Trẻ hóa đối tượng vi phạm
Theo thống kê của TAND tỉnh, tính từ ngày đầu năm 2021 đến nay, trong tổng số 1.305 bị cáo mà đơn vị thụ lý, giải quyết, có 53 bị cáo là người chưa thành niên, chiếm tỷ lệ 4,1%. Chỉ 4 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn Hà Tĩnh ghi nhận nhiều vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến người chưa thành niên.
Trong tháng 4, Công an huyện Cẩm Xuyên đã đấu tranh xử lý 2 vụ/7 đối tượng là trẻ vị thành niên (chủ yếu ở độ tuổi dưới 15, thậm chí có em mới chỉ lên 10).
4 tên trộm nhí gây ra 4 vụ trộm cắp tài sản trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên.
Vào khoảng 14h ngày 11/4, Công an huyện Cẩm Xuyên nhận được đơn trình báo của bà Nguyễn Thị Phu (trú tại xã Cẩm Lạc) về việc bị kẻ gian lấy trộm chiếc xe đạp trị giá khoảng 500.000 đồng. Đến 16h cùng ngày, lực lượng công an đã làm rõ 4 đối tượng gây ra vụ việc trên là: Nguyễn V.T. (SN 2008), Nguyễn V.S. (SN 2008), Nguyễn L.N.S. (SN 2008), Nguyễn D.L. (SN 2007) cùng trú tại xã Cẩm Lạc. Quá trình điều tra mở rộng, lực lượng công an đã phát hiện các đối tượng này đã gây ra 4 vụ trộm trên địa bàn, thu giữ 4 chiếc xe đạp trị giá khoảng 2 triệu đồng.
Xe tải mang BKS 38H-008.91 của Công ty TNHH Hoàng Gia Anh (phường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh) bị đập vỡ kính, tổng thiệt hại khoảng 19 triệu đồng.
Tiếp đó, khoảng 16h ngày 11/4, Công an huyện Cẩm Xuyên nhận được tin báo của Công ty TNHH Hoàng Gia Anh (phường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh) về việc xe tải mang BKS 38H-008.91 của công ty đỗ tại KCN Bắc Cẩm Xuyên bị đập vỡ kính phía tay lái và kính trước tổng thiệt hại khoảng 19 triệu đồng.
Sau thời gian điều tra, xác minh, lực lượng chức năng xác định thủ phạm gồm: Nguyễn T.X.P. (SN 2011), Nguyễn K.P. (SN 2012), Nguyễn H.L. (SN 2011), đều trú tại xã Cẩm Vịnh (huyện Cẩm Xuyên). Quá trình đấu tranh, các đối tượng khai nhận đập vỡ kính để trộm cắp tài sản nhưng bị lộ nên đã bỏ trốn.
Đối tượng Nguyễn Văn P. (SN 2005, thôn Lâm Phú Thịnh, xã Xuân Liên, Nghi Xuân) cùng hung khí gây án tại cơ quan công an.
Vào ngày 4/3, người dân xã Cổ Đạm (Nghi Xuân) bàng hoàng trước việc anh Trương Trọng T. (SN 2002, trú thôn Hải Đông) bị Nguyễn Văn P. (SN 2005, trú thôn Lâm Phú Thịnh, xã Xuân Liên) đâm tử vong.
Theo lời khai của kẻ gây án, do mâu thuẫn từ trước nên khi gặp nhau tại quán internet (thôn Phú Thuận Hợp, xã Cổ Đạm), anh T. đã dùng mũ xe máy đánh vào đầu P. Tức giận, P. rút dao bấm thủ sẵn trong người đâm vào cổ và lưng đối phương. Hậu quả, nạn nhân tử vong do vết thương quá nặng.
Hiện trường vụ án mạng khiến anh Trương Trọng T. bị đâm tử vong.
