Bộ GTVT lý giải nguyên nhân sự cố tai nạn đường sắt liên tiếp gần đây

Bộ Giao thông Vận tải vừa có thông cáo báo chí thông tin về các sự cố tai nạn đường sắt.

Ngày 24/5/2018, đoàn tàu khách SE19 va chạm với ô tô tải chở đá tại Km 234+050, khu gian Khoa Trường - Trường Lâm, Thanh Hóa khiến 6 toa xe bị đổ lật, làm 2 chết, 14 người bị thương. Ảnh: TTXVN phát

Theo Bộ Giao thông Vận tải, liên tiếp trong các ngày 24, 26 và 27/5/2018, trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh đã xảy ra 4 vụ sự cố, tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng làm chết 2 người, bị thương 11 người và làm thiệt hại lớn về phương tiện và tài sản.

Về nguyên nhân của các vụ sự cố, tai nạn, Bộ Giao thông Vận tải chỉ ra hai nhóm nguyên nhân cả chủ quan và khách quan.

Về nguyên nhân khách quan, Bộ Giao thông Vận tải nhận định, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt còn nhiều bất cập, giao cắt đồng mức giữa đường sắt và đường bộ còn nhiều, đặc biệt là đường ngang tự mở bất hợp pháp, các công trình vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt chưa được giải tỏa dứt điểm.

Đối với phương tiện giao thông đường sắt: Hiện nay quá nhiều phương tiện có niên hạn sử dụng từ những năm 1960 - 1970 vẫn đang khai thác trên đường sắt; nguồn vốn đầu tư cho phương tiện đóng mới đầu máy, toa xe còn hạn hẹp.

Cùng với đó, ý thức chấp hành pháp luật của một số bộ phận người tham gia giao thông còn kém, nhiều vi phạm còn diễn ra khá phổ biến, các giao cắt đồng mức giữa đường sắt và đường bộ còn quá nhiều, tồn tại nhiều lối đi tự mở bất hợp pháp, các công trình vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt chưa được giải tỏa dứt điểm, hệ thống đường gom, hàng rào hộ lan giữa đường sắt và đường bộ chạy dọc liền kề, hàng rào bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường sắt chưa được đầu tư, xây dựng kịp thời.

Ngoài ra, nhiều địa phương chưa tổ chức triển khai cảnh giới tại các lối đi tự mở có nguy cơ cao xảy ra tai nạn do không bố trí được nguồn kinh phí; nguồn vốn do nhà nước cấp hạn hẹp chưa đáp ứng được yêu cầu đầu tư, sửa chữa, nâng cấp đường ngang, xây dựng hàng rào đường gom, hàng rào hộ lan...; vốn đầu tư thiếu và giải phóng mặt bằng chậm dẫn đến tiến độ thi công của một số công trình, dự án an toàn giao thông chậm, thậm chí dừng, giãn tiến độ dẫn đến việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt gặp nhiều khó khăn.

Về nguyên nhân chủ quan, Bộ Giao thông Vận tải cho hay, theo báo cáo của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, hiện nay vẫn còn tình trạng một số đơn vị, nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu vi phạm các quy định về bảo đảm trật tự an toàn đường sắt; một số đơn vị đường sắt chưa chủ động phối hợp với chính quyền địa phương về thực hiện Quy chế phối hợp giữa Bộ Giao thông Vận tải và UBND các tỉnh, thành phố có đường sắt về đảm bảo an toàn giao thông tại các vị trí giao cắt.

Việc kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về chạy tàu bảo đảm an toàn giao thông đối với nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu, đặc biệt là đội ngũ lái tàu, trực ban chỉ huy chạy tàu, gác chắn đường ngang đôi khi còn hạn chế, chất lượng kiểm tra chưa đạt yêu cầu thực tiễn hiện trường.

Về chỉ đạo khắc phục sự cố, vụ tai nạn và xử lý trách nhiệm, Bộ Giao thông Vận tải khẳng định, ngay sau khi tai nạn xảy ra, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương tổ chức phân tích để tìm ra nguyên nhân các vụ tai nạn và làm rõ trách nhiệm các cá nhân, đơn vị liên quan để xảy ra vụ tai nạn nói trên.

Đồng thời, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu kiểm tra, rà soát toàn diện các quy trình tác nghiệp đón, tiễn tàu của nhân viên gác chắn đường ngang và các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu có liên quan nhằm đảm bảo an toàn, tuyệt đối không để xảy ra những vụ tai nạn tương tự trên các tuyến đường sắt và tổ chức rút kinh nghiệm trong toàn ngành.

Chủ động phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố triển khai, thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa Bộ Giao thông Vận tải và UBND các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt; tổ chức cảnh giới hoặc chốt gác tại các đường ngang và lối đi tự mở có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông cao.

Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các đơn vị rà soát lại hệ thống hạ tầng, thông tin tín hiệu, trang thiết bị liên quan đến tổ chức chạy tàu để bổ sung, cải tạo kịp thời, phù hợp.

Yêu cầu Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp với công an các tỉnh, thành phố và các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, ngăn chặn và xử lý đối với các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông trên tàu, dưới ga, các hành vi lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt, đặc biệt tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt thường xuyên xảy ra tai nạn và gây ùn tắc giao thông trên địa bàn các thành phố lớn;

Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý an toàn giao thông đường sắt; rà soát cơ sở pháp lý, cơ sở kỹ thuật để nghiên cứu xây dựng quy định về đăng kiểm thiết bị thông tin tín hiệu trên đường sắt quốc gia, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn giao thông đường sắt…

Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có liên quan đến các vụ tai nạn giao thông đường sắt nói trên; xử lý nghiêm người đứng đầu các đơn vị trực thuộc, người đại diện phần vốn của Tổng công ty tại các đơn vị để xảy ra mất an toàn giao thông đường sắt do nguyên nhân chủ quan gây ra.

Theo TTXVN

Chủ đề Tai nạn giao thông

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói