Bà con phường Hà Huy Tập (TP Hà Tĩnh) tìm hiểu về các chính sách BHYT hộ gia đình.
Ông Nguyễn Minh Hải - Phó Trưởng phòng Quản lý Thu - Sổ, Thẻ (BHXH tỉnh Hà Tĩnh) thông tin: “Đầu năm 2023, toàn tỉnh có hơn 37 nghìn người hết hạn thẻ BHYT do thôi hưởng chính sách hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, đó là hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình có mức sống trung bình. Điều này đã tác động là giảm tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân và khó khăn cho người dân khi đi khám chữa bệnh không có thẻ BHYT.
Tranh thủ thời gian giải lao tại hội nghị tuyên truyền, đối thoại với Nhân dân về các chính sách BHXH ở xã Vượng Lộc (Can Lộc), viên chức BHXH tỉnh đã giải đáp những thắc mắc, băn khoăn của người dân.
Với những nỗ lực của các đơn vị trong vận động tái tục, đến hết tháng 6/2023, vẫn còn hơn 4 nghìn người chưa tham gia BHYT trở lại. Mặc dù tổng quan, tỷ lệ bao phủ BHYT đến thời điểm này có tăng lên so với cuối năm 2022 (92,8% so với 92,6%) và sắp đạt được mục tiêu của năm 2023 (hơn 93%) nhưng đây lại là thời điểm mức đóng BHYT tăng theo mức lương cơ sở mới nên sẽ gặp nhiều khó khăn trong tuyên truyền vận động”.
Ngày 10/6, khi nhân viên đại lý đến tuyên truyền về các quyền lợi được hưởng, bà Nguyễn Thị Hồng đã đăng ký tham gia BHYT trở lại.
Thực tế thời gian qua cho thấy, có nhiều người dân đã phải chịu ảnh hưởng về kinh tế gia đình khi không tái tục tham gia BHYT. Bà Nguyễn Thị Hồng (thôn 11, xã Hà Linh, huyện Hương Khê) chia sẻ: “Đầu năm 2023, gia đình tôi không còn là hộ cận nghèo nữa nên nếu tham gia BHYT, tôi chỉ được hỗ trợ 50% mức đóng. So với sự hỗ trợ 95% mức đóng đối với hộ cận nghèo, gia đình tôi phải bỏ ra hơn 400 nghìn đồng/năm. Kinh tế còn khó khăn nên tôi chưa tham gia BHYT trở lại. Mới đây, tôi bị xương khớp và thần kinh toạ phải nhập viện, do không có thẻ BHYT nên chi phí nằm viện khá lớn. Tôi rất hối hận nên khi nhân viên đại lý đến tuyên truyền về các quyền lợi được hưởng, tôi đã đăng ký tham gia BHYT trở lại vào ngày 10/6”.
Thời gian qua, BHXH tỉnh đã thực hiện tốt việc phối hợp với ngành Y tế tỉnh nâng cao chất lượng KCB, phục vụ... đảm bảo quyền lợi cho người dân trong khám chữa bệnh BHYT. Trong ảnh: Viên chức BHXH thị xã Hồng Lĩnh kiểm tra hồ sơ bệnh nhân tại BVĐK TX Hồng Lĩnh.
Theo thống kê của BHXH Hà Tĩnh, hiện nay, lượng người chưa tái tục tham gia BHYT tập trung ở ở các huyện Kỳ Anh, Hương Khê, Đức Thọ và TX Kỳ Anh… Xác định được sự sụt giảm tỷ lệ người tham gia BHYT sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện các chế độ an sinh xã hội, thời gian qua, các địa phương đã “căng mình” triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm phát triển, tăng tỷ lệ bao phủ BHYT.
Đó là, tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT hộ gia đình đến người dân thông qua nhiều hình thức. Không chỉ các huyện sụt giảm sâu, các huyện có kết quả tốt cũng đang tập trung rà soát, khoanh vùng từng nhóm đối tượng cụ thể và có cách thức tuyên truyền phù hợp nhằm phát triển mới và giữ chân nhóm tái tục. Trong đó, giải pháp được nhiều đơn vị ứng dụng trong thời điểm này là “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, nỗ lực vận động và tổ chức thu hằng tuần tại hội quán thôn/tổ dân phố.
