Buổi trưa hôm ấy (11/11/2023), chị Nguyễn Thị N. cùng một số người ra cánh đồng Bịp ở thôn Thanh Lương, xã Phù Lưu (Lộc Hà) để bắt ốc. Khi những người trong nhóm về nhà, chị N. tiến lại gần một hố công trình đang xây dựng để rửa nhưng không may bị sẩy chân đuối nước. Chị ra đi để lại 3 đứa con thơ dại (đứa nhỏ nhất mới hơn 2 tuổi) cùng người chồng bệnh tật, lúc nhớ, lúc quên.
Hố công trình nơi chị N. sảy chân dẫn dến tử vong. Ảnh Tiến Dũng.
Cảm thương cho số phận hẩm hiu của chị N. cùng hoàn cảnh tội nghiệp của 4 bố con, nhiều người không khỏi xót xa. Biết rằng cuộc đời không có chỗ cho hai chữ “giá như” nhưng những giả thiết xung quanh vụ tai nạn của chị N. cũng khiến nhiều người suy ngẫm. Giá như có một chiếc biển cảnh báo đơn giản chỉ với 4 chữ “hố sâu nguy hiểm” hoặc chỉ cần một tín hiệu nào đó để mọi người biết đây là một cái “bẫy” thì chắc rằng chị N. sẽ không có một kết cục đau thương, 3 đứa trẻ cũng bớt bơ vơ, người chồng bệnh tật có bạn đồng hành cùng vượt qua gian khó để hướng đến một tương lai tươi sáng hơn...
Cũng ở miền biển Lộc Hà, vài năm trước, một vụ tai nạn thương tâm đã cướp đi sinh mạng cháu bé 4 tuổi. Trong mùa thu hoạch lạc năm đó, cháu cùng mẹ ra đồng, do mải chơi nên sảy chân rơi xuống hố ga không có nắp đậy ở một dự án giao thông đang triển khai.
Xót xa, tiếc nuối cùng sự trách móc, thậm chí phẫn nộ là những luồng dư luận sau mỗi vụ tai nạn thương tâm đến từ sự tắc trách, vô trách nhiệm, vô ý thức của không ít tập thể, cá nhân phụ trách thi công, quản lý công trình...
An toàn lao động, an toàn trong quá trình thi công là một trong những mục tiêu căn cốt của mỗi công trình, dự án. Điều này được cụ thể hóa bằng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Nghị định 06/2021/NĐ-CP ngày 26/1/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng nêu rõ trách nhiệm của nhà đầu tư, nhà thầu về việc đảm bảo an toàn trong quá trình thi công.
Đặc biệt, Điều 129 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 nêu rõ, nếu trong quá trình thi công, đơn vị thi công không thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn thi công công trình là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến chết người thì cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm chính có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp. Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Đồng thời, người này còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. Ngoài ra, cá nhân, tổ chức liên quan sẽ phải liên đới trách nhiệm bồi thường theo quy định tại Điều 591 Bộ luật Dân sự năm 2015 về bồi thường do tính mạng bị xâm phạm.
Hố ga của một dự án giao thông đã cướp đi sinh mạng cháu bé 4 tuổi ở Lộc Hà cách đây vài năm trước.
Quy định là vậy, nhiều bài học nhãn tiền đã có nhưng hậu quả đau lòng từ sự tắc trách trong thi công công trình, dự án vẫn xảy ra. Điều đó cho thấy, cơ quan chức năng chưa có biện pháp xử lý triệt để trong khi nhà thầu, chủ đầu tư, đơn vị quản lý vẫn còn thờ ơ...
Để khắc phục tình trạng này, trước hết, chủ đầu tư các dự án thi công phải tăng cường chỉ đạo, giám sát nhà thầu trong việc thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn trong thi công. Về phía nhà thầu, cần chấn chỉnh, làm rõ trách nhiệm những cá nhân liên quan để có biện pháp khắc phục, đặc biệt là không tái diễn cảnh “sống chết mặc bay”. Chính quyền địa phương cần chú trọng tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc đề phòng tai nạn ở các công trường...
Về phía người dân, cần tự nâng cao nhận thức, ý thức trong việc tiếp cận các công trường xây dựng, khu vực đang thi công để tránh những sự cố, tai nạn không đáng có.
Phía sau mỗi chiếc “bẫy công trường” rất có thể là một số phận đáng thương, một gia đình khuyết thiếu cho dù có hỗ trợ, bù đắp thế nào đi chăng nữa vẫn không thể vơi bớt nỗi đau...