Nhiều nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm

(Baohatinh.vn) - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh khuyến cáo: thời tiết diễn biến thất thường nên nguy cơ bùng phát một số dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm là rất lớn.

Thời gian qua, ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, một số dịch bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp, nhất là bệnh sởi, sốt xuất huyết, ho gà, tay chân miệng, cúm mùa… Đặc biệt, so cùng kỳ năm 2023, số ca mắc sởi tăng hơn 8 lần, số mắc ho gà tăng hơn 25 lần.

Tại Hà Tĩnh, mặc dù ngành y tế đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tuy nhiên, một số người dân vẫn còn chủ quan, lơ là, do đó nguy cơ bùng phát dịch là rất lớn.

truyen nhiem sxh 2A.jpg
Ổ dịch sốt xuất huyết tại xã Kỳ Lợi (TX Kỳ Anh) ghi nhận 35 ca mắc.

Xã Kỳ Lợi (TX Kỳ Anh) là địa bàn đầu tiên trong toàn tỉnh xuất hiện ổ dịch sốt xuất huyết với 35 trường hợp mắc. Mặc dù đến nay ổ dịch đã được khống chế thành công, không có ca mắc mới nhưng nguy cơ dịch bệnh xuất hiện trở lại vẫn rất cao.

Bác sỹ Nguyễn Tiến Sơn - Trưởng Trạm Y tế xã Kỳ Lợi cho biết: “Ngay sau khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên tại thôn 2 Hải Phong, ngành y tế phối hợp với chính quyền địa phương khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Tuy nhiên, với mật độ dân cư dày, ý thức của một số hộ dân về công tác vệ sinh môi trường còn chưa tốt, các phế thải, dụng cụ chứa nước trong các hộ dân vẫn còn nhiều nên nguy cơ bùng phát dịch trở lại là rất lớn. Vấn đề quan trọng nhất bây giờ là mỗi người dân cần nâng cao ý thức, thực hiện tốt vệ sinh tại gia đình, làng xóm”.

truyen nhiem sxh 1A.jpg
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết.

Ngoài việc chưa có ý thức vệ sinh môi trường thìmột số người mắc bệnh vẫn có tâm lý chủ quan, không đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị mà tự ý mua thuốc về uống, đến khi bệnh không khỏi, có dấu hiệu nặng hơn mới đến gặp bác sỹ. Điều này làm cho công tác điều trị gặp khó khăn, đồng thời cũng làm tăng nguy cơ bùng phát dịch.

Bác sỹ Nguyễn Thị Duyên - Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa TX Kỳ Anh) cho biết: “Từ cuối tháng 7 đến nay, có hơn 30 bệnh nhân sốt xuất huyết vào khoa điều trị. Qua điều tra cho thấy, một số người khi mới xuất hiện bệnh đã không đi khám mà tự ý mua thuốc sử dụng, không đỡ mới vào viện để thăm khám. Hầu hết những trường hợp này thường bị mất nước, hạ kali máu, tiểu cầu giảm mạnh, sốt, nôn, đi ngoài phân lỏng, đau bụng... Việc điều trị đối với những bệnh nhân này khó khăn hơn, thời gian điều trị lâu hơn”.

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh, từ đầu năm đến nay, trên toàn tỉnh có 54 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 41 ca nội tại, 13 ca xâm nhập. Toàn tỉnh có 71 trường hợp mắc sởi, 32 trường hợp mắc ho gà; nguyên nhân là do nhiều trẻ chưa tiêm vắc-xin ngừa bệnh sởi, ho gà nên cơ thể không có kháng thể, hệ miễn dịch yếu, khi vi-rút xâm nhập, trẻ dễ mắc bệnh, thậm chí bệnh nặng. Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 199 trường hợp thủy đậu, 1.029 trường hợp tiêu chảy, 19 trường hợp tay chân miệng, gần 10.000 ca mắc cúm mùa...

