An ninh trật tự nông thôn (bài 4): Giá đất lên, tình người xuống!

(Baohatinh.vn) - Vì “tấc đất, tấc vàng”, không ít gia đình ở nông thôn rơi vào cảnh “nồi da nấu thịt”, mối quan hệ xóm giềng “tối lửa tắt đèn có nhau” bỗng chốc bị phá vỡ.

Bài 3: Đạo tặc gia tăng!

Mới đây, Trần Hải (trú xóm 10, xã Cổ Đạm, Nghi Xuân) xô ngã chính chú ruột của mình do tranh chấp đất đai, dẫn đến tử vong. Nguyên nhân câu chuyện đau lòng này xuất phát từ việc Hải xây hàng rào giáp ranh với mảnh đất của ông Trần Bá (cùng xóm). Cho rằng, đứa cháu xây lấn sang phần đất nhà mình, ông Bá yêu cầu Hải dừng lại. Lời qua tiếng lại, Hải đẩy ông chú khiến nạn nhân đập đầu vào đá, tử vong tại chỗ.

an ninh trat tu nong thon bai 4 gia dat len tinh nguoi xuong

Do mâu thuẫn trong tranh chấp đất đai, các đối tượng Huỳnh Kim Sang, Phan Hoàng Việt, Lê Thị Son (xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà) đã manh động, khóa cửa, châm lửa đốt nhà hòng thiêu chết ông Phan Văn Tuấn.

Trước đó không lâu, người dân thôn An Lộc (xã Thạch Châu, Lộc Hà) hết sức bàng hoàng bởi tấc đất đã biến người vợ trở thành “quỷ dữ” khi trói bạn đời rồi chỉ đạo các con châm lửa đốt nhà. Cũng vì không tìm được tiếng nói chung trong giải quyết vấn đề đất đai, Nguyễn Văn Lê (Cẩm Quang, Cẩm Xuyên) đã phải giam cầm tuổi xuân sau song sắt khi hung hãn đâm chết chính anh ruột. Đã có không ít câu chuyện đi tới kết cục bi thảm xuất phát từ tranh chấp, thừa kế đất đai, tài sản. Vì quyền lợi cá nhân, ngay cả những mối quan hệ thiêng liêng, khăng khít nhất cũng dễ dàng trở thành thù địch.

Khi “tấc đất” thành “tấc vàng”, hàng xóm quay lưng lại với nhau. Anh em trong dòng tộc, gia đình xô xát, mâu thuẫn vì di sản thừa kế cha ông để lại. “Đa số những vụ tranh chấp đất đai hoặc di sản thừa kế giữa những người trong dòng tộc thường gay gắt hơn so với các tranh chấp giữa các bên không có quan hệ, tỷ lệ hòa giải thành những vụ tranh chấp này cũng không cao. Và hậu quả để lại lớn nhất là mất mát về tình cảm không thể bù đắp được” - Luật sư Phan Văn Chiều (Văn phòng Luật sư An Phát) thông tin.

Theo thống kê từ Tòa án nhân dân tỉnh, trong số các vụ việc dân sự mà tòa thụ lý, giải quyết, chiếm tỷ lệ cao nhất là các tranh chấp về quyền sử dụng đất (63%). Chánh án Tòa án nhân dân huyện Nghi Xuân (địa bàn “nóng” trên toàn tỉnh về khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai) Trần Xuân Ngân cho biết: “Qua công tác xét xử cho thấy, các vụ việc liên quan đến đất đai chiếm hơn 50% vụ, việc tòa huyện thụ lý, giải quyết. Tuy nhiên, để làm sáng tỏ sự việc và đưa ra bản án khiến các bên tâm phục, khẩu phục là điều rất khó, bởi những thay đổi trong lịch sử quản lý, sử dụng đất đai qua các thời kỳ. Không chỉ vậy, sự thiếu đồng bộ, chồng chéo, mâu thuẫn của hệ thống chính sách pháp luật về đất đai vô hình trung trở thành rào cản đối với ngành tòa án trong thực hiện nhiệm vụ”.

Trưởng phòng Nghiệp vụ 1 Thanh tra tỉnh Kiều Ngọc Tuấn cho rằng: “Nguyên nhân dẫn đến tranh chấp đất đai xuất phát từ quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ khiến nhu cầu sử dụng đất tăng cao, thúc đẩy giá trị đất ngày càng leo thang, quan hệ pháp luật đất đai theo đó phức tạp hơn. Việc giải quyết tranh chấp, khiếu kiện ở cấp cơ sở còn dựa vào cảm tính, nể nang, chưa dứt điểm dẫn tới tồn đọng…”.

an ninh trat tu nong thon bai 4 gia dat len tinh nguoi xuong

Gia đình bà Nguyễn Thị Phước (xã Mai Phụ, Lộc Hà) kêu cứu vì lối vào nhà bị hàng xóm lấn chiếm.

Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về đất đai chưa được coi trọng. Điều này thể hiện qua nhận thức người dân vẫn còn tồn tại quan điểm đất đai là đất hương hỏa do cha ông, tổ tiên để lại. Hoặc số khác lại cho rằng, đất đai thuộc quyền sở hữu Nhà nước nhưng khi đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ trở thành tài sản cá nhân dẫn đến tình trạng “đòi” lại ngày càng gia tăng. Ngoài ra, do việc cho thuê, cho mượn, cầm cố đất đai trong nội bộ người dân; đưa đất đai làm tư liệu sản xuất không lưu giữ được tài liệu, sổ sách; việc trưng dụng, trưng thu, trưng mua, thu hồi đất không có quyết định, chưa bồi thường hoặc đã bồi thường nhưng không lưu giữ giấy tờ, hồ sơ nên không có cơ sở để xác định khi diễn ra tranh chấp. Rất nhiều trường hợp trước đây người dân khai hoang, phục hóa đất phục vụ sản xuất, tự ý xác định ranh giới phần đất mình bỏ công sức lao động là tài sản của họ. Vì vậy, khi diện tích được công nhận trên bìa đỏ bị “thu hẹp” so với thực tế, không ít người bức xúc và đâm đơn kiện.

Chính sách, pháp luật về đất đai chưa theo kịp cơ chế kinh tế thị trường, đặc biệt là chính sách tài chính đất đai chưa hợp lý phần giá trị tăng thêm từ đất khi sử dụng đất cho các dự án đầu tư khiến công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người có đất bị thu hồi vấp phải phản ứng mạnh mẽ, chây ì từ phía người dân.

“Vướng” vào tranh chấp đất đai, không ít người sẵn sàng vứt bỏ tình thân, máu mủ; tự tay cắt đứt tình cảm ruột thịt. Để rồi, từ những mâu thuẫn không thể giải quyết được ngay từ chính gia đình, dòng họ dẫn đến xô xát, đụng độ, gây mất trật tự trị an tại địa phương.

(Còn nữa)

Chủ đề Gây rối - Trật tự - Phá hoại

Đọc thêm

Đồng tình mức phạt mới, người dân mong "đèn đỏ" đừng làm khó người đi đường

Đồng tình mức phạt mới, người dân mong "đèn đỏ" đừng làm khó người đi đường

Từ 1/1/2025, mức phạt lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (vượt đèn đỏ) theo quy định của Nghị định 168/2024/NĐ-CP sẽ tăng lên gấp từ 3-6 lần so với trước. Đồng tình với mức phạt mới, người dân Hà Tĩnh cũng mong hệ thống đèn đỏ phải chuẩn chỉnh để họ không bị bất ngờ, lỡ nhịp khi tham gia giao thông.