Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói về đề xuất chưa tăng lương từ 1/7/2020

“Chúng ta dành phần tăng lương này để ngân sách nhà nước hỗ trợ, giải quyết những vấn đề an sinh xã hội trong tình hình hiện nay”

Báo cáo trước Quốc hội tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, sáng 20/5, Thủ tướng đề nghị Quốc hội xem xét loạt cơ chế đặc thù trong tình hình mới.

So với cuối năm 2019 tình hình có sự thay đổi rất lớn, khó khăn hơn nhiều do tác động bởi Covid-19. Do đó, Thủ tướng đề nghị Quốc hội cân nhắc chưa tăng lương cơ sở với cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, lương hưu từ 1/7/2020 để “cùng chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng Covid-19 và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách”.

Làm rõ hơn về vấn đề này, trả lời báo chí sáng 22/5, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, tình hình dịch bệnh Covid-19 tác động đến kinh tế xã hội hết sức khó khăn, trong đó có thu ngân sách cũng gặp khó.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói về đề xuất chưa tăng lương từ 1/7/2020

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội

Chính phủ đã họp thường kỳ tháng 4 và có đề cập đến việc điều chỉnh một số chỉ tiêu. Trong tình hình khó khăn như thế, cộng đồng doanh nghiệp và người dân đã chung tay hỗ trợ cho những người có hoàn cảnh khó khăn do tác động của dịch bệnh. Công chức, viên chức nhà nước được hưởng lương từ ngân sách nhà nước nên được đảm bảo.

“Trong tình hình này, Bộ Nội vụ đã phối hợp với Bộ Tài chính, thống nhất đề nghị với Chính phủ, trước mắt trong năm 2020 chưa tăng lương cơ sở, lương hưu từ 1/7”, ông Lê Vĩnh Tân nói.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, tại đề án cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Trung ương 7 cũng sẽ làm việc với Ban Chỉ đạo cải cách tiền lương để xem xét, nghiên cứu, điều chỉnh lộ trình tăng lương năm 2021 có thể chậm lại. Thời gian cụ thể sẽ do Ban chỉ đạo quyết định.

“Nếu chưa thực hiện tăng lương từ 1/7 cũng có ảnh hưởng nhất định đến người hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Nhưng trong bối cảnh chung của cả nước, còn những thành phần xã hội khó khăn hơn. Do đó chúng ta dành phần tăng lương này để ngân sách nhà nước hỗ trợ, giải quyết những vấn đề an sinh xã hội. Còn cán bộ, công chức, viên chức vẫn được nhà nước trả lương cho nên đời sống vẫn đảm bảo” – Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh.

Cũng theo ông Lê Vĩnh Tân, việc chưa tăng lương tác động làm giảm thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức không đáng kể so với những người gặp khó khăn do tình hình đại dịch Covid-19. Còn thời điểm thực hiện tăng lương cơ sở sẽ phụ thuộc vào tình hình ngân sách, đến thời điểm cho phép thì tiếp tục đề nghị tăng lương./.

Theo Ngọc Thành/VOV.VN

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Bỏ quy định ghi hình cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ; tăng trợ cấp quân nhân xuất ngũ; nới điều kiện xây trường là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11.
Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Đa dạng hỗ trợ các mô hình sinh kế, đẩy mạnh đào tạo nghề..., huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên xóa nghèo.
Kỳ vọng từ việc sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường

Kỳ vọng từ việc sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường

Việc kịp thời sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 97/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Hà Tĩnh về một số chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường được kỳ vọng sẽ nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong triển khai hoạt động bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025.