Nhiều diện tích rau màu của xã Xuân Hải (Nghi Xuân) ngập chìm trong lũ
Đến thời điểm này, mực nước tại các sông trên địa bàn đã bắt đầu rút, nhưng huyện Đức Thọ vẫn còn khoảng hơn 1.500 ha lúa hè thu, hơn 900 ha rau màu các loại và 161 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập.
Ngay trong sáng nay, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn huyện Đức Thọ đã cắt cử các thành viên xuống tận cơ sở kiểm tra, chỉ đạo các địa phương tiến hành tiêu thoát nước cho những diện tích lúa, hoa màu đang bị ngập lụt, hạn chế thấp nhất về thiệt hại.
Mực nước tại một số dòng sông trên địa bàn đã bắt đầu xuống.
Can Lộc cũng là địa phương hiện có diện tích lúa bị ngập khá nhiều, với hơn 1.500 ha lúa, trong đó các địa phương bị ngập nặng là: Vĩnh Lộc, Kim Lộc, Song Lộc, Tùng Lộc...
Theo ông Phan Văn Cường – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Can Lộc, hiện tại, nước đã bắt đầu rút, nhiều diện tích đã thoát khỏi bị ngập úng. Tranh thủ nước rút, ngớt mưa, các địa phương đang tích cực huy động các tổ chức đoàn thể cùng bà con nông dân ra đồng khơi thông dòng chảy cho lúa hè thu đang kỳ đẻ nhánh, làm đòng.
Các địa phương tập trung điều tiết xả tràn hồ đập, khơi thông dòng chảy tiêu thoát nước để đảm bảo an toàn công trình và giảm diện tích lúa, rau màu bị ngập úng.
Hiện ở Vũ Quang vẫn đang có gần 52 ha lúa, 42 ha ngô, 73 ha đậu vụ hè thu đang bị ngập úng. Ngoài ra, hội quán các thôn 4, 5 xã Đức Bồng; một số tuyến đường liên thôn; một số cụm dân cư ở vùng thấp trũng đang bị chia cắt...
Mặc dù nước rút nhưng hội quán, một số cụm dân cư, đường nội thôn ở xóm 4, xã Đức Bồng (Vũ Quang) vẫn đang bị ngập, chia cắt... Ảnh: Tiến Dũng
Đường vào thôn 7, xã Đức Bồng (Vũ Quang) đang bị chia cắt... Ảnh: Tiến Dũng
Một số tuyến đường ở thôn Cừa Lĩnh, xã Đức Lĩnh (Vũ Quang) đang bị ngập sâu... Ảnh: Tiến Dũng
Để sớm khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra và đảm bảo an toàn tuyệt đối về người, tài sản, UBND huyện Vũ Quang đang tập trung chỉ đạo các phòng, địa phương nắm bắt tình hình, triển khai các biện pháp bảo vệ những diện tích cây trồng vụ hè thu, sự cố trên các công trình; tích cực kiểm tra, đánh giá tình hình để chủ động ứng phó với mọi tình huống, hạn chế tối đa thiệt hại do mưa lũ gây ra...
Tại Hương Sơn, hiện nay vẫn còn 274 ha lúa, 567 ha đậu và 594 ha ngô bị ngập úng hoạc đổ gãy. Ngoài ra, vẫn còn 14 xóm và một số tuyến đường liên xã, liên thôn các xã Sơn Phúc, Sơn Mai, Sơn Thủy, Sơn Tiến bị ngập, chia cắt...
Một số khu dân cư, hộ dân ở xã Sơn Thủy (Hương Sơn) đang bị ngập cục bộ. Ảnh: Tiến Dũng
Ngoài công tác đảm bảo an toàn khi nước rút, hạn chế tối đa thiệt hại phát sinh, việc khắc phục, ứng cứu cũng đang được được chính quyền các cấp và người dân ưu tiên thực hiện theo phương châm nước rút đến đâu, khắc phục đến đó.
