Quyết liệt tìm hướng phát triển bền vững trong bối cảnh khó khăn chung của các cơ sở y tế tuyến huyện, Bệnh viện Đa khoa thị xã Kỳ Anh đã đổi mới mạnh mẽ chất lượng chuyên môn, tiên phong ứng dụng kỹ thuật cao, nâng cao năng lực khám chữa bệnh. Cùng với sự đồng hành của các cấp ngành, đơn vị đang tiếp tục hoạch định chiến lược xây dựng cơ sở y tế trọng điểm khu vực phía Nam Hà Tĩnh, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân vùng kinh tế động lực của tỉnh.
TIÊN PHONG ỨNG DỤNG KỸ THUẬT CAO
Khó có thể diễn tả hết niềm vui và lòng biết ơn của gia đình bà Trần Thị Dung (61 tuổi, xã Kỳ Hoa, thị xã Kỳ Anh) khi chứng kiến sự bình phục diệu kỳ của bà sau cơn đột quỵ do nhồi máu não. Được phát hiện và cấp cứu trong giai đoạn “giờ vàng”, bà Dung được các bác sỹ thực hiện thành công kỹ thuật tiêu sợi huyết và nhanh chóng hồi phục, trở lại sinh hoạt bình thường. Bà Dung chia sẻ: “Tôi có nhiều bệnh nền, mỗi lần đi khám bệnh đều được dự báo nguy cơ đột quỵ nhưng vẫn khó tránh khỏi. May mắn cho bản thân và gia đình là khi rơi vào nguy cấp, tôi được các y, bác sỹ của Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) thị xã Kỳ Anh cấp cứu, sử dụng hệ thống máy móc, kỹ thuật can thiệp kịp thời”.
Kỹ thuật tiêu sợi huyết áp dụng cho bệnh nhân bị đột quỵ do nhồi máu não là một trong những kỹ thuật được BVĐK thị xã Kỳ Anh tiên phong triển khai trong hệ thống bệnh viện tuyến huyện trên địa bàn toàn tỉnh. Với quy mô 250 giường bệnh, 4 khoa phòng chức năng và 19 khoa lâm sàng, cận lâm sàng, để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh (KCB) ngày càng cao của người dân, những năm qua, bệnh viện đã từng bước bổ sung trang thiết bị máy móc hiện đại như: máy CT-Scanner, hệ thống nội soi tiêu hóa, siêu âm màu 4D, máy X-quang kỹ thuật số, X-quang cao tần, máy xét nghiệm sinh hóa, hệ thống quản lý bệnh tim mạch mãn tính…
Từ hệ thống máy móc hiện đại, bệnh viện đã thực hiện được nhiều kỹ thuật khó, phức tạp. Riêng lĩnh vực chuyên khoa chấn thương, đơn vị thực hiện được 500 kỹ thuật, trong đó có nhiều kỹ thuật vượt tuyến như: phẫu thuật kết hợp xương bằng đinh sign, vá da điều trị vết thương khuyết hổng phần mềm… Năm 2017, bệnh viện đưa máy chạy thận nhân tạo vào phục vụ bệnh nhân là một bước đột phá, đáp ứng mong mỏi của người bệnh trên địa bàn. Sau 8 năm triển khai, những bệnh nhân suy thận trên địa bàn và các vùng lân cận đã được điều trị gần nhà; tiết kiệm chi phí, công sức và tăng hiệu quả điều trị.
Với phương châm “nguồn nhân lực là chìa khóa cho phát triển”, BVĐK thị xã Kỳ Anh đặc biệt chú trọng công tác thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường tận dụng “ngoại lực” bằng việc hợp tác với các bệnh viện lớn tuyến Trung ương như: Bạch Mai, Nhi Trung ương, Nội tiết Trung ương, Trung ương Huế… để tập huấn, đào tạo, “cầm tay chỉ việc” cho đội ngũ y, bác sỹ, nhân viên y tế. Bệnh viện hiện có 293 cán bộ, nhân viên, trong đó: 73 bác sỹ trình độ đại học và trên đại học, 23 dược sỹ, 127 điều dưỡng viên, 17 kỹ thuật viên…
NGƯỜI BỆNH ĐAU CŨNG NHƯ NGƯỜI THÂN MÌNH ĐAU, PHẢI LUÔN HẾT LÒNG CHĂM SÓC, CỨU CHỮA BẰNG TINH THẦN TRÁCH NHIỆM CAO NHẤT.
