Ba Lan tháo gỡ “bom động đất” sót lại từ thời thế chiến thứ 2

Một quan chức Ba Lan cho biết công tác tháo gỡ quả bom Tallboy hết sức khó khăn vì chỉ một chuyển động nhỏ nhất cũng có thể khiến bom phát nổ.

Ngày 12/10, các chuyên gia lặn của quân đội Ba Lan bắt đầu tiến hành tháo gỡ một quả bom còn sót lại từ thời Chiến tranh Thế giới thứ hai nằm dưới đáy một kênh đào gần biển Baltic.

Quả bom dài 6m và nặng 5 tấn, trong đó chứa 2,4 tấn chất nổ (tương đương 3,6 tấn TNT). Quả bom này mang biệt danh Tallboy, còn được gọi là “bom động đất”, do Không quân Hoàng gia Ba Lan thả xuống trong vụ tấn công một tàu chiến của phát xít Đức năm 1945.

Quả bom được phát hiện năm ngoái trong quá trình nạo vét lòng kênh ở gần thành phố cảng Swinoujscie (trước đây có tên Swinemunde) ở cực Tây Bắc của Ba Lan.

Người phát ngôn của lực lượng bảo vệ bờ biển số 8 thuộc Hải quân Ba Lan, Grzegorz Lewandowski, cho biết đây là quả “bom động đất” chưa nổ ở dưới nước đầu tiên trên thế giới được tiến hành tháo gỡ. Ông nhận định công tác tháo gỡ quả bom này hết sức khó khăn vì chỉ một chuyển động nhỏ nhất cũng có thể khiến bom phát nổ.

Khoảng 750 người dân địa phương đã được sơ tán khỏi khu vực trong phạm vi bán kính 2,5 km kể từ vị trí phát hiện quả bom. Trong khi đó, hoạt động giao thông hàng hải trong bán kính 16 km quanh khu vực cũng tạm dừng. Công tác tháo gỡ quả bom dự kiến kéo dài năm ngày.

Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, khu vực phát hiện quả “bom động đất” này là một trong những căn cứ quan trọng nhất của Hải quân Đức ở vùng biển Baltic.

Ngày 16/4/1945, Không quân Hoàng gia Ba Lan đã thả 12 quả bom Tallboy xuống khu vực này.

Theo Vietnam+

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.