Các huyện cũng đang nỗ lực tập trung xây dựng hệ thống nhân viên thu có năng lực, trình độ, thông thạo về chính sách BHYT, năng nổ hoạt động; tích cực phối hợp với BHXH tỉnh để tiếp nhận, xử lý và giải đáp các vấn đề của người dân khi tham gia…
"Đi từng ngõ, gõ từng nhà" đang là giải pháp tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT được các đơn vị BHXH trên toàn tỉnh lựa chọn. Trong ảnh: Viên chức BHXH huyện Hương Sơn tăng cường vận động tại các xã.
Ông Trần Cẩm Thạch - Giám đốc BHXH huyện Hương Khê chia sẻ: “Hương Khê có địa bàn rộng với 21 xã/thị trấn, đời sống Nhân dân nhiều nơi còn khó khăn nên việc tuyên truyền còn vất vả. Thời gian qua, bên cạnh tuyên truyền, vận động tăng mới, chúng tôi cũng tích cực vận động nhóm tái tục, đến nay tỷ lệ bao phủ đạt 93,7%. Tuy nhiên, hiện còn 1.299 người chưa tái tục tham gia BHYT. Để khắc phục khó khăn này, chúng tôi đã tiến hành “chiến dịch tăng cường”, mỗi tuần sẽ cử các viên chức, người lao động đến 4 - 5 xã để hỗ trợ các nhân viên thu tuyên truyền, vận động bà con. Mục tiêu, hết tháng 7 sẽ hỗ trợ toàn bộ 21 xã/thị trấn, khai thác hết dư địa để muộn nhất là trong tháng 9 sẽ hoàn thành chỉ tiêu về tỷ lệ bao phủ BHYT mà HĐND huyện giao (95%)”.
Hiện nay, do điều kiện kinh tế khó khăn cộng với tâm lý chủ quan về sức khỏe, nhiều người còn ngần ngại khi quyết định tái tục tham gia BHYT khi không còn được hỗ trợ từ các chính sách như trước. Bằng nỗ lực tuyên truyền, vận động của ngành BHXH cũng như chính quyền địa phương, nhiều người dân đã nâng cao nhận thức, tiếp tục tham gia BHYT.
Viên chức BHXH huyện Thạch Hà trao thẻ BHYT cho bà Trần Thị Thuận thôn Nguyên, xã Thạch Liên (Thạch Hà).
Bà Trần Thị Thuận (63 tuổi, ở thôn Nguyên, xã Thạch Liên, huyện Thạch Hà) cho biết: “Tôi luôn coi thẻ BHYT là “cứu tinh” của tài chính gia đình, nhất là khi tuổi tác ngày càng cao, sức khỏe không còn đảm bảo. Chính vì thế, suốt cả quá trình từ hộ nghèo đến cận nghèo, hộ trung bình và đầu năm 2023 trở thành hộ bình thường, tôi vẫn thu xếp để tham gia BHYT cho cả gia đình. Tôi cũng hiểu rằng, bằng việc tham gia BHYT, tôi và các thành viên trong gia đình đang góp phần tạo nguồn tài chính cho hoạt động chăm sóc sức khỏe toàn dân”.
Để khuyến khích người dân tham gia BHYT, thời gian tới, BHXH Hà Tĩnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm thay đổi nhận thức của các chủ thể liên quan và người dân về chính sách BHYT, từ đó, chuyển trạng thái từ bị động sang chủ động tham gia BHYT; phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức thực hiện tốt chính sách BHYT trên từng địa bàn, tổ dân phố; mở rộng mạng lưới nhân viên thu, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân được hỗ trợ, tư vấn, tham gia BHYT; tăng cường tuyên truyền và hướng dẫn người dân ứng dụng CNTT trong đóng BHYT và các giao dịch khám chữa bệnh; phối hợp với ngành y tế nâng cao chất lượng KCB, phục vụ... đảm bảo quyền lợi cho người dân trong khám chữa bệnh BHYT.