.................................................................
CHỊ NGUYỄN THỊ MỸ THUẦN - Điều dưỡng trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu BVĐK thị xã Kỳ Anh
Cùng với việc đầu tư hệ thống máy móc, kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực thì thái độ phục vụ, y đức của nhân viên y tế cũng ngày một đổi mới. Sức khỏe, an toàn tính mạng, sự hài lòng của người bệnh chính là niềm vui, là động lực để mỗi cán bộ, y bác sỹ, nhân viên y tế BVĐK thị xã Kỳ Anh nỗ lực mỗi ngày. Chị Nguyễn Thị Mỹ Thuần - Điều dưỡng trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu chia sẻ rằng, thâm niên hơn 30 năm công tác tại bệnh viện, nhiều năm đảm nhận việc tiếp nhận, chăm sóc bệnh nhân nặng, chị luôn bị ám ảnh bởi gương mặt thất thần, những giọt nước mắt của người nhà bệnh nhân khi người thân của họ đứng trước bờ vực sinh tử. “Cũng chính vì điều đó mà tôi và các đồng nghiệp luôn tự dặn lòng, người bệnh đau cũng như người thân mình đau, phải luôn hết lòng chăm sóc, cứu chữa bằng tinh thần trách nhiệm cao nhất; động viên, khích lệ để họ có thêm nghị lực vượt qua giai đoạn nguy cấp. Đó không chỉ là y đức, trách nhiệm mà còn là đòi hỏi tất yếu của người bệnh đối với nhân viên y tế trong giai đoạn hiện nay” - chị Thuần trải lòng.
Không chỉ làm tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe (CSSK) cho người dân trên địa bàn, BVĐK thị xã Kỳ Anh còn nỗ lực phục vụ Nhân dân các vùng lân cận và cán bộ, người lao động trong Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng. Với tinh thần luôn sẵn sàng, chủ động cho những tình huống bị động, bất ngờ xảy ra tại khu vực tập trung hơn 20 nghìn chuyên gia, lao động, bệnh viện đã thành lập 2 tổ cấp cứu lưu động bao gồm các y, bác sỹ “tinh nhuệ”, sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ. Bên cạnh đó, hằng năm, bệnh viện đã xây dựng kế hoạch, phối hợp với các đơn vị triển khai chương trình kỹ thuật tập huấn cấp cứu, sơ cứu ban đầu.
CHÚNG TÔI TIN TƯỞNG, TRONG TƯƠNG LAI, BVĐK THỊ XÃ KỲ ANH SẼ ĐÁP ỨNG TỐT HƠN NHU CẦU KHÁM CHỮA BỆNH KHI CÁC DỰ ÁN LỚN TIẾP TỤC ĐƯỢC ĐẦU TƯ VÀ ĐI VÀO HOẠT ĐỘNG TẠI KHU KINH TẾ VŨNG ÁNG.
.................................................................
ÔNG NGUYỄN ĐỨC THẠCH - Chủ tịch Công đoàn Các KKT tỉnh Hà Tĩnh
Trong những năm qua, hàng trăm doanh nghiệp với hàng chục nghìn lượt lao động đã được bệnh viện KCB và CSSK định kỳ, góp phần đảm bảo các quy định về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc. Chỉ tính riêng trong năm 2024, bệnh viện đã phối hợp với Ban Quản lý KKT tỉnh, Công đoàn Các KKT tỉnh và các doanh nghiệp, nhà thầu tại KKT Vũng Áng tổ chức KCB cho 9.400 lượt chuyên gia, công nhân, lao động. Ông Nguyễn Đức Thạch - Chủ tịch Công đoàn Các KKT tỉnh cho rằng: “Với đội ngũ y, bác sỹ có tay nghề, hệ thống cơ sở vật chất ngày càng được quan tâm đầu tư, chúng tôi tin tưởng, trong tương lai, BVĐK thị xã Kỳ Anh sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu KCB khi các dự án lớn tiếp tục được đầu tư và đi vào hoạt động tại KKT Vũng Áng. Đây cũng là một trong những yếu tố giúp thu hút đầu tư và tuyển dụng lao động vào KKT”.