Hộ nuôi tôm xã Hộ Độ khắc phục hậu quả bão số 3 để ổn định sản xuất... Ảnh: Trọng Tuệ
Nhiều trạm bơm vận hành hết công suất để chống ngập cho cây trồng... Ảnh: Trọng Tuệ
Mưa lớn cũng đã làm ngập nặng 535 ha lúa, 213 ha rau màu các loại trên địa bàn Lộc Hà. Cụ thể: xã Tân Lộc có diện tích lúa bị ngập nặng khoảng 145 ha; Hồng Lộc 120 ha lúa, 8 ha rau màu; Thịnh Lộc 20 ha lúa, 40 ha màu; Bình Lộc 50 ha lúa, 9,2 ha màu; Ích Hậu 45 ha lúa, 4 ha màu; Phù Lưu 105 ha lúa, 19 ha màu… Ngoài thiệt hại về lúa, màu, tại xã Hộ Độ có 5 lồng bè nuôi cá bị hỏng nặng; Ích Hậu có 0,2 ha hồ nuôi thủy sản ngập nước. Sáng nay, lãnh đạo các cấp đang chỉ đạo người dân khẩn trương khắc phục thiệt hại, ổn định sinh hoạt và sản xuất...
Ảnh: Quang - Tấn
Hầu hết số diện tích đậu trồng ở dọc triền sông của huyện Hương Khê đều bị ngập và hư hỏng. Ảnh: Quang - Tấn
Ông Lê Quang Vinh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Khê cho biết: Trong đợt mưa lớn, kéo dài vừa qua, dù không gây ngập lụt nhà cửa, tuy nhiên gây thiệt hại đáng kể đối với cây trồng, nhất là cây đậu. Trong hơn 1.300ha đậu thì có tới gần 350ha đã bị ngập và hư hỏng. Số diện tích này chủ yếu nắm ở các khu vực triền sông thuộc các xã: Hương Thủy, Hương Giang, Hương Đô, Lộc Yên, Hà Linh... Do đã qua lịch thời vụ nên huyện không chỉ đạo bà con gieo trồng lại. Giải pháp duy nhất là sẽ khuyến khích bà con trồng bổ sung ngô sinh khối vào số diện tích đậu bị hư hỏng để làm thức ăn phục vụ chăn nuôi." Ngoài đậu, hơn 150ha ngô và 400ha lúa của Hương Khê cũng bị ngập nước.
Nhiều diện tích ngô cũng bị đổ. Ảnh: Quang - Tấn
Theo ông Nguyễn Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND xã Hương Thủy, qua đánh giá ban đầu, trong 45ha đậu thì có khoảng 18ha là bị ngập nước. Mặc dù đến nay cơ bản nước đã rút, chỉ trừ một số diện tích nằm ở vùng thấp trũng, tuy nhiên do ngâm nước nhiều ngày nên gần như toàn bộ 18 ha đậu sẽ bị chết. Nếu gieo trồng lại thì chắc chắn sẽ không né tránh được mùa mưa lũ".
Báo cáo từ Chi cục Trồng Trọt và Bảo vệ thực vật, Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, đến sáng nay (19/7), do ảnh hưởng của mưa lớn nên trên địa bàn Hà Tĩnh còn ngập úng gần 10.000 ha lúa hè thu, rau màu. Cụ thể: Vũ Quang 127 ha, Đức Thọ 1.733 ha, Lộc Hà 800 ha, TP Hà Tĩnh 383 ha, Hương Sơn 800 ha, Can Lộc 1.554 ha, Hương Khê 400 ha, Thạch Hà 355 ha, Nghi Xuân 170 ha, Hồng Lĩnh 613 ha.
Hiện nay, các địa phương, đơn vị cũng đang tích cực điều tiết cống tiêu thoát lũ, giảm diện tích lúa, hoa màu bị ngập.