Hướng tới kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng bộ Hà Tĩnh

Bảo vệ thành quả cách mạng, tiến hành kháng chiến chống thực dân, đế quốc

(Baohatinh.vn) - Sau Cách mạng tháng Tám, Hà Tĩnh đã khắc phục khó khăn, xây dựng chính quyền cách mạng, LLVT và các đoàn thể quần chúng. Quân và dân Hà Tĩnh đã phát huy tinh thần đoàn kết, tiến hành kháng chiến chống thực dân, đế quốc; giành nhiều thành tích trên các mặt trận.

Cùng cả nước tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ

Sau Cách mạng tháng Tám, trước những khó khăn chồng chất, quân dân Hà Tĩnh dưới sự lãnh đạo của Đảng đã nhanh chóng triển khai và hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ cách mạng mới và phức tạp. Vừa củng cố Đảng bộ, xây dựng chính quyền cách mạng và các đoàn thể quần chúng, vừa tập trung khắc phục nạn đói, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, phát triển phong trào bình dân học vụ và văn hóa giáo dục, xây dựng LLVT, đấu tranh có hiệu quả với mọi âm mưu thủ đoạn của kẻ thù. Chỉ trong vòng 16 tháng, Hà Tĩnh đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, chuẩn bị tiền đề vững chắc bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

b2-8270.jpg
Thị xã Hà Tĩnh thời Pháp thuộc (năm 1934). Ảnh tư liệu.

Sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, Hà Tĩnh đã sớm tổ chức được LLVT và là tỉnh đầu tiên của Liên khu IV nổ súng kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược với trận Na Pê ngày 7/9/1945.

Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, quân dân Hà Tĩnh đã đề cao cảnh giác, chủ động đánh bại các cuộc tập kích, xâm nhập phá hoại của kẻ thù, không cho chúng đứng chân nổi 24 giờ trên địa bàn, tiêu biểu là chiến thắng Nhượng Bạn ngày 4/9/1953. Trong xây dựng hậu phương, thành công nổi bật đầu tiên là tỉnh đã xây dựng được các an toàn khu ở phía Tây tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các xưởng sản xuất vũ khí, các xưởng chế biến hóa chất, dược liệu, xưởng in bạc của Liên khu IV và cả Trung bộ hoạt động, đáp ứng yêu cầu của các chiến trường, đồng thời là nơi đứng chân của các đơn vị chủ lực và cơ quan lãnh đạo kháng chiến của Liên khu IV (vào thời kỳ cao điểm, ở các an toàn khu của Hà Tĩnh có trên 10 vạn cán bộ, công nhân với 12 xưởng sản xuất vũ khí lớn cùng hàng chục xưởng sản xuất vũ khí vừa và nhỏ...).

111-8770.jpg
Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh để nghe Tổng Quân ủy báo cáo và duyệt lần cuối kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953-1954, đồng thời quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ với quyết tâm tiêu diệt bằng được tập đoàn cứ điểm này. (Ảnh: Tư liệu TTXVN).

Trong xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, Nhân dân Hà Tĩnh đã giành được nhiều thành tích nổi bật. Tháng 2/1949, Hà Tĩnh được Bộ Quốc gia Giáo dục công nhận là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành thanh toán nạn mù chữ trên phạm vi toàn tỉnh, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì, nhiều lần được Bác Hồ gửi thư khen.

Trong nhiệm vụ chi viện cho tiền tuyến 9 năm kháng chiến chống Pháp, Hà Tĩnh có 43.780 thanh niên gia nhập quân đội, 32.600 người đi dân công hỏa tuyến, toàn tỉnh đóng góp 27.388.200 ngày công phục vụ kháng chiến, cung cấp cho mặt trận 161.830 tấn lương thực, thực phẩm. Con em Hà Tĩnh luôn phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, chiến đấu kiên cường dũng cảm, tiêu biểu là tấm gương Anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Quân dân Hà Tĩnh đã đóng góp to lớn cùng cả nước đánh bại thực dân Pháp xâm lược và làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả đối với 2 nước bạn Lào và Campuchia.

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, trong hơn 10 năm hòa bình (1955-1965), quân dân Hà Tĩnh đã đoàn kết nhất trí, nêu cao ý chí tự lực, tự cường hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ cách mạng: phát động quần chúng giảm tô và cải cách ruộng đất nhằm xóa bỏ ách bóc lột của giai cấp địa chủ phong kiến, đưa ruộng đất về tay nông dân; chống âm mưu và hành động phá hoại của địch; khắc phục hậu quả chiến tranh và thiên tai, khôi phục và phát triển kinh tế - văn hóa. Thực hiện thắng lợi công cuộc cải tạo XHCN, bước đầu xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của CNXH trên quê hương. Mặc dù trong quá trình thực hiện, Hà Tĩnh đã vấp phải những sai lầm, khuyết điểm lớn (trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức) nhưng cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đã kịp thời khắc phục sửa chữa, nhanh chóng ổn định tình hình, tiếp tục đưa sự nghiệp cách mạng tỉnh nhà tiến lên.

