Thông tin trên được Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc chia sẻ bên hành lang Quốc hội, chiều 2/11.
Hiện, mức giảm trừ gia cảnh là 15,4 triệu (gồm giảm trừ cá nhân 11 triệu và giảm trừ người phụ thuộc 4,4 triệu) duy trì từ tháng 7/2020. Trong đó, 11 triệu được cơ quan thuế xác định bằng “mức chi tiêu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của một người”, còn 4,4 triệu xác định bằng 40% so với giảm trừ của bản thân người nộp thuế.
Trong khi hầu hết mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ đều tăng khoảng 20-30% từ sau dịch Covid-19, khiến chi phí sinh hoạt của người dân đội lên. “Mức giảm trừ gia cảnh dùng để tính thuế thu nhập cá nhân đang thấp”, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nhìn nhận.
Ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Tài chính. Ảnh: Hoàng Phong
Ông cũng thông tin, mức giảm trừ gia cảnh người nộp thuế hiện là hơn 2,4 lần so với thu nhập bình quân đầu người, cao hơn nhiều so với mức phổ biến các nước trên thế giới đang áp dụng 0,5-1 lần; đồng thời cũng cao hơn lương bình quân 4,6 triệu đồng một tháng. Tuy nhiên, so với cuộc sống tại các đô thị thì mức giảm trừ này đang thấp.
Bộ Tài chính đã kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét đưa Luật thuế thu nhập cá nhân vào chương trình sửa đổi, để điều chỉnh các quy định tính thuế thu nhập.
Về dự kiến sửa luật, ông Phớc nói cải cách tiền lương sẽ thực hiện từ 1/7/2024. Cùng thay đổi này, ngành tài chính sẽ tính thu nhập gốc, bình quân tăng lương mỗi năm (7-8% một năm) để làm căn cứ tính thu nhập bình quân. Đây sẽ là cơ sở phân loại đối tượng theo các mức thu nhập, vùng miền và căn cứ để nâng giảm trừ gia cảnh tính thuế cho phù hợp thực tế.
Tuy nhiên, dự luật sửa đổi này chưa được bổ sung vào chương trình làm luật thời gian tới, nên trước mắt Bộ Tài chính sẽ sửa các luật, như Thuế giá trị gia tăng, Thuế thu nhập doanh nghiệp, Thuế tiêu thụ đặc biệt và bộ luật thuế sửa đổi, để hỗ trợ người dân.
Trước đó, thảo luận tại Quốc hội sáng 2/11, ông Trần Văn Lâm, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách “chê” cách tính thuế thu nhập cá nhân đã lạc hậu .
Ông Lâm nhận xét, các quy định trong tính Thuế thu nhập cá nhân như khởi điểm thu nhập chịu thuế, mức chiết trừ gia cảnh, bậc chịu thuế... đã lạc hậu, khi không được cập nhật theo biến động của lương tối thiểu, giá cả và lạm phát. Ông Lâm nói đây là bất cập lớn, cần thay đổi.
Khảo sát của VnExpress hồi đầu năm cũng cho thấy, với hơn 23.900 độc giả có mức thu nhập bình quân 22 triệu đồng mỗi tháng, người nộp thuế chi tiêu cho bản thân mỗi tháng hơn 10 triệu đồng nhưng họ tốn ít nhất 7 triệu đồng để nuôi một người phụ thuộc - chiếm 70% mức chi cho bản thân, lớn hơn nhiều so với tỷ lệ 40% mà Bộ Tài chính xác định.