Theo các chuyên gia y tế, tiêm vắc-xin là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh cho trẻ, vì thế các trẻ trong độ tuổi tiêm chủng cần được bố mẹ, người chăm nuôi đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch và tiêm nhắc lại các mũi theo khuyến cáo của cán bộ y tế.

truy nhiem sxh 3A.jpg
Tiêm vắc-xin là giải pháp hữu hiệu để phòng, chống một số loại bệnh truyền nhiễm.

Thạc sỹ Nguyễn Chí Thanh - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh nhấn mạnh: “Tại Hà Tĩnh, thời điểm này là giao mùa thời tiết mưa nắng thất thường, thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi-rút sinh sôi và phát triển, một số dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: sốt xuất huyết, cúm mùa, sởi, ho gà… có thể gia tăng.

Bên cạnh đó, giai đoạn này chuẩn bị bước vào năm học mới, nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm tăng cao (học sinh tập trung đông, nên nếu 1 ca mắc thì nguy cơ lây lan sẽ lớn), nhất là với một số bệnh truyền nhiễm như sởi, ho gà, tay chân miệng và một số bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Vì thế, để hạn chế dịch lây lan trong cộng đồng, ngoài sự nỗ lực của ngành y tế, rất cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là sự chung tay của cộng đồng. Đặc biệt, các cơ sở giáo dục đào tạo cần chuẩn bị các điều kiện tốt nhất đảm bảo sức khỏe cho trẻ em, học sinh, sinh viên khi bước vào năm học mới. Bảo đảm vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng lớp học và đủ ánh sáng tại các cơ sở giáo dục, trường học, nhà trẻ, mẫu giáo để phòng bệnh”.

Hiện nay, trước diễn biến của dịch đậu mùa khỉ tại một số quốc gia và nguy cơ lây lan sang các quốc gia khác, dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế, ngành y tế Hà Tĩnh đã chủ động các biện pháp phòng chống dịch, nhất là tại Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chỉ đạo cán bộ y tế thường trực 24/24h, giám sát chặt chẽ người qua lại tại cửa khẩu, kịp thời phát hiện các trường hợp nghi ngờ để khoanh vùng, cách ly xử lý triệt để.

Ngành y tế Hà Tĩnh khuyến cáo: người dân cần phải tự giác tuân thủ các khuyến cáo phòng, chống dịch của cơ quan chuyên môn, thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh, thu gom và lật úp các phế thải chứa nước, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch, phát hiện kịp thời những trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh để thông báo cho cơ sở y tế để phối hợp xử lý, thực hiện tiêm phòng vắc-xin cho trẻ đầy đủ, đúng lịch. Đồng thời, mỗi người dân phải là một tuyên truyền viên tích cực trong công tác phòng, chống dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế, tăng quyền lợi cho người bệnh

Mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế, tăng quyền lợi cho người bệnh

Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các nước trên thế giới có danh mục thuốc tương đối đầy đủ, toàn diện và mở rộng so với mức phí đóng bảo hiểm y tế (BHYT). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, danh mục thuốc đó còn nhiều bất cập, hạn chế, cho nên Bộ Y tế đang xây dựng quy định mới nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để mở rộng phạm vi ảnh hưởng của người tham gia BHYT.
“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

Thời gian qua, với nhiều hoạt động tích cực trong tuyên truyền KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, Hội KHHGĐ Hà Tĩnh được coi là cánh tay nối dài của các cơ quan triển khai thực hiện chính sách dân số.
Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã tồn tại 3 logo. Do chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển cần sáng tác logo mới thay thế logo về dân số và kế hoạch hóa gia đình.
 Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Trước hiện tượng 25 trẻ trong một xã ở Hà Tĩnh mắc sốt phát ban nghi sởi; trong đó, 10 bệnh nhân dương tính với vi rút sởi; các cơ quan chức năng đã vào cuộc không để bệnh lây lan.