Góp ý này được Thứ trưởng Phan Thị Thắng nêu trong văn bản gửi Bộ Tài chính ngày 25/4, liên quan việc giảm 50% phí trước bạ và gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt cho ôtô sản xuất trong nước.
Theo Bộ Công thương, nguy cơ suy giảm kinh tế ngày càng hiện hữu gây ra nhiều tác động đến các doanh nghiệp, trong đó có các đơn vị sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước. Cùng đó, sức ép tỷ giá, lạm phát, lãi suất tăng cũng ảnh hưởng tâm lý người tiêu dùng, khiến họ thắt chặt chi tiêu.
Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), doanh số bán xe toàn thị trường ba tháng đầu năm giảm đáng kể. Các hãng xe lớn trong nước như Hyundai Thành Công, Vinfast doanh số bán giảm hơn 30% so với cùng kỳ 2022, đạt 77.090 xe.
Các chương trình khuyến mãi từ các hãng liên tục đưa ra để kích cầu mua sắm ôtô nhưng hiệu quả đem lại không như mong muốn. Vì thế, để giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, duy trì thu ngân sách, Bộ Công thương cho rằng việc áp dụng giảm phí trước bạ với xe sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2023 là cần thiết.
Trước đó, các hiệp hội, địa phương đã kiến nghị Chính phủ gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt năm nay và giảm 50% lệ phí trước bạ với xe trong nước để kích cầu. Hai chính sách hỗ trợ này được đề nghị ban hành ngay trong quý I hoặc đầu quý II. Chính phủ sau đó yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu phương án giảm thuế, phí này. Nhưng sau đó Bộ Tài chính nêu quan điểm không ủng hộ tiếp tục giảm phí trước bạ ôtô trong nước vì lo ảnh hưởng tới cam kết quốc tế, thu ngân sách địa phương.
Về gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với xe trong nước, Bộ Tài chính dự kiến gia hạn nộp thuế này. Bộ Công Thương đồng tình, song đề nghị bổ sung thêm phương án gia hạn thuế phát sinh của kỳ tính thuế tháng 10/2023 chậm nhất là 20/12/2023 để hỗ trợ doanh nghiệp. Trước đó, Bộ Tài chính dự tính gia hạn thuế này cho kỳ tính thuế phát sinh tháng 6-9/2023.