70d3082632t2301l1-plugin-ckeditor-uplo.jpg
Trận địa dưới chân núi Nài. Ảnh tư liệu

Trong 10 năm tiến hành cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại, xây dựng hậu phương, chi viện cho tiền tuyến kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1965-1975), tỉnh Hà Tĩnh là "hậu phương của tiền tuyến miền Nam, tiền tuyến của hậu phương miền Bắc" (Hồ Chí Minh). Quân dân tỉnh nhà phải đương đầu với những thử thách ác liệt, chịu đựng những tổn thất hy sinh to lớn chưa từng thấy trong lịch sử. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, quân và dân Hà Tĩnh đã nêu cao ý chí tự lực tự cường, vươn lên mạnh mẽ với tinh thần "xe chưa qua, nhà không tiếc", "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", "tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng". Toàn tỉnh đã nở rộ phong trào "Thanh niên ba sẵn sàng", "Phụ nữ ba đảm đang", sản xuất giỏi, chiến đấu và phục vụ chiến đấu giỏi. Trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, quân và dân Hà Tĩnh đã bắn rơi 267 máy bay, bắn chìm và bắn cháy 34 tàu chiến, tàu biệt kích của địch, đập tan nhiều âm mưu phá hoại của kẻ thù.

Từ năm 1965-1975, toàn tỉnh có 92.913 thanh niên nhập ngũ (chiếm 10% dân số toàn tỉnh lúc đó), 334.128 lượt người đi dân công hỏa tuyến, 10.636 thanh niên xung phong... Để giành lại độc lập, thống nhất cho Tổ quốc, 13.024 người con của Hà Tĩnh đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường. Rất nhiều gia đình có con độc nhất, hoặc 2 con, 3 con, 4 con là liệt sĩ. Nhiều tập thể và cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT.

Hiện nay, toàn tỉnh có 1.985 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 37.301 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; 10.017 bệnh binh; 26.245 liệt sĩ. Tất cả các huyện, thị, thành phố đều được phong tặng là đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân. Hàng chục vạn cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ và Nhân dân được Đảng, Nhà nước tặng thưởng các loại huân, huy chương cao quý.

Đẩy mạnh công cuộc xây dựng CNXH, bước đầu thực hiện sự nghiệp đổi mới

Thực hiện Nghị quyết kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa V (ngày 27/12/1975) về việc hợp nhất một số tỉnh, từ năm 1976, tỉnh Hà Tĩnh hợp nhất với Nghệ An thành tỉnh Nghệ Tĩnh. Trải qua 2 kế hoạch đi lên CNXH (từ 1976-1985), tình hình KT-XH vùng Hà Tĩnh có nhiều chuyển biến đáng kể. Diện tích, sản lượng các sản phẩm nông nghiệp đều có sự tăng trưởng hơn so với trước. Kinh tế lâm nghiệp, thủy sản đều có bước phát triển tiến bộ. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng được khôi phục và có sự phát triển về một số mặt hàng như vật liệu xây dựng, mộc, may mặc... Cơ sở vật chất, kỹ thuật trong các ngành kinh tế, nhất là trong nông nghiệp được đầu tư xây dựng, nâng cấp, đặc biệt là công trình đại thủy nông Kẻ Gỗ được xây dựng và phát huy tác dụng tốt. Hoạt động văn hóa, giáo dục, TDTT… có nhiều chuyển biến cả về bề rộng lẫn chiều sâu; tình hình chính trị - xã hội ổn định.

duong-phan-dinh-phung-xua-7710-3266.jpg
Đường Phan Đình Phùng xưa. Ảnh tư liệu Sỹ Ngọ

Tuy nhiên, do những yếu kém, khó khăn về cả khách quan và chủ quan cũng như tình hình chung của cả nước, vùng Hà Tĩnh vẫn còn nhiều hạn chế, khuyết điểm. Đời sống của các tầng lớp Nhân dân, cán bộ, công nhân viên gặp nhiều khó khăn.

Dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, trong 5 năm 1986-1991, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, công cuộc đổi mới ở vùng Hà Tĩnh đã giành được những thành tựu bước đầu rất có ý nghĩa.

Việc chuyển đổi cơ cấu quản lý kinh tế trong nông, lâm, ngư nghiệp đã phát huy tác dụng, mang lại hiệu quả rõ rệt. Năng suất, sản lượng đều tăng. So với năm 1975, bình quân lương thực hàng năm thời kỳ 1986-1989 tăng 17,4%, năng suất lúa đạt 17,83 tạ/ha (năm 1975 là 15,9 tạ/ha). Sản xuất cây công nghiệp và nông sản hàng hóa đều phát triển, nhất là lạc, mía, chè. Thủy hải sản có chuyển biến cả về quy mô sản xuất, hình thức tổ chức, hiệu quả kinh tế, nhất là tổ chức lại sản xuất và nuôi trồng thủy sản. Một số mặt hàng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có sự tăng trưởng nhanh hơn thời kỳ trước, giá trị sản lượng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong 5 năm 1986-1991 tăng bình quân hàng năm 17,76%. Cơ sở hạ tầng như giao thông, điện, trường học... được đầu tư xây dựng.

Cơ sở vật chất trong các lĩnh vực văn hóa - xã hội nhìn chung có tăng lên. Quy mô giáo dục phát triển nhanh hơn trước. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thông tin, thể thao có nhiều khởi sắc; tổ chức được nhiều hoạt động có ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm lần thứ 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Mặc dù tình hình thế giới và trong nước cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 diễn biến phức tạp, song tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, góp phần tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển KT-XH.

Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Chủ đề 95 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG

Đọc thêm

Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh

Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh

Đảng Cộng sản Việt Nam không ngừng tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đảng ta không ngừng đưa ra những quyết sách phù hợp, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.
Sự ra đời và ý nghĩa lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam

Sự ra đời và ý nghĩa lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, kết thúc tình trạng phân tán trong phong trào cách mạng, mở ra một bước ngoặt lớn cho sự nghiệp giành độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đảng trở thành lực lượng lãnh đạo duy nhất, thống nhất toàn dân tộc trong cuộc đấu tranh vì tự do, hạnh phúc.