KCB cho 110.000 lượt người bệnh ngoại trú, 22.000 lượt người bệnh điều trị nội trú mỗi năm, công suất sử dụng giường bệnh kế hoạch trung bình 130%, thực hiện được trên 7.000 dịch vụ kỹ thuật, BVĐK thị xã Kỳ Anh luôn là đơn vị đi đầu trong phát triển chất lượng bệnh viện tuyến huyện; ngày càng khẳng định được uy tín, thương hiệu với người dân trên địa bàn. Những kết quả đó là tiền đề quan trọng để triển khai thực hiện đề án “Đầu tư phát triển BVĐK thị xã Kỳ Anh đáp ứng nhu cầu CSSK cho người dân trên địa bàn thị xã và khu vực Nam Hà Tĩnh giai đoạn 2025-2035”.
VỮNG BƯỚC TRÊN HÀNH TRÌNH TỰ CHỦ
Thực hiện chủ trương quản lý theo cơ chế tự chủ tài chính tại các bệnh viện công lập, từ năm 2017, BVĐK thị xã Kỳ Anh chuyển đổi sang mô hình tự chủ chi thường xuyên nhóm 2. Là một trong những đơn vị thực hiện cơ chế tự chủ tài chính sớm nhất toàn tỉnh, bệnh viện gặp không ít khó khăn, thử thách khi bước vào một cơ chế vận hành hoàn toàn mới mẻ.
MUỐN TỰ CHỦ THÌ BỆNH VIỆN PHẢI TRỞ THÀNH ĐỊA CHỈ MÀ NGƯỜI DÂN TỰ NGUYỆN TÌM ĐẾN VÀ CHỈ CÓ CHẤT LƯỢNG, UY TÍN MỚI KHIẾN NGƯỜI DÂN TỰ NGUYỆN GIAO PHÓ SỨC KHỎE VÀ TÍNH MẠNG.
“Xác định tự chủ là xu thế tất yếu để phát triển bền vững, bệnh viện đã tiếp thu và thích nghi với những quy định mới, từ đó, thống nhất xây dựng quy chế hoạt động phù hợp thực tiễn. Chúng tôi hiểu rằng, muốn tự chủ thì bệnh viện phải trở thành địa chỉ mà người dân tự nguyện tìm đến và chỉ có chất lượng, uy tín mới khiến người dân tự nguyện giao phó sức khỏe và tính mạng. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng dịch vụ KCB, đổi mới thái độ, phong cách phục vụ là yếu tố quyết định và duy trì sự thành công bền vững”, bà Nguyễn Thị Kim Oanh - Giám đốc BVĐK thị xã Kỳ Anh chia sẻ.
Bắt tay vào triển khai cơ chế tự chủ tài chính, bệnh viện đã thực hiện đồng bộ các giải pháp như: cơ cấu lại các khoa phòng theo hướng khoa học, hợp lý; xây dựng quy trình quản lý hành chính; quản lý tài chính đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành, hạn chế lãng phí, tiêu hao thuốc, hóa chất, vật tư và tiết kiệm các khoản chi; tăng nguồn thu bằng việc đa dạng hóa các hoạt động của bệnh viện. Đơn vị thực hiện quản lý chặt chẽ nguồn thu thông qua ứng dụng công nghệ thông tin; thường xuyên thực hiện công tác kiểm kê đối với các loại vật tư, hàng hóa tại các khoa, nhà thuốc; phối hợp các đơn vị liên quan giám sát, thực hiện nghiêm quy định về mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế… Cùng đó, đơn vị chú trọng công tác xã hội hóa nguồn lực cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nâng cao chất lượng KCB, huy động và phát huy hiệu quả mọi nguồn lực; tập trung đầu tư các thiết bị kỹ thuật cao, triển khai các kỹ thuật mới, nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị, tăng sức hút đối với người bệnh.
HIỆN NAY, BỆNH VIỆN ĐÃ THỰC HIỆN ĐƯỢC 88,73% DANH MỤC THEO PHÂN TUYẾN CHUYÊN MÔN KỸ THUẬT DO BỘ Y TẾ QUY ĐỊNH VÀ 21,85% KỸ THUẬT VƯỢT TUYẾN - LÀ ĐƠN VỊ TUYẾN HUYỆN ĐI ĐẦU TRONG VIỆC PHÁT TRIỂN KỸ THUẬT MỚI.
Sau gần 8 năm nỗ lực và triển khai đồng bộ các giải pháp, BVĐK thị xã Kỳ Anh đã đạt mức độ tự chủ tài chính 110%. Hiện nay, bệnh viện đã thực hiện được 88,73% danh mục theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật do Bộ Y tế quy định và 21,85% kỹ thuật vượt tuyến - là đơn vị tuyến huyện đi đầu trong việc phát triển kỹ thuật mới. Bệnh viện trở thành địa chỉ tin cậy của người dân thị xã Kỳ Anh và các vùng lân cận.
