Tên gọi Brexit được ghép bởi hai từ “Britain” (Vương quốc Anh) và “Exit” (thoát ra). Rạng sáng hôm nay, người dân Anh đã tiến hành bỏ phiếu để trả lời cho câu hỏi: “Rời khỏi Liên minh châu Âu” hay “ở lại và vẫn là thành viên của liên minh này”. Phe ủng hộ “Brexit” đã đưa ra lý do cốt lõi nhất để Anh rời khỏi EU, đấy là nhằm tạo ra một vị thế độc lập hơn của nước Anh trên thế giới, đồng thời bảo vệ và khôi phục bản sắc của Vương quốc Anh khi làn sóng nhập cư vào châu Âu lớn lên mỗi ngày.
Người Anh suốt thế kỷ qua vẫn tồn tại một suy nghĩ đầy tự tôn như thế. ĐT Anh từng chê World Cup. Sự thật là phải tới World Cup 1950, họ mới đạo mạo góp mặt, và … bị loại từ vòng 1. Ngay cả chữ viết tắt của Liên đoàn bóng đá Anh cũng mang một tính chất cô đơn rất hài hước rồi (FA). Người Anh sáng tạo nên bóng đá hiện đại, nhưng Brazil, Đức, Italia đều vượt trội hơn họ về chất lượng bóng đá lẫn kỹ chiến thuật.
Bi kịch là ở chỗ, bởi luôn nghĩ mình là kẻ sáng tạo nên người làm bóng đá ở Anh cho rằng chỉ có người ta học bóng đá Anh, chứ họ không cần học người ta. Điều này dẫn đến khoảng cách giữa bóng đá Anh và các nền bóng đá lớn khác càng lúc càng xa. 0 chức vô địch EURO, 1 chức vô địch World Cup của quê hương bóng đá là bằng chứng không thể chối cãi về sự thua sút ấy. Theo năm tháng, bóng đá Anh vẫn như người phụ nữ xinh đẹp đã qua thời xuân sắc, nhưng lại không thay đổi để phù hợp hơn trong hoàn cảnh mới.
Chuyện 4/5 lãnh thổ thuộc Quần đảo Anh có mặt tại EURO 2016 là một điều đáng tự hào cho bóng đá Anh, càng tự hào hơn khi tất cả đều vượt qua vòng bảng. Nhưng niềm tự hào có thể thành sự thất vọng chỉ sau 1 tuần, vì CH Ireland, Bắc Ireland chỉ là nền bóng đá trung bình khá, Xứ Wales dù gây ấn tượng cũng chỉ là một đội bóng thiếu kinh nghiệm ở đấu trường đỉnh cao, còn ĐT Anh thì ai quen biết họ mà không lạ gì căn bệnh “rớt cái bịch” khi đối diện với các ông lớn.
Trong quá khứ, người Anh từng có một tuyên bố đầy ngạo nghễ: “Mặt trời không bao giờ lặn sau đế quốc Anh”. Câu nói ấy để chứng minh lãnh thổ của nữ hoàng rộng lớn đến thế nào. Cũng như vòng 1/8 sắp diễn ra, sẽ “Chẳng có đêm nào là thiếu người Anh đá bóng”. Khác ở chỗ, câu trước để nói về vị thế thống trị thế giới, thì câu thứ hai chỉ để thấy người Anh thống trị về số lượng đội bóng góp mặt. Ngày mà 4 đại diện hôm nay của họ trở thành kẻ “ngáo ộp” của cả châu Âu, thật sự sẽ còn rất xa.
Phe ủng hộ “Brexit” luôn nghĩ rằng giá trị Anh đang bị bào mòn khi ở EU, và rằng văn hóa, điện ảnh nước Anh đang bị ảnh hưởng. Nhưng chưa bao giờ họ nhìn thấy kiến trúc Ý, văn học Pháp cũng là một di sản đang học hỏi, đấy là món quà tặng có đi có lại của một EU không biên giới. Bộ phận người Anh ấy chỉ nhìn cái mình cho đi, và bĩu môi trước cái người ta đem tới. Bóng đá Anh vì thế cũng chia nửa trong hai tư duy, cuối cùng cứ đi mãi con đường vô định.