Báo cáo mới từ Digitimes, các nguồn tin trong ngành cho biết áp lực đang gia tăng trong việc duy trì nguồn cung iPhone, bao gồm cả dòng iPhone 12, sau khi Apple quyết định đặt hai đối tác lắp ráp điện thoại của mình vào diện quản chế do các vấn đề lao động.
Vào tháng 11, nhà cung cấp Pegatron đã bị phát hiện vi phạm các quy tắc lao động địa phương, do đó Pegatron đã bị Apple quản chế. Điều này có nghĩa là họ sẽ không thể nhận được bất kỳ hoạt động kinh doanh mới nào từ Apple cho đến khi các vấn đề được khắc phục.
Pegatron bị phát hiện làm giả tài liệu và phân loại sai công nhân là sinh viên, cho phép một số sinh viên làm việc ban đêm và/hoặc làm thêm giờ, cũng như thực hiện công việc không liên quan đến chuyên ngành của họ. Pegatron và các cá nhân chịu trách nhiệm được báo cáo đã thực hiện những biện pháp bất thường nhằm che đậy các vi phạm của mình.
Chưa dừng lại ở đó, không lâu sau đến phiên một nhà máy lắp ráp iPhone của Wistron ở Karnataka, miền nam Ấn Độ, đã vi phạm liên quan đến vấn đề không trả lương cho công nhân. Điều này đã dẫn đến cuộc bạo loạn đập phá tại nhà máy với gần 1.000 công nhân tham gia và gây ra những hậu quả nặng nề.
Sau đó, Apple đã thừa nhận các cáo buộc từ công nhân của Wistron là có thật. Kết quả là, giống như với Pegatron, Wistron đã bị quản chế để không thể tham gia nhận các hợp đồng mới của Apple cho đến khi các sai phạm được kiểm soát.
Được biết, Wistron đã thuê hàng nghìn công nhân trong vòng 8 tháng, tuy nhiên họ lại chỉ có 3 nhân viên nhân sự để đảm nhiệm quản lý hơn 10.000 công nhân. Wistron cho biết họ vô cùng lấy làm tiếc về vấn đề này và đã xin lỗi công nhân của mình, đồng thời lưu ý rằng họ đã “mắc sai lầm” khi nhà máy được mở rộng.
Cũng theo Wistron, công ty sẽ cải thiện và củng cố các quy trình quản lý lao động và trả lương, đồng thời thiết lập một đường dây nóng 24 giờ để công nhân có thể nộp đơn khiếu nại của họ. Công ty cũng đã sa thải lãnh đạo của mình trong khu vực.