Bà Dương Thị Hằng - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: “Thời gian qua, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt các nội dung quy chế giám sát, phản biện xã hội theo tinh thần Quyết định số 217 của Bộ Chính trị, Hội LHPN tỉnh đã định hướng hội cơ sở lựa chọn những vấn đề giám sát, phản biện sát với chức năng, nhiệm vụ của hội và đời sống của hội viên phụ nữ cơ sở, nhất là các chính sách, pháp luật liên quan đến bình đẳng giới”.
Công tác giám sát và phản biện về vấn đề tiếp cận các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn được chú trọng, nên ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương phụ nữ làm kinh tế giỏi. |
Theo đó, với vai trò và nhiệm vụ của mình, Hội LHPN tỉnh đã thực hiện nhiều hoạt động giám sát, phản biện xã hội trên nhiều lĩnh vực như: giám sát chuyên đề “Việc thực hiện quy chế dân chủ trong huy động nội lực của nhân dân để thực hiện chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh”; giám sát việc thực hiện Nghị định 56 của Chính phủ quy định trách nhiệm của bộ, ngành, UBND các cấp đảm bảo cho Hội LHPN Việt Nam tham gia quản lý nhà nước trên địa bàn Hà Tĩnh; tổ chức khảo sát ngẫu nhiên đối với 300 hội viên tại một số địa phương nhằm tìm hiểu thực trạng nhận thức của họ về các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn và mức độ tiếp cận, áp dụng các chính sách nông nghiệp, nông thôn của hội viên trong SXKD. Sau các cuộc giám sát, khảo sát, Tỉnh hội đã có các kiến nghị, đề xuất gửi lên cơ quan chức năng nhằm cải thiện tình hình.
Để thực hiện thành công các mục tiêu về bình đẳng giới, Hội LHPN tỉnh cũng chủ động tham mưu, đề xuất chính sách và giới thiệu, tạo nguồn cán bộ nữ cho Đảng, Nhà nước, đặc biệt là trước đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 và chuẩn bị cho kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Nhờ sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự tham mưu quyết liệt của Hội LHPN tỉnh, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh, tỷ lệ nữ tham gia vị trí quản lý, lãnh đạo ngày càng tăng. Đến đầu năm 2015, toàn tỉnh đã có 48 cán bộ nữ thuộc diện BTV Tỉnh ủy quản lý, 27 cán bộ nữ giữ chức vụ giám đốc, phó giám đốc sở, ngành, chủ trì cấp huyện và tương đương. Tỷ lệ nữ giữ chức vụ trưởng, phó phòng thuộc sở, ngành cấp tỉnh đạt 14,5%; trưởng, phó các đoàn thể chiếm 37%. Về tỷ lệ nữ tham gia HĐND nhiệm kỳ 2011-2016: cấp tỉnh đạt 20%, cấp huyện 28,91%, cấp xã 22,8%; 1 đồng chí là phó chủ tịch HĐND và 1 ủy viên thường trực HĐND tỉnh, 6 đồng chí là chủ tịch, phó chủ tịch và ủy viên thường trực HĐND cấp huyện…
Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 có những chuyển biến tích cực, trong đó, tỷ lệ nữ tham gia BCH đảng bộ cấp xã đạt 20,9% (tăng 5,6% so với nhiệm kỳ 2010-2015); cấp huyện 16,3%; BCH Đảng bộ tỉnh là 9,1%; BTV 13,3%. Nhằm đảm bảo quyền lợi cho đối tượng cán bộ nữ không đủ thời gian công tác đến hết nhiệm kỳ, hội đã có những đề xuất về chính sách để các chị vẫn được tiếp tục công việc hoặc được bố trí công việc phù hợp theo tinh thần Nghị định 26/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo lãnh đạo Hội LHPN tỉnh, thời gian tới, đơn vị tiếp tục thực hiện tốt vai trò của mình trong việc tham gia giám sát, phản biện luật pháp, chính sách về bình đẳng giới; triển khai những hoạt động trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với phong trào phụ nữ ở từng địa phương, xứng đáng là tổ chức đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em.