Phát biểu tại nghị trường Quốc hội chiều ngày 25/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thay mặt ngành Y tế, cảm ơn Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước đã quan tâm, động viên, chia sẻ, hỗ trợ và đồng hành cùng ngành y tế trong công cuộc phòng chống đại dịch COVID-19. Đó là nguồn động viên to lớn đối với toàn thể ngành y tế, để tiếp tục cuộc chiến đầy cam go và thử thách này.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại phiên họp Quốc hội chiều 25/7. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Về chiến lược vắc xin, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết thực hiện kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị và Ban Bí thư, từ đầu năm 2020, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt chiến lược vắc xin trên toàn diện các lĩnh vực: mua, nhập khẩu vắc xin, nhận chuyển giao công nghệ, nghiên cứu sản xuất vắc xin trong nước và tổ chức tiêm vắc xin.
Theo đó, thỏa thuận cung ứng vắc xin đầu tiên được ký kết vào tháng 9/2020 từ Covax với 38,9 triệu liều; tháng 11/2020 hợp đồng được ký với AstraZeneca với 30 triệu liều; các hợp đồng cam kết thỏa thuận được ký kết với Pfizer, với Nga, và một số nước khác.
Nỗ lực tiếp cận và ngoại giao vắc xin được thúc đẩy mạnh mẽ với hàng loạt cuộc đàm phán trao đổi trong các cuộc gặp song phương, đa phương của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và đã có nhiều kết quả khả quan; đến thời điểm hiện nay chúng ta đã có các cam kết, thỏa thuận, hợp đồng và nhận được nhiều nguồn viện trợ của Trung quốc, Mỹ, Nhật, Úc, Anh và các nước khác với số lượng trên 130 triệu liều, đang nỗ lực đàm phán ký kết trên 40 triệu liều để nâng tổng số lên 170 triệu liều vào năm 2021.
“Nhờ nỗ lực thúc đẩy và ngoại giao vắc xin, riêng trong tháng 7 sẽ có khoảng hơn 12 triệu sẽ được chuyển cho các địa phương đang có dịch; các tỉnh, thành phố là đầu tầu kinh tế; các tỉnh khác để tiêm cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Chính phủ”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin.
Về nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ vắc xin, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: vào quý I/2021, Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia đầu tiên trên thế giới phân lập, nuôi cấy vi rút mở đường cho nghiên cứu vắc xin; là quốc gia đầu tiên trong Đông Nam Á, tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3. Đến tháng 8/2021, mũi tiêm thứ 2 sẽ hoàn thành cho các đối tượng nghiên cứu và sẽ thực hiện việc đăng ký theo quy định.
Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong Đông Nam Á, tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3 vắc xin “made in Việt Nam” Nano Covax
Về chuyển giao công nghệ, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin hiện nay có 3 hợp đồng chuyển giao công nghệ với Nga, Mỹ, Nhật đã được ký kết. Với Nga, đã xong giai đoạn 1 gia công, đóng ống đã hoàn thành và đang được kiểm định chất lượng tại Nga; trong tháng 8 sẽ được đóng ống tại Việt Nam chuyển sang giai đoạn 2 chuyển giao công nghệ vào cuối năm nay.
Hợp đồng với Mỹ chuyển giao công nghệ vắc xin với công nghệ cao nhất sẽ tiến hành thử nghiệm vào tháng 8; nhà máy sản xuất với quy mô đạt tới 100 triệu liều đã được triển khai xây dựng và chuẩn bị đi vào hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2022.
Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết Chiến dịch tiêm chủng vắc xin đã được khởi động và hiện đang đẩy nhanh tiến độ...
Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 14 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 thông qua các nguồn khác nhau, trong đó có gần 7,5 triệu liều vắc xin COVID-19 với 4 lô hàng từ Cơ chế COVAX bao gồm hơn 5 triệu liều vắc xin Moderna do Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ và hơn 2.49 triệu liều AstraZeneca… Sáng 26/7, Bộ Y tế cho biết, trong ngày 25/7 có 77.967 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 4.613.491 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.223.628 liều, tiêm mũi 2 là 389.863 liều.