Theo nhận định của các cơ quan chức năng, tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, phạm tội đang có chiều hướng gia tăng cả về số vụ và mức độ nghiêm trọng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các em đang trong độ tuổi thay đổi tâm sinh lý, muốn khẳng định bản thân nên dễ bị kích động, dụ dỗ, lôi kéo. Số khác xuất phát từ việc thiếu sự quan tâm, dạy dỗ từ phía gia đình.
Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Trần Thanh Minh trao đổi: “Từ thực tiễn tham gia tố tụng trong các vụ án hình sự mà bị cáo là người chưa thành niên, chúng tôi nhận thấy nguyên nhân phạm tội do thiếu sự quan tâm, giáo dục từ gia đình, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật còn hạn chế. Không ít bị cáo chưa ý thức được hậu quả nghiêm trọng từ hành vi phạm tội của mình và ngỡ ngàng về phán quyết cuối cùng của hội đồng xét xử”.
Tăng cường trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội
Theo Thượng tá Phan Ngọc Tố - Trưởng Công an huyện Cẩm Xuyên, đơn vị đã và đang chỉ đạo công an các xã, thị trấn tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp, kế hoạch đấu tranh để ngăn ngừa tội phạm trong thanh thiếu niên. Trọng tâm là phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để tạo tính răn đe. Bên cạnh sự vào cuộc của các lực lượng chức năng thì sự chung tay của các cấp chính quyền, nhà trường, gia đình là vô cùng cần thiết và quan trọng, giúp các em phát triển đúng hướng, tránh sự lôi kéo của những đối tượng xấu.
Đại úy Đặng Thế Long - Trưởng Công an xã Cẩm Vịnh (Cẩm Xuyên): Cùng với lực lượng chức năng, rất cần sự vào cuộc của các tổ chức xã hội như phụ nữ, đoàn thanh niên để giáo dục, định hướng các em trong độ tuổi vị thành niên.
Ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền, nắm bắt các thanh thiếu niên có biểu hiện khác thường, công an xã còn vận động gia đình các em thường xuyên phối hợp để có biện pháp quản lý, giáo dục phù hợp. Trái với tâm lý e ngại như trước, hiện, một số bậc phụ huynh đã cởi mở và có cách nhìn đúng đắn hơn trong việc hợp tác với lực lượng công an để kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm của con em mình.
Để ngăn ngừa tình trạng trẻ vị thành niên phạm tội, cần làm tốt công tác tâm lý, truyền thông, giáo dục kỹ năng sống cho các em. Nhà trường ngoài việc trang bị kiến thức phải chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức cho học sinh.
Thầy Nguyễn Trọng Hùng - Hiệu trưởng Trường THCS Vũ Diệm (Can Lộc) nhấn mạnh: “Cần duy trì mối quan hệ chặt chẽ giữa nhà trường - giáo viên chủ nhiệm - ban cán sự lớp; ban giám hiệu nhà trường - ban chấp hành phụ huynh từng lớp. Điều quan trọng nhất là phải đẩy mạnh giáo dục, quản lý từ mỗi gia đình. Theo đó, gia đình cần chú trọng quản lý, giám sát, kịp thời uốn nắn những hành vi lệch chuẩn, không để con em vi phạm pháp luật”.
Phiên tòa giả định đã “mềm hóa” những quy định của pháp luật, giúp người dân dễ hiểu, dễ tiếp thu. (Ảnh tư liệu)
Theo ông Trần Thanh Minh - Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh, cần đặc biệt chú trọng tới công tác tuyên truyền, giáo dục các quy định của pháp luật bằng nhiều hình thức. Ngoài chương trình phổ biến pháp luật tại trường học đang được thực hiện, về phía các địa phương, có thể phối hợp với các đơn vị như tòa án, viện KSND cùng cấp, các cơ quan đoàn thể tổ chức các câu lạc bộ “Thanh niên với pháp luật”, các phiên tòa giả định, những cuộc thi tìm hiểu pháp luật... Chỉ khi các em nắm được pháp luật, nhận thức được tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội và hậu quả pháp lý của hành vi phạm tội thì mới có sự chuyển biến tích cực và lâu dài".