Anh có thể thiệt hại 32 tỷ USD nếu không đạt thỏa thuận với EU

Thị trường EU chiếm tới 46% hàng hóa xuất khẩu của Anh, do đó việc Anh không có được một thỏa thuận với EU sẽ khiến London thiệt hại tới 14% giá trị kim ngạch hàng hóa xuất khẩu.

Anh có thể thiệt hại 32 tỷ USD nếu không đạt thỏa thuận với EU

Hàng hóa xếp tại cảng ở Southampton, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mỗi năm, Anh có thể mất 32 tỷ USD kim ngạch hàng hóa xuất khẩu sang các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) nếu nước này không đạt được thỏa thuận thương mại song phương với khối.

Đây là một phần nội dung trong báo cáo của các nhà kinh tế Liên hợp quốc đưa ra tại Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) ở Geneva, Thụy Sĩ ngày 25/2.

Báo cáo của UNCTAD nêu rõ thị trường EU chiếm tới 46% hàng hóa xuất khẩu của Anh, do đó việc Anh không có được một thỏa thuận với EU sẽ tác động mạnh đến kinh tế của nước này.

Cụ thể, mức thiệt hại 32 tỷ USD nêu trên tương ứng 14% giá trị kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của Anh sang EU.

Trong đó, một nửa thiệt hại bắt nguồn từ các biện pháp thuế quan mà hai bên có thể áp dụng và một nửa do các biện pháp phi thuế quan ảnh hưởng đến giao thương giữa hai bên như các quy định về y tế, môi trường và tiêu chuẩn đóng gói hàng hóa.

Không chỉ Anh, báo cáo của UNCTAD chỉ ra một số nước EU chịu ảnh hưởng tiêu cực khi không có thỏa thuận thương mại với Anh. Ireland là quốc gia chịu tổn thất nhất với hàng hóa xuất khẩu có thể giảm tới 10% nếu kịch bản không thỏa thuận xảy ra.

Cuối tháng 1/2020, Anh đã rời EU, đồng thời tuyên bố tìm cách đạt được quan hệ thương mại mới với khối này vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, báo cáo của UNCTAD cho rằng ngay cả khi hai bên đạt được một thỏa thuận “tiêu chuẩn” như một thỏa thuận tương tự như EU-Canada, xuất khẩu hàng hóa của Anh sang EU cũng vẫn giảm khoảng 9%.

Tuy nhiên, với kịch bản không thỏa thuận thương mại giữa EU và Anh, đây sẽ là cơ hội đối với một số nước đang phát triển xuất khẩu sang Anh và cả EU.

Báo cáo của UNCTAD cho rằng những hàng rào thương mại giữa Anh và EU sẽ có lợi các nước thứ 3.

Ngược lại, việc hai bên đạt được thỏa thuận thương mại sẽ ngăn cản động lực chuyển hướng tìm kiếm đối tác thương mại tại những nước thứ 3.

UNCTAD dự báo xuất khẩu hàng hóa từ các nước đang phát triển sang Anh có thể tăng tới 4%, tập trung nông sản, thực phẩm, đồ uống, gỗ và giấy.

Theo kế hoạch, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier sẽ sớm bắt đầu các cuộc đàm phán thương mại với Vương quốc Anh từ ngày 2-5/3 tới tại Brussels (Bỉ).

Giới quan sát nhận định những quan điểm đối nghịch nhau của hai phía cho thấy giai đoạn đàm phán về quan hệ thương mại tương lai giữa nước Anh và EU có thể gặp nhiều trắc trở như quá trình đàm phán thỏa thuận “ly hôn” (còn gọi là Brexit) kéo dài ba năm qua.

Ông Barnier cho biết ngoài vòng đàm phán dự kiến được tổ chức vào tuần sau, vòng đàm phán thứ 2 sẽ diễn ra tại London vào cuối tháng Ba tới với chương trình nghị sự gồm thương mại, an ninh, chính sách đối ngoại cùng nhiều lĩnh vực khác.

Tuy nhiên, quan chức EU khẳng định sẽ không tìm cách kết thúc đàm phán “bằng bất cứ giá nào,” bởi với khung thời gian rất hạn chế, các bên sẽ không thể hoàn tất mọi yêu cầu. Ông cũng cảnh báo tiến trình thương lượng sẽ phức tạp, khắt khe và vô cùng khó khăn./.

Theo TTXVN/Vietnam+

Đọc thêm

Ông Trump ra tối hậu thư với Nga

Ông Trump ra tối hậu thư với Nga

Tổng thống Mỹ Trump ra tối hậu thư đề nghị Nga giải quyết cuộc xung đột Ukraine trong 50 ngày hoặc đối mặt mức thuế cao.
Hiểm họa từ việc AI rơi vào tay khủng bố

Hiểm họa từ việc AI rơi vào tay khủng bố

Suốt nhiều năm qua, các cơ quan chống khủng bố ví việc theo sát các tổ chức khủng bố trên không gian số và mạng xã hội như một trò “đuổi bắt bất tận” – xử lý xong chỗ này thì chỗ khác lại nổi lên. Vấn đề này ngày càng rối rắm do sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI).
Thuế quan của Mỹ: Lợi ích ngắn hạn, thiệt hại lâu dài

Thuế quan của Mỹ: Lợi ích ngắn hạn, thiệt hại lâu dài

Trước thời điểm ngày 1/8 - mốc áp thuế mới mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra - nhiều quốc gia châu Á và Liên minh châu Âu (EU) đang gấp rút đàm phán với Mỹ nhằm tránh các mức thuế quan cao kỷ lục có thể “giáng đòn” mạnh vào xuất khẩu và chuỗi cung ứng toàn cầu.