Bác sỹ lý giải tình trạng đột quỵ gia tăng ở người trẻ

(Baohatinh.vn) - Theo Bác sỹ Nguyễn Xuân Thái, Trưởng khoa Cấp cứu – Chống độc, BVĐK tỉnh Hà Tĩnh: Lạm dụng bia rượu, thuốc lá và sinh hoạt không phù hợp đang đẩy người trẻ đến nhanh hơn với đột quỵ.

Thời gian gần đây, số lượng bệnh nhân đột quỵ ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, PV Báo Hà Tĩnh đã có cuộc trao đổi với Thạc sỹ, Bác sỹ Nguyễn Xuân Thái – Trưởng khoa Cấp cứu – Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh.

PV: Bác sỹ có thể cho biết, tỷ lệ bệnh nhân bị đột quỵ vào cấp cứu, điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh thời gian gần đây như thế nào?

Bác sỹ Nguyễn Xuân Thái: Đột quỵ là một vấn đề khá nhức nhối không chỉ ở trong nước mà còn trên toàn cầu. Hiện nay, mỗi năm thế giới có khoảng 15 triệu người bị đột quỵ, trong đó khoảng 50% bị tử vong trước khi đến cơ sở y tế. Trong 50% còn lại, có tới 45% để lại các di chứng suốt đời và 5% được cứu sống không để lại các di chứng. Còn ở Việt Nam, ước tính mỗi năm có khoảng hơn 200 ngàn ca đột quỵ, trong đó có 50% tử vong và 45% bị các di chứng tàn phế.

bqbht_br_1a.jpg
Thạc sỹ, Bác sỹ Nguyễn Xuân Thái - Trưởng khoa Cấp cứu - Chống độc, BVĐK tỉnh trao đổi về đột quỵ.

Tại Hà Tĩnh, mỗi năm có trên 2.000 bệnh nhân bị đột quỵ, trong đó có gần 1 nửa tử vong, còn lại khoảng 5% được cứu sống mà không để lại các di chứng. Thời gian gần đây, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 10 – 15 ca bệnh bị đột quỵ được chuyển lên từ các cơ sở y tế tuyến dưới. Điều đáng lo ngại, tỷ lệ người bị đột quỵ có xu hướng trẻ hóa, chiếm khoảng 7,5% - 8% số ca đột quỵ dưới 45 tuổi và số lượng bệnh nhân là nam giới chiếm gấp 1,5 lần nữ giới.

PV: Vậy đâu là những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ gia tăng và có xu hướng trẻ hóa thưa ông?

Bác sỹ Nguyễn Xuân Thái: Theo phân tích từ Tổ chức Y tế thế giới, có 7 nhóm yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ. Thứ nhất là hút thuốc lá, thứ hai là lười vận động, thứ ba là chế độ ăn không phù hợp (ăn mặn nhiều), kiểm soát huyết áp kém; thứ tư là kiểm soát mỡ máu kém; thứ năm là kiểm soát cân nặng kém; thứ sáu là kiểm soát đường máu kém và thứ 7 là do các stress của lối sống hiện đại.

bqbht_br_3a.jpg
Đột quỵ ngày càng có xu hướng trẻ hóa.

Tình trạng đột quỵ ngày càng trẻ hóa là hậu quả tất yếu của việc người trẻ tuổi có nguy cơ bị rối loạn chuyển hóa mỡ máu cao, do thói quen ăn kém thiếu khoa học, thường xuyên ăn các loại thức ăn nhanh, thực phẩm nhiều dầu mỡ, các loại thực phẩm chế biến sẵn. Tỉ lệ Apolipoprotein B và Apoprotein A- I (ApoB/ApoA-I) ở người rối loạn chuyển hóa mỡ máu cũng có liên quan mật thiết đến tình trạng đột quỵ nhồi máu não và các bệnh lý não bộ khác. Mặt khác, ngồi máy tính nhiều giờ đồng hồ, lười vận động, ít tập thể dục càng khiến cho nguy cơ béo phì ngày càng cao.

