1. Cách lây lan vi khuẩn ho gà
Thời kỳ ủ bệnh ho gà thông thường từ 7 đến 20 ngày, căn bệnh này lây truyền mạnh nhất trong thời kỳ đầu viêm long, sau đó tính lây truyền giảm dần và sẽ mất đi sau 3 tuần mắc bệnh, mặc dù lúc này cơn ho vẫn còn dai dẳng. Nếu được điều trị kháng sinh có hiệu lực thì thời gian lây truyền được rút ngắn và thông thường khoảng 5 ngày. Sau khoảng 1 - 2 tuần, triệu chứng bệnh ho gà ở trẻ em sẽ bắt đầu nặng hơn. Đặc biệt ở trẻ sơ sinh, ho gà có thể gây khó thở và dẫn đến tử vong.

Bệnh ho gà lây truyền do tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp có các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng bệnh nhân khi ho, hắt hơi. Tính lây truyền rất cao ngay sau khi bị phơi nhiễm với giọt nước miếng của bệnh nhân, nhất là đối với những người sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín lâu dài như hộ gia đình, trường học.
Mọi người đều có cảm nhiễm với bệnh và sau khi mắc bệnh thường được miễn dịch lâu dài, đôi khi có thể bị mắc bệnh lần thứ hai (có thể là do B. parapertussis). Bệnh ho gà vẫn là một bệnh chủ yếu của thế hệ trẻ và tỷ lệ mắc bệnh cao nhất hiện nay là ở trẻ dưới 5 tuổi.
2. Đặc điểm bệnh ho gà
Ho gà có thể gây bệnh nghiêm trọng cho tất cả các đối tượng bao gồm: Trẻ sơ sinh, trẻ em và người lớn. Bệnh ho gà tiến triển qua các giai đoạn sau:
- Thời kỳ ủ bệnh kéo dài từ 7-20 ngày (trung bình 9-10 ngày).
- Giai đoạn tiền triệu: Kéo dài khoảng 1-2 tuần, thường bắt đầu bằng triệu chứng giống như cảm lạnh thông thường như hắt hơi, ho nhẹ, sốt nhẹ dưới 39 độ, tiêu chảy, chảy nước mũi. Sau khoảng 1-2 tuần cơn ho sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn.
- Giai đoạn khởi phát: Kéo dài khoảng 1-6 tuần, trường hợp đặc biệt có thể trên 10 tuần. Cơn ho gà điển hình xuất hiện đột ngột, bất kỳ thời điểm nào nhưng thường nặng lên về đêm.
- Giai đoạn toàn phát: Đây là giai đoạn có những triệu chứng lâm sàng đặc trưng của bệnh ho gà.
- Ho: Ho rũ rượi, thành cơn, mỗi cơn từ 15-20 tiếng ho liên tiếp, càng về sau càng yếu và giảm dần. Vi khuẩn gây bệnh ho gà làm trẻ khó thở, hơi thở yếu dần có lúc như ngừng thở, mặt tím tái, mắt đỏ, tĩnh mạch cổ nổi rõ, chảy nước mắt nước mũi.
- Thở rít vào: Xuất hiện cuối cơn ho gà hoặc xen kẽ sau mỗi tiếng ho, trẻ thở rít vào nghe như tiếng gà rít.
- Khạc đờm: Khi mắc vi khuẩn ho gà đờm có tính chất trắng, màu trong, dính như lòng trắng trứng là lúc kết thúc một cơn ho. Xét nghiệm đờm thấy xuất hiện vi khuẩn gây bệnh ho gà.
- Tần suất cơn ho: Xuất hiện với tần suất khoảng 15 cơn/ngày, sau đó giảm dần. Bệnh có thể kéo dài hơn 3 tuần nếu không được điều trị. Trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi có thể không có tiếng rít trong cơn ho.
- Sau mỗi cơn ho gà trẻ mệt mỏi có thể kèm theo nôn, vã mồ hôi, mạch nhanh, thở nhanh. Bên cạnh đó, vi khuẩn ho gà có thể xuất hiện một số triệu chứng sau: Sốt nhẹ, mặt và mí mắt nặng, loét hãm lưỡi, nghe phổi trong cơn ho có thể thấy một số ran phế quản (ran rít, ngáy).
- Giai đoạn hồi phục: kéo dài 2-3 tuần, cơn ho ít dần, giảm sốt. Tuy nhiên, nhiều tháng sau đó, cơn ho có thể tái diễn gây ra bệnh viêm phổi.
3. Làm cách nào để phòng ngừa bệnh ho gà?
Cách tốt nhất để phòng ngừa ho gà là bằng vắc-xin ho gà. Trong thực tế, các bác sĩ thường đưa ra sự kết hợp của vắc-xin ho gà với các vắc-xin chống lại hai bệnh nghiêm trọng khác như bạch hầu và uốn ván nhằm giảm thiểu số lượng mũi tiêm.
Đối tượng cần khuyến cáo nên tiêm phòng ho gà là cho tất cả trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, người già và thiếu niên và phụ nữ mang thai. Người lớn chưa bao giờ tiêm cũng nên chủng ngừa bệnh ho gà.
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, các đối tượng này thường cần 3 mũi vắc-xin để tăng cường bảo vệ chống lại bộ ba bệnh bạch hầu, uốn ván và ho gà. Sau đó, trẻ nhỏ cần 2 mũi tiêm nhắc lại để duy trì sự bảo vệ đó trong suốt thời thơ ấu. Như vậy, các mũi tiêm được khuyến nghị thực hiện theo lịch tiêm phòng ho gà ở các độ tuổi sau:
- 2 tháng
- 4 tháng
- 6 tháng
- 15 đến 18 tháng
- 4 đến 6 năm
Tóm lại, ho gà là một bệnh lý truyền nhiễm rất dễ lây lan và thực hiện qua con đường tiếp xúc trên hệ hô hấp. Nếu không được điều trị đúng cách, ho gà sẽ ra những gây đe dọa trên đường thở, nguy kịch tính mạng ở trẻ nhỏ. Vì vắc-xin đã chứng minh được tính hiệu quả trong việc dự phòng bệnh lý này, cha mẹ cần chú ý tiêm phòng đầy đủ cho trẻ nhỏ, đảm bảo sự phát triển tốt nhất cho con.
Nếu nhận thấy các vấn đề bất thường của trẻ bố mẹ nên đưa bé đến thăm khám và tư vấn với các bác sĩ chuyên khoa.
Ở trẻ vị thành niên và người trưởng thành, triệu chứng của bệnh thường nhẹ. Vi khuẩn gây bệnh ho gà làm triệu chứng ho kéo dài trên 7 ngày. Với trẻ đã từng tiêm vắc-xin ho gà nhưng vẫn mắc bệnh, tuy nhiên ở những bệnh nhân này bệnh thường nhẹ, nhanh khỏi.