AstraZeneca ưu tiên vaccine Covid-19 cho Đông Nam Á

AstraZeneca rà soát chuỗi cung ứng toàn cầu để tăng cường cung cấp vaccine Covid-19 cho Đông Nam Á trong lúc đại dịch diễn biến phức tạp tại khu vực.

“Chúng tôi đang rà soát hơn 20 chuỗi cung ứng trong mạng lưới sản xuất trên toàn thế giới của mình để tìm kiếm vaccine bổ sung cho Đông Nam Á, bao gồm Thái Lan”, James Teague, giám đốc điều hành AstraZeneca Thái Lan, cho biết trong thông cáo ngày 24/7. “Chúng tôi hy vọng sẽ nhập thêm vaccine trong những tháng tới cho Thái Lan”.

AstraZeneca ưu tiên vaccine Covid-19 cho Đông Nam Á

Nhân viên y tế Thái Lan tiêm vaccine cho dân chúng tại một điểm tiêm chủng ở nhà ga Bang Sue của thủ đô Bangkong ngày 21/6. Ảnh: Reuters .

Teague đưa ra bình luận sau khi các bức thư bị rò rỉ hồi tuần trước cho thấy AstraZeneca đề xuất cung cấp 5-6 triệu liều vaccine mỗi tháng cho Thái Lan, thay vì con số 10 triệu liều mỗi tháng và 61 triệu liều vào cuối năm 2021 do quan chức nước này đưa ra.

AstraZeneca trước đó cho biết số vaccine Covid-19 cung cấp cho Thái Lan và Đông Nam Á do đối tác Siam Bioscience sản xuất. Hãng Siam Bioscience thuộc sở hữu của Cục Tài sản Hoàng gia Thái Lan và chưa từng sản xuất vaccine nào trước sản phẩm Covishield của AstraZeneca.

Áp lực ngày càng tăng đối với AstraZeneca sau khi giới chức Thái Lan cho biết họ đang xem xét áp hạn chế xuất khẩu vaccine Covid-19 để đảm bảo nguồn cung trong nước. Động thái này có thể ảnh hưởng đến các quốc gia Đông Nam Á láng giềng khi nhiều nước đang đối mặt khủng hoảng Covid-19 tương tự hoặc nghiêm trọng hơn Thái Lan.

Siam Bioscience chưa bình luận thông tin về tình trạng thiếu hụt nguồn cung hoặc thời hạn giao hàng. Teague cho biết AstraZeneca đã giao 9 triệu liều vaccine cho Thái Lan và sẽ giao thêm 2,3 triệu liều trong tuần tới.

Thái Lan, vùng dịch lớn thứ 4 Đông Nam Á, ghi nhận 481.967 ca nhiễm và 3.930 ca tử vong, tăng lần lượt 14.260 và 119 ca trong tuần qua. 18,62% dân số Thái Lan được tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19 và chỉ 5,56% đã tiêm đủ liệu trình.

Phát ngôn viên nhóm chuyên trách Covid-19 Thái Lan Taweesin Wisanuyothin cảnh báo số ca nhiễm nCoV mới mỗi ngày có thể vượt mức 30.000 nếu người dân không tuân thủ biện pháp hạn chế.

Chính phủ Thái Lan hôm 18/7 thông báo siết chặt lệnh phong tỏa ở thủ đô Bangkok và 12 tỉnh có nguy cơ cao được xếp vào diện “vùng đỏ thẫm”, trong đó đình chỉ phần lớn các chuyến bay nội địa, chỉ trừ các tình huống khẩn cấp và phục vụ mục đích y tế, cũng như mở rộng khu vực giới nghiêm ban đêm.

Indonesia là vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á với 3.127.826 ca nhiễm và 82.013 ca tử vong, tăng lần lượt 45.416 và 1.415 ca trong 24 giờ qua.

Giới chức đảo Bali của Indonesia thông báo đang dần cạn kiệt nguồn cung oxy cho bệnh nhân do số ca mắc Covid-19 tăng nhanh. “Chúng tôi đã thiếu oxy từ hôm 14/7 và tình hình qua mỗi ngày lại trở nên nghiêm trọng thêm do số ca nhiễm tăng nhanh”, Ketut Suarjaya, người đứng đầu cơ quan y tế Bali, ngày 23/7 cho biết.

Suarjaya nói các bệnh nhân ở Bali hôm 20/7 cần đến 113,3 tấn oxy nhưng hệ thống bệnh viện chỉ cung cấp được 40,5 tấn. Tình trạng thiếu oxy cũng diễn ra ở Java. Chính phủ Indonesia đã bắt đầu nhập khẩu oxy từ một số nước như Trung Quốc hay Mỹ để giải quyết tình hình.