Đặc biệt, một trong những nguyên nhân đột quỵ ở người trẻ tuổi phổ biến đó chính là sử dụng các chất kích thích, đặc biệt là uống rượu bia, thuốc lá. Do đặc tính công việc cần xã giao, mở rộng mối quan hệ cũng như thường xuyên tham gia các buổi tiệc, giới trẻ thường xuyên uống nhiều rượu bia, làm tăng nguy cơ chảy máu não dẫn đến đột quỵ. Còn đối với việc hút thuốc lá do trong thuốc có hơn 7.000 chất độc hóa học. Các chất độc này khi đi vào trong máu sẽ phá hủy các tế bào trong cơ thể, làm tăng nguy cơ xơ vữa mạch máu não.

20190507-023137-612349-tac-nghen-mach-mau-max-1800x1800-jpg-de0c68843ba.jpg
Đột quỵ gây tổn thương cho não. Ảnh minh họa.

Trong 7 nhóm nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ bị đột quỵ trên, có tới 90% nguyên nhân có thể kiểm soát và phòng tránh được. Tuy nhiên, hầu như người dân còn chưa thực hiện được thường xuyên và đầy đủ việc kiểm soát các yếu tố. Ngoài ra, các bệnh nhân bị đột quỵ có thể được vào cấp cứu trong giờ vàng là rất ít (chỉ khoảng 5%) nên việc cấp cứu, điều trị gặp rất nhiều khó khăn, nguy cơ để lại di chứng rất lớn. Qua đây cũng cho thấy, nhận thức, hiểu biết của người dân về đột quỵ còn rất hạn chế.

PV: Việc cấp cứu, điều trị cho các bệnh nhân đột quỵ ở BVĐK tỉnh thời gian qua như thế nào? Bác sỹ có khuyến cáo gì cho người dân?

Bác sỹ Nguyễn Xuân Thái: Việc điều trị đột quỵ ở BVĐK tỉnh thời gian qua được phân ra thành 2 quá trình. Thứ nhất, nếu bệnh nhân đang ở trong giờ vàng (từ 3,5 – 4giờ) kể từ khi bị đột quỵ thì bệnh viện sẽ triển khai kỹ thuật tiêu sợi huyết cho bệnh nhân. Đây là kỹ thuật được bệnh viện triển khai từ năm 2015 và đã chuyển giao cho một số cơ sở y tế tuyến dưới. Giải pháp mang lại hiệu quả rất tốt. Bên cạnh đó, bệnh viện sẽ tiến hành kiểm soát huyết áp để ngăn chặn việc lan rộng khối máu.

bqbht_br_phcn-7a.jpg
Bệnh nhân bị đột quỵ không được cấp cứu kịp thời sẽ để lại nhiều di chứng.

Còn đối với đột quỵ không được cấp cứu kịp thời, bệnh viện sẽ tiến hành chụp mạch não cho bệnh nhân để xác định có bị tắc mạch não hoặc dị dạng không. Nếu bị tắc mạch lớn sẽ tiến hành lấy khối huyết tụ (hiện tại, về con người, BVĐK tỉnh đã cử đi đào tạo bài bản ở các bệnh viện tuyến Trung ương, máy móc đã được đầu tư, chỉ chờ vật tư đầy đủ là BVĐK tỉnh có thể triển khai kỹ thuật). Ngoài ra, BVĐK tỉnh cũng đã hoàn toàn thực hiện được việc điều trị nội khoa cho bệnh nhân bị đột quỵ theo phác đồ của Tổ chức Y tế thế giới.

Trong bối cảnh tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa thì việc người dân nắm bắt được các triệu chứng của bệnh để kịp thời đưa đến các cơ sở y tế trong thời gian giờ vàng là điều hết sức cấp thiết. Khi cơ thể có các dấu hiệu như: mệt mỏi, đột nhiên cảm thấy không còn sức lực, tê cứng mặt hoặc một nửa mặt, nụ cười bị méo mó; cử động khó hoặc không thể cử động chân tay, tê liệt một bên cơ thể; khó phát âm, nói không rõ chữ, bị dính chữ, nói ngọng bất thường; hoa mắt, chóng mặt, người mất thăng bằng đột ngột, không phối hợp được các hoạt động; thị lực giảm, mắt mờ, không nhìn rõ; đau đầu dữ dội, cơn đau đầu đến rất nhanh, có thể gây buồn nôn hoặc nôn… thì cần đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám kịp thời.

bqbht_br_2a.jpg
Bác sỹ Nguyễn Xuân Thái thăm khám cho một bệnh nhân bị tổn thương não do đột quỵ.

