Biển Ðông 2017 bớt sóng gió?

Trao đổi trực tiếp với phóng viên Tiền Phong cuối năm 2016 ở Việt Nam, nhiều chuyên gia, học giả nước ngoài cho rằng, do các nhân tố mới như tân chính quyền Mỹ của ông Donald Trump, động thái khó đoán của “Donald Trump Philippines”… nên tình hình biển Ðông năm 2017 rất phức tạp, nhưng không thiếu giải pháp để “sóng yên biển lặng”.

Nói vậy mà không phải vậy

Giáo sư Jean-Marie Crouzatier, Ðại học Toulouse 1 Capitole (Pháp), nói rằng, nhiều người ở nhiều nước lo ngại tình hình biển Ðông sẽ diễn biến theo chiều hướng có lợi cho Trung Quốc, bất lợi cho nhiều láng giềng của nước này vì ông Donald Trump tỏ ra ít quan tâm châu Á-Thái Bình Dương, ít quan tâm, chiến lược xoay trục, nên sẽ giảm sự hiện diện của Mỹ trong khu vực… Tuy nhiên, cần xem xét kỹ nội dung, bối cảnh phát biểu; ngoài ra, thường có sự khác biệt giữa khẩu hiệu đao to búa lớn, bài phát biểu hùng hồn để thu hút cử tri bỏ phiếu cho mình với những hành động thực tế sau này vì lợi ích quốc gia, ông Crouzatier nói.

bien dong 2017 bot song gio

Giáo sư Jean-Marie Crouzatier.

“Trong nhiều bài phát biểu tranh cử, ứng viên Donald Trump tuyên bố sẽ giảm can thiệp quân sự. Ông ấy nói sẽ bớt can dự quân sự ở Trung Ðông thôi, còn với các vùng khác, như châu Á-Thái Bình Dương, ông ấy không đề cập trực tiếp”, giáo sư Crouzatier cho biết. Trong khi đó, như ông Barack Obama đã nói, trong thế kỷ 21, trung tâm thế giới là ở châu Á, tức là châu Á rất quan trọng. “Ông Trump nói là một chuyện. Xung quanh ông Trump có rất nhiều người hiểu vấn đề. Nên chính quyền mới sẽ không bớt quan tâm châu Á, nếu không muốn nói là tăng cường”, giáo sư Crouzatier nhận định. Ngoài ra, ông Trump gần đây có thái độ không mấy thân thiện với Trung Quốc, như chỉ trích Bắc Kinh xây dựng tiền đồn khổng lồ ở biển Ðông, “đánh cắp” tàu lặn không người lái của Mỹ….

Biến số Philippines

Nhiều chuyên gia, học giả đều cho rằng, dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte, Philippines muốn đẩy mạnh quan hệ với Trung Quốc, thậm chí sẽ có những nhượng bộ nhất định về vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên biển Ðông. Ðặc biệt là trong năm 2017, khi Philippines làm chủ tịch luân phiên ASEAN, để đổi lấy các quyền lợi kinh tế. Theo giáo sư Carlyle Thayer, Học viện Quốc phòng Úc, Philippines sẽ tăng cường tham vấn song phương hữu nghị với Trung Quốc; ban đầu, trọng tâm thảo luận là các bước duy trì hiện trạng, rồi cùng khai thác bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham như nội dung phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế (đưa ra ngày 12/7/2016). Cuối tháng 10/2016, ngư dân Philippines ra vào đánh bắt ở bãi cạn này mà không bị cảnh sát biển Trung Quốc sách nhiễu.

bien dong 2017 bot song gio

Hải quân Trung Quốc tập trận bắn đạn thật trên biển Ðông. Ảnh: PLA Daily.

Ông Gregory Poling, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (trụ sở tại Mỹ), nói rằng, Tổng thống Duterte không từ bỏ, nhưng cũng không thúc ép Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài, đồng thời bày tỏ quan điểm xa cách với Mỹ. Ông Duterte tuyên bố dừng tuần tra với Mỹ ở vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, rồi dừng tập trận chung với Mỹ. Trước sự phản đối của nhiều quan chức Philippines, Tổng thống Duterte điều chỉnh lập trường, khẳng định dừng tập trận Phiblex năm 2017, nhưng vẫn giữ các cuộc tập trận khác, gồm Balikatan- cuộc tập trận lớn nhất, quan trọng nhất trong số gần 30 cuộc tập trận chung giữa quân đội Philippines và Mỹ. Ông Duterte cũng rút các tuyên bố giảm quan hệ song phương với Mỹ, gồm yêu cầu lực lượng đặc nhiệm Mỹ rời khỏi phía nam Philippines. Nếu sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Philippines giảm đi, năng lực phòng thủ và tác chiến của Philippines giảm đáng kể và Mỹ cũng không muốn rút quân, vì như vậy sẽ để hổng sườn biển Ðông, không thể kiềm chế Trung Quốc, không thể nhanh chóng triển khai quân để đối phó tình huống bất ngờ trên biển, giáo sư Thayer nói. Năm 1991, sau khi Philippines đóng cửa các căn cứ của Mỹ ở vịnh Subic và Clart, Trung Quốc bắt đầu tăng cường yêu sách chủ quyền đối với Scarborough/Hoàng Nham.

