địa hình, mỗi khi có mưa lớn kéo dài, nước từ các con sông, suối đổ về nhanh, các ngầm tràn tại các xã Hương Bình, Hương Đô, Hương Giang, Gia Phố, Hương Liên, Điền Mỹ... thường xuyên bị ngập lụt, gây chia cắt giao thông.

Với đặc thù ngầm tràn được xây dựng ở khu vực trũng, thấp, mỗi khi mưa xuống nước thường dâng cao quá mặt tràn, có thời điểm cao gần 1m nên người dân khi cố lưu thông qua khu vực ngầm tràn rất dễ bị nước cuốn trôi.

Không chỉ có huyện Hương Sơn, huyện Hương Khê, mà sự lo lắng mất an toàn từ ngầm tràn vào mùa mưa lũ luôn thường trực ở các địa phương khác trên địa bàn tỉnh như ở huyện Vũ Quang, huyện Kỳ Anh…

img-3220-3639.jpg
Cầu tràn ở đập Quát, xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn từng xảy ra tai nạn chết người vào năm 2020 khi nước lũ chảy xiết.

Theo thống kê, trên địa bàn Hà Tĩnh hiện có hàng chục ngầm tràn từ các tuyến đường tỉnh, huyện cho tới đường trục xã, trục thôn. Đây là những khu vực xung yếu có nguy cơ gây mất an toàn về người và tài sản trong mùa mưa lũ.

Thực tế tại các mùa mưa bão trước, trên địa bàn tỉnh cũng đã xảy ra khá nhiều vụ tai nạn gây thiệt hại về người do bị lũ cuốn khi đi qua suối, ngầm tràn.

Nguyên nhân phần lớn do người dân chủ quan, không lường trước được sự nguy hiểm của dòng nước, cố gắng vượt ngầm tràn trong thời điểm mưa to, nước chảy xiết. Một số người chủ quan vì cho rằng nắm chắc địa hình mà bỏ qua những cảnh báo, nhắc nhở nên đã xảy ra các sự việc đáng tiếc.

mua-lu-2.jpg
Việc rào chắn, cắm biển cảnh báo các vị trí ngầm tràn ngập nước trong thời điểm mưa lũ là rất cần thiết để ngăn chặn các sự cố đuối nước có thể xảy ra.

Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Trần Đức Thịnh chia sẻ: "Trên địa bàn tỉnh hiện có hàng chục ngầm tràn tại các tuyến giao thông. Thời điểm này, Hà Tĩnh đã bước vào mùa mưa lũ và một số ngầm, cống, cầu tràn trong tỉnh xuất hiện tình trạng ngập úng, chia cắt về giao thông. Vậy nên, việc các đơn vị, địa phương nghiêm túc triển khai phương án đảm bảo an toàn tại các ngầm tràn là rất quan trọng, phòng ngừa tai nạn đáng tiếc xảy ra...

Bên cạnh đó, trước thời tiết ngày càng diễn biến khó lường, những đợt mưa xuất hiện với lưu lượng lớn ngày càng nhiều hơn, cực đoan hơn, người dân cần cẩn trọng, không chủ quan và không cố tình vượt qua khi quan sát thấy có hiện tượng nước đang dâng cao. Chính quyền địa phương, đơn vị quản lý cần lắp đặt hệ thống biển báo, rào chắn, cọc tiêu xác định mực nước dâng và tăng cường kiểm tra, bố trí người gác trực để cảnh báo, hướng dẫn người dân và phương tiện qua lại các ngầm, đoạn đường bị ngập sâu, sạt lở để đảm bảo an toàn".

Chủ đề Mưa lũ ở Hà Tĩnh

Đọc thêm

Podcast: Điểm tin an ninh trật tự nổi bật trong tuần (từ 7/12 - 13/12/2024)

Podcast: Điểm tin an ninh trật tự nổi bật trong tuần (từ 7/12 - 13/12/2024)

Kịp thời ngăn chặn 3 thanh thiếu niên mang hung khí đi giải quyết mâu thuẫn; Xe container bốc cháy dữ dội trong đêm ở Hương Khê; Bắt 2 chị em vận chuyển, mua bán ngoại tệ trị giá hơn 100 tỷ đồng qua biên giới Hà Tĩnh; 12 thanh niên Nghệ An gây náo loạn trên đường khi vào Hà Tĩnh đón bạn ra tù...