Malaysia đang xem xét nới một số biện pháp hạn chế với những người đã hoàn thành liệu trình tiêm vaccine Covid-19, trong bối cảnh ca nhiễm tại nước này gần chạm ngưỡng một triệu. Malaysia ghi nhận thêm 15.902 ca nhiễm và 184 ca tử vong, tổng số là 996.393 và 7.902 ca.

Thủ tướng Muhyiddin Yassin cho biết nới lỏng các biện pháp phòng dịch như vậy sẽ giúp mang đến “bầu không khí dễ thở hơn” sau quãng thời gian dài dân Malaysia phải sống trong cảnh phong tỏa. Những người đã tiêm đủ liệu trình vaccine Covid-19 trong những ngày tới có thể được tham gia các hoạt động ăn uống, thể thao và xã hội.

Trong khi đó, biểu tình nổ ra tại nhiều nơi trên thế giới nhằm phản đối các biện pháp hạn chế ngăn nCoV, với hơn 100.000 người xuống đường ở Australia, Pháp, Hy Lạp và Italy. Một số vụ đụng độ nổ ra giữa người biểu tình và cảnh sát.

Italy, vùng dịch lớn thứ 4 châu Âu, ghi nhận 4.312.673 ca nhiễm và 127.942 ca tử vong, tăng 5.140 và 5 ca. Hàng nghìn người, phần lớn không đeo khẩu trang, ngày 24/7 xuống đường biểu tình tại nhiều thành phố của nước này nhằm phản đối việc chính phủ áp hạn chế với những người chưa tiêm vaccine.

Dân Italy dự kiến phải xuất trình Giấy thông hành Xanh (Green Pass), một hình thức hộ chiếu vaccine Covid-19 của Liên minh châu Âu (EU), trước khi vào rạp chiếu phim, bảo tàng trong nhà, sân vận động hoặc nhà hàng từ ngày 6/8. Giới chức Italy dự kiến đánh giá lại yêu cầu bắt buộc xuất trình Giấy thông hành Xanh khi đi tàu hỏa, xe khách hoặc máy bay vào tháng 9.

Giấy thông hành Xanh sẽ cho biết người nào đã tiêm vaccine, có kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV trong thời gian gần nhất hoặc đã hồi phục sau khi nhiễm nCoV. Các chủ doanh nghiệp sẽ phải thực hiện quy định yêu cầu xuất trình Giấy thông hành Xanh hoặc đối mặt khoản phạt nặng trong bối cảnh Italy cố gắng bảo vệ nền kinh tế đang hồi phục chậm chạp và tránh một đợt phong tỏa khác.

Francesco Figliuolo, người đứng đầu nhóm đặc trách ứng phó Covid-19, cho biết quyết định yêu cầu xuất trình Giấy thông hành Xanh được công bố ngày 22/7 khiến lượng đăng ký tiêm vaccine tại Italy tăng mạnh, thậm chí tới mức 200% tại các một số vùng.

Bất chấp tình hình Covid-19 tại Nga chưa có dấu hiệu hạ nhiệt với 23.947 ca nhiễm và 799 ca tử vong mới, nâng tổng số lên 6.102.469 và 153.095 ca, nước này ngày 24/7 điều hai vận tải cơ quân sự An-124 mang theo 88 tấn hàng hóa tới hỗ trợ Cuba chống dịch.

Quốc đảo Caribe ghi nhận 324.115 ca nhiễm và 2.271 ca tử vong, tăng lần lượt 7.732 và 68 ca, đồng thời đối mặt nhiều khó khăn do lệnh trừng phạt của Mỹ.

88 tấn hàng hóa hỗ trợ được vận tải cơ Nga chuyển tới Cuba bao gồm thực phẩm, đồ bảo hộ cá nhân và hơn một triệu khẩu trang, Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong thông cáo.

Trước đó, Mexico ngày 22/7 thông báo sẽ điều hai tàu hải quân mang theo thực phẩm và vật tư y tế tới hỗ trợ Cuba. Số hàng này bao gồm kim tiêm, oxy y tế, khẩu trang, cá ngừ đóng hộp, đậu, bột mì, dầu ăn và nhiên liệu. Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador cáo buộc lệnh cấm vận của Mỹ là nguyên nhân làm mất ổn định tình hình tại Cuba.

Mexico ra quyết định hỗ trợ Cuba trong bối cảnh ca nhiễm gần đây tại nước này có xu hướng tăng. Mexico ghi nhận thêm 16.421 ca nhiễm và 328 ca tử vong, tổng số là 2.726.160 và 237.954. Giới chức Mexico lo ngại số ca nhiễm có thể cao hơn đáng kể thống kê của họ.

Theo Nguyễn Tiến/VnExpress (AFP, Reuters, TASS )

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.