Nhiều người lo ngại rằng, Philippines có thể tận dụng vị thế chủ tịch ASEAN năm 2017 để có những bước đi có lợi cho mình nhưng bất lợi cho các nước ASEAN khác. “Tôi nghĩ ai nắm quyền chủ tịch ASEAN rất quan trọng. Nước chủ tịch có tác động lớn tới vấn đề biển Ðông. Nhưng vấn đề không chỉ nằm ở chủ tịch mà còn ở bản thân khối ASEAN”, giáo sư Crouzatier nói. Giáo sư Robert Beckman, Ðại học Quốc gia Singapore, và ông Inoue Ayumi, Ban chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Nhật Bản, cũng cho rằng, một mình chủ tịch luân phiên của ASEAN không thể “một tay che trời”. Phương thức ra quyết định của ASEAN là tham vấn và đồng thuận, đã được áp dụng từ lâu, trở thành một nguyên tắc bất thành văn. “Ngoài ra, tôi nghĩ rằng, với vai trò chủ tịch, Philippines nói chung, Tổng thống Duterte nói riêng cũng muốn làm gì đó tích cực để ghi điểm với bên ngoài cũng như với người dân trong nước”, ông Ayumi nói.

bien dong 2017 bot song gio

Giáo sư Robert Beckman. Ảnh: Thái An.

Câu chuyện bó đũa

Về tình hình biển Ðông năm 2017, giáo sư Crouzatier dự đoán, Trung Quốc tiếp tục áp dụng nhiều chiêu thức tổng hợp chính trị-ngoại giao-kinh tế để đồng thời giảm thiểu “sự cứng đầu” của Việt Nam, Philippines, lôi kéo những nước có thái độ trung dung hơn như Malaysia, Thái Lan và “xoa đầu nước nào dễ bảo”. “Với vấn đề Trường Sa, khi đàm phán song phương với Trung Quốc, bất kỳ quốc gia nào trong ASEAN cũng sẽ ở thế yếu hơn về mọi mặt kinh tế, tài chính, sức mạnh quân sự… Bẻ cả bó đũa khó, bẻ từng chiếc dễ”, ông Crouzatier nói. Nhưng vấn đề khó khăn là ASEAN không thống nhất cao độ như EU (Liên minh châu Âu). Các quốc gia ASEAN lại có lợi ích riêng với Trung Quốc. “EU từng tìm đến giải pháp gọi là “lợi ích tăng cường”. Một nhóm nhỏ quan tâm và có lợi ích chung tập hợp lại”, ông Crouzatier nói.

Riêng về phán quyết của Tòa trọng tài, các nước ASEAN cần tăng cường đoàn kết nội khối trong việc yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết, dừng xây dựng đảo nhân tạo, dừng tàn phá môi trường biển, dừng quân sự hóa biển Ðông… Theo giáo sư Crouzatier, các nước trong khu vực cũng cần tìm kiếm sự ủng hộ, tham gia tích cực hơn của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là của các cường quốc trên thế giới như Mỹ, Nga, Nhật Bản… Theo giáo sư Beckman, tất cả các nước có tuyên bố chủ quyền ở biển Ðông phải hiểu rằng, an ninh hàng hải ở vùng biển này đã trở thành vấn đề được cả thế giới quan tâm. Mỹ và các siêu cường bên ngoài khác có lợi ích ở biển Ðông.

Trong khi đó, tiến sĩ Vladimir V.Evseev, Viện nghiên cứu Nga về cộng đồng hải ngoại và hội nhập, cho rằng, Nga hiện gặp nhiều khó khăn về tài chính, ngân sách một phần do các biện pháp cấm vận của phương Tây, nên ít khả năng tăng cường hiện diện ở châu Á-Thái Bình Dương. Về vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển Ðông, “các nước ASEAN nên tăng cường đoàn kết nội khối, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của bên ngoài, như Nhật Bản”, ông Evseev nói.

Theo giáo sư Thayer, nhiều khả năng Mỹ sẽ tăng hỗ trợ cho Philippines trong lĩnh vực tăng nhận thức các vấn đề liên quan biển đảo, hàng hải, hiện đại hóa lực lượng cảnh sát biển... Mỹ cũng có thể có tác động nhất định với các đồng minh Nhật Bản, Úc để họ hỗ trợ Philippines trong việc bảo đảm an ninh khu vực.

Theo Tiền phong

Đọc thêm

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh “Hai Mạnh” – Đại tướng Chu Huy Mân là nhớ về những kỷ niệm mãi ấm lòng trong những năm tháng được sống gần ông.
Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Ngày 22/12/1972, Đại đội 1, Tiểu đoàn 48 bộ đội địa phương Hà Tĩnh đã táo bạo tấn công vào sân bay Pha Hom (sân bay dã chiến) thuộc vùng núi phía bắc huyện Mường Mày, tỉnh Bolikhămxay (Lào) và giành thắng lợi vang dội. Là Chính trị viên phó đại đội trực tiếp tham gia chiến đấu, tôi ghi lại chiến công này nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

UAV BXL.01 là loại cánh quạt chiến đấu cảm tử có khối lượng cất cánh tối đa 10kg, mang khối lượng đầu nổ 1,2kg, trần bay 1.000m, tốc độ bay 100-120km/h và hoạt động cự ly 10km do Việt Nam sản xuất.
Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Chương trình “Tiết học biên cương” do Đồn Biên phòng Lạch Kèn phối hợp với trường học ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) góp phần bồi đắp cho các em học sinh tình yêu quê hương, đất nước, ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.