Để phòng ngừa nguy cơ đột quỵ thì việc duy trì lối sống khoa học là một giải pháp hết sức quan trọng. Trong đó, nên hạn chế thức khuya, cố gắng ngủ đủ giấc, tránh tình trạng ngủ ít, thiếu ngủ; nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng kéo dài; xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn nhiều rau củ quả và trái cây, không dùng thực phẩm nhiều dầu mỡ, cholesterol và chất béo; tránh uống rượu, bia, đồ uống có cồn, nước có gas; hạn chế sử dụng các chất kích thích; thường xuyên tập thể dục thể thao, tham gia các hoạt động thể lực, hạn chế ngồi một chỗ quá lâu; khám và điều trị, kiểm soát hiệu quả các bệnh lý liên quan như tăng huyết áp, bệnh tim mạch, tiểu đường… Đồng thời, khám sức khỏe định kỳ để nắm bắt được tình trạng của cơ thể, qua đó giúp phòng ngừa hiệu quả đột quỵ.

PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của bác sỹ !

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Giáo sư Trần Hậu Khang – “kết nối để lan tỏa yêu thương”

Giáo sư Trần Hậu Khang – “kết nối để lan tỏa yêu thương”

Là chuyên gia hàng đầu của ngành da liễu Việt Nam và châu Á, GS.TS, Thầy thuốc Nhân dân Trần Hậu Khang luôn hướng về quê hương bằng nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực với tâm niệm “kết nối để lan tỏa yêu thương”. Nhân dịp đón xuân mới Ất Tỵ, GS.TS. Trần Hậu Khang đã trải lòng cùng Báo Hà Tĩnh trong hành trình hướng về cội nguồn mà ông đã và đang thực hiện.
Ngày Tết ở Khoa Hồi sức tích cực

Ngày Tết ở Khoa Hồi sức tích cực

Khi mọi người đang vui vầy bên gia đình để đón Tết thì các bác sỹ Khoa Hồi sức tích cực, BVĐK tỉnh Hà Tĩnh vẫn đang miệt mài bên các giường bệnh để chăm sóc các bệnh nhân nặng.
Làm chủ kỹ thuật chuyên sâu trong phục hồi chức năng

Làm chủ kỹ thuật chuyên sâu trong phục hồi chức năng

Nắm bắt tốt xu thế phát triển mới cộng với sự quyết liệt và linh hoạt trong điều hành, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Tĩnh đã khẳng định chiều sâu về chuyên môn, là điểm sáng về lĩnh vực phục hồi chức năng.
Blouse trắng nơi đảo xa...!

Blouse trắng nơi đảo xa...!

Dù cách trở muôn trùng về mặt địa lý song quân và dân trên huyện đảo Trường Sa vẫn được bảo vệ và chăm lo chu đáo về sức khỏe để yên tâm canh giữ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Khẳng định vị thế cơ sở y tế đầu ngành ở Hà Tĩnh

Khẳng định vị thế cơ sở y tế đầu ngành ở Hà Tĩnh

Việc duy trì, phát triển các kỹ thuật chuyên sâu và đưa vào hoạt động trung tâm xạ trị đã thể hiện sự nỗ lực của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh trong việc khẳng định vị thế cơ sở y tế đầu ngành của tỉnh.
Tiếp tục chuyển trọng tâm sang dân số và phát triển

Tiếp tục chuyển trọng tâm sang dân số và phát triển

Năm 2025, ngành dân số Hà Tĩnh quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, đẩy mạnh các đề án, mô hình nâng cao chất lượng dân số… góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Một số trang thông tin nước ngoài đưa tin về đợt bùng phát dịch bệnh xảy ra tại Trung Quốc với nhiều ca mắc bệnh do virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) và lo ngại về một cuộc khủng hoảng y tế khác sau COVID-19.