Bữa cơm tất niên

(Baohatinh.vn) - Ngày cuối năm hay còn gọi là ngày tất niên, tiễn năm cũ để đón chào năm mới thường tất bật, vội vã. Tất bật bởi những chuyến hàng muộn cố sức bán thật nhanh, bởi những việc làm còn dang dở phải cố gắng cho chạm đích, bởi sự mua sắm để cố gắng có một cái tết đủ đầy… Và cho dù tất bật, vội vã đến mấy, mọi gia đình Việt vẫn dành thời gian cho một bữa cơm tất niên trọn vẹn.

Để chuẩn bị bữa cơm tất niên, các bà, các mẹ tranh thủ từng phút nấu nướng, chế biến, làm sao để kịp giờ mà thức ăn vẫn nóng sốt. Trong gian bếp nhỏ, tiếng chuyện trò, cười nói râm ran. Mọi người hỏi thăm nhau chuyện nhà chuyện cửa, chuyện làm ăn. Mâm cỗ tất niên thường cầu kỳ hơn, thịnh soạn hơn những ngày thường với các món như xôi gà, giò chả, nem cuộn, các món xào, canh rau, thịt hầm, thịt luộc… Sau khi cúng gia tiên, mâm cỗ được bày ra, đại gia đình cùng ngồi lại với nhau, cùng chuyện trò về những gì diễn ra trong năm vừa qua. Chuyện vui có, buồn có, thành công có, thất bại có…

Gia đình sum vầy bên bữa cơm tất niên ngày cuối năm

Nhưng khác với ngày thường, câu chuyện trong bữa cơm tất niên diễn ra thật điềm tĩnh, mọi người dễ tha thứ cho những lỗi lầm đã qua và dễ quên đi những gì không may mắn, phiền muộn… Tất cả đều dừng lại trong những câu chuyện như một nốt lặng sau những vội vã, tấp nập của dòng đời, để nhìn lại mình và nhìn lại cuộc đời, để hướng đến những điều mới mẻ. Mong một năm khép lại, những điều tốt đẹp và may mắn hơn sẽ mở ra, mong an lành và bình yên cho một năm mới; mong những lo lắng bớt đi trên nếp nhăn của những người thân, mong cho sức khỏe dồi dào và niềm vui, tài lộc tấn tới…

Bữa cơm tất niên lắng đọng như một nốt trầm giữa năm cũ và năm mới, như bếp lửa người mẹ nhóm cho nồi bánh chưng ngày Tết, lặng lẽ nhưng ấm áp và thiêng liêng đến lạ kỳ, mang trọn cả triết lý âm dương và ngũ hành. Như lời nhắc nhở về sự cân bằng, giao hòa trong cuộc sống, về truyền thống ông cha… Và đó chính là năng lượng, là sinh khí khởi đầu cho một năm mới với nhiều dự định mới, hy vọng mới.

Cuộc sống ngày càng đủ đầy thì cái Tết truyền thống cũng có nhiều đổi khác. Bây giờ, nhiều nhà đã dùng bếp ga, bếp từ, bếp điện thay cho bếp củi; bánh chưng có thể mua mà không nấu. Thế nhưng, dù Tết xưa hay Tết nay thì bên căn bếp của mỗi gia đình, tình yêu thương luôn được lan tỏa cùng dư vị của những bữa cơm cuối năm.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói