Người lao động tại các HTX không thời hạn hoặc có thời hạn trên 3 tháng, hoặc cán bộ quản lý có hưởng lương phải tham gia bảo hiểm xã hội (ảnh internet).
Theo quy định, người lao động tại các HTX không thời hạn hoặc có thời hạn trên 3 tháng, hoặc cán bộ quản lý có hưởng lương phải tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc. Trong đó, người sử dụng lao động phải đóng 21,5%, người lao động đóng 10,5% (tính theo mức lương). Và trên thực tế, việc thực hiện Luật BHXH của các HTX ở Hà Tĩnh cũng đã có một số điểm sáng tích cực, đơn cử như HTX Minh Lộc (xã Cẩm Minh, Cẩm Xuyên).
Giám đốc HTX Minh Lộc Trương Xuân Bính cho biết: HTX chúng tôi có 30 lao động thường xuyên, trong số đó, có 14 lao động dài hạn đã được hỗ trợ đóng BHXH 100% với mức đóng từ 900 nghìn đồng/tháng trở lên. Nhiều nhất, có người đã được hỗ trợ đóng BHXH hơn 10 năm.
HTX Minh Lộc là điểm sáng về thực hiện đóng BHXH bắt buộc cho người lao động.
Tuy nhiên, đây chỉ là 1 trong những điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh nhiều gam màu tối của thực trạng tham gia đóng BHXH bắt buộc của hệ thống HTX của Hà Tĩnh. Thống kê cho thấy, Hà Tĩnh có gần 1.400 HTX đang hoạt động nhưng chỉ có 263 HTX tham gia đóng bảo hiểm.
Cũng theo thống kê từ BHXH tỉnh, chỉ có 975 xã viên tham gia đóng BHXH tự nguyện so với tổng số xã viên toàn tỉnh hiện là 86.000 người. Thực trạng nói trên đã khẳng định, việc thực hiện các quy định pháp luật về BHXH của các HTX đang còn nhiều thiếu sót.
HTX Thuận Lộc hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lợi nhuận thấp, xã viên đông nên khó hỗ trợ đóng BHXH cho người lao động.
HTX Thuận Lộc (xã Thuận Lộc, TX. Hồng Lĩnh) có hơn 1.000 xã viên - cũng là người lao động có sử dụng dịch vụ của HTX. Tuy nhiên, chỉ có 4 người được hỗ trợ đóng BHXH bắt buộc. Giám đốc HTX Bùi Văn Hòa cho hay, với những HTX nông nghiệp, số lượng xã viên rất lớn thì rất khó để hỗ trợ đóng BHXH, ngay cả việc họ đóng BHXH tự nguyện thì ban quản trị cũng khó nắm được.
Nguyên nhân sâu xa nhất vẫn là do hiệu quả hoạt động, lợi nhuận của các HTX còn quá thấp nên việc đóng BHXH vẫn là điều xa vời. Ngay cả bản thân tôi, là Giám đốc HTX và có đến 29 năm làm trong HTX nhưng đến nay cũng chưa thực hiện đóng BHXH được.
Đồng ý kiến, ông Nguyễn Quang Hạnh - Giám đốc HTX Hạnh Phúc (An Lộc, Lộc Hà) chia sẻ, với những HTX non trẻ, doanh thu, lợi nhuận vẫn đang còn khiêm tốn trong khi phải đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu vốn, thiếu phương hướng, phải cạnh tranh rất lớn với các hình thức kinh tế khác thì khó để hỗ trợ người lao động đóng BHXH theo quy định. Chúng tôi cũng nhận thức được việc đóng BHXH cho người lao động, xã viên là rất quan trọng, song cũng cần phải có thời gian, khi HTX hoạt động ổn định hơn, tạo ra giá trị vật chất cao hơn.
Khi được hưởng quyền lợi chính đáng, người lao động yên tâm gắn bó và cống hiến cho HTX. Ảnh: Thu Phương
Trao đổi về những nguyên nhân dẫn đến thực trạng nói trên, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nguyễn Ngọc Hùng cho rằng, nguyên nhân lớn nhất vẫn là những khó khăn trong hoạt động của các HTX. Thời gian gần đây, mặc dù các HTX sau chuyển đổi đã nâng cao về chất lượng, song số HTX đạt hiệu quả cao vẫn còn chiếm tỷ lệ rất thấp.
Bên cạnh đó, vẫn còn không ít HTX “toàn dân” với số lượng xã viên, người lao động lên đến hàng nghìn người, đây cũng là trở ngại lớn đối với việc thực hiện Luật BHXH khi các HTX không thể đủ nguồn tài chính để trang trải cho việc hỗ trợ đóng BHXH.
"Do đó, để các HTX thực hiện tốt hơn Luật BHXH, bên cạnh việc tổ chức tuyên truyền về quy định của Nhà nước, chúng tôi đang nỗ lực tìm các giải pháp hỗ trợ nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX" - ông Hùng cho biết thêm.