Theo báo cáo của địa phương và các ngành liên quan, trong những năm tới, khi thị xã Kỳ Anh trở thành thành phố, các dự án lớn ở KKT Vũng Áng đi vào vận hành SXKD thì quy mô dân số, lao động sẽ còn tăng nhanh, vượt bậc. Dự kiến đến năm 2030 số lao động phục vụ các dự án trên địa bàn là 80.000 người. Sự gia tăng dân số nói chung, dân số đô thị nói riêng sẽ kéo theo nhu cầu ngày càng cao về dịch vụ y tế, đòi hỏi BVĐK thị xã phải tiếp tục có chiến lược nâng cấp, tự chủ để phát triển bền vững.
Sự ra đời của đề án “Đầu tư phát triển BVĐK thị xã đáp ứng nhu cầu CSSK cho người dân trên địa bàn thị xã Kỳ Anh và khu vực Nam Hà Tĩnh giai đoạn 2025-2035” với nguồn kinh phí dự kiến khoảng 500 tỷ đồng được coi là giải pháp chiến lược. Đề án được xác định phải hoàn thành song song 3 nhiệm vụ: phòng chống dịch bệnh; KCB, bảo vệ sức khỏe cho người dân; tự chủ về kinh tế y tế, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân viên. Việc triển khai đề án được coi là cơ hội lớn nhưng cũng mang đến không ít thách thức cho đơn vị, bởi khi được đầu tư nâng cấp trở thành bệnh viện của khu vực thì công tác điều hành, quản lý, trình độ cũng phải xứng tầm.
TẤT CẢ NHỮNG NỖ LỰC ĐỀU NHẰM XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU, TẠO DỰNG UY TÍN VÀ NÂNG TẦM ĐỂ BỆNH VIỆN PHÁT TRIỂN THEO HƯỚNG HIỆN ĐẠI, BỀN VỮNG, GÓP PHẦN THỰC HIỆN TỐT SỨ MỆNH CHĂM SÓC, BẢO VỆ SỨC KHỎE NHÂN DÂN.
.................................................................
BÁC SỸ CKI HÀ HUY HIỆU - Trưởng khoa Nội - BVĐK thị xã Kỳ Anh
Dù còn nhiều khó khăn phía trước nhưng với khát vọng chinh phục những tầm cao mới, tập thể cán bộ, y bác sỹ, nhân viên của bệnh viện chung ý chí quyết tâm, đồng lòng thực hiện mục tiêu lớn. Bác sỹ CKI Hà Huy Hiệu - Trưởng khoa Nội chia sẻ: “Trên hành trình tự chủ, đổi mới, mỗi một thành viên trong tập thể đều phải nêu cao ý thức trách nhiệm của bản thân. Bên cạnh không ngừng học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, tiếp cận các kỹ thuật chuyên sâu, chúng tôi còn phải thay đổi nhận thức, hành vi và tác phong làm việc, trang bị kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn hóa với người bệnh. Tất cả những nỗ lực đó đều nhằm xây dựng thương hiệu, tạo dựng uy tín và nâng tầm để bệnh viện phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, góp phần thực hiện tốt sứ mệnh chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân”.
Y tế tuyến huyện trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 11 trung tâm y tế 3 chức năng, 1 trung tâm y tế 2 chức năng và 2 BVĐK (thị xã Kỳ Anh và Lộc Hà). Đến nay, nhiều đơn vị đã làm chủ được kỹ thuật mới, chuyên sâu, vượt tuyến trong chẩn đoán và điều trị. Trong đó, 100% đơn vị tuyến huyện đã thực hiện được phẫu thuật nội soi; 4 đơn vị triển khai chạy thận nhân tạo, 1 đơn vị đã lắp đặt xong và đang triển khai phê duyệt hệ thống chạy thận nhân tạo; một số bệnh viện đã thực hiện can thiệp tim mạch… Các cơ sở KCB tuyến huyện cũng linh hoạt trong huy động nguồn lực xã hội hóa; nỗ lực thực hiện cơ chế tự chủ tài chính.
BÀI, ẢNH: NHÓM PV - CTV
THIẾT KẾ: HUY TÙNG
(còn nữa)