Duy trì bán trú ở bậc mầm non và tiểu học không chỉ giúp các em rèn luyện nền nếp sinh hoạt mà còn để phụ huynh yên tâm công tác
Nguyên nhân chính vẫn là việc hủy bỏ Công văn 1702/LNTC-GDĐT năm 2012 của liên ngành tài chính và GD&ĐT về việc tổ chức huy động các khoản đóng góp tự nguyện của cha mẹ học sinh trong các cơ sở GD&ĐT.
Thầy Trần Quang Cảnh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thạch Hà cho biết: “Ngay sau khi có quyết định hủy bỏ Công văn 1702, Tỉnh ủy đồng thời có Thông báo số 683 kết luận của Thường trực Tỉnh ủy về kết quả rà soát việc thu, quản lý sử dụng các khoản thu trong trường mầm non và phổ thông công lập trên địa bàn, trong đó có chỉ đạo các sở, liên ngành tham mưu xây dựng hướng dẫn cụ thể các khoản thu được phép. Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi vẫn chờ hướng dẫn cụ thể về vấn đề này. Việc chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị bán trú ở các trường mầm non, tiểu học chưa thể tiến hành”.
Cơ sở vật chất nhà ăn bán trú đã được trường Mầm non Mai Phụ (Lộc Hà) đầu tư xây dựng khang trang, tuy nhiên đến thời điểm này, vẫn chưa thể triển khai hoạt động bán trú cho trẻ.
Triển khai bán trú trên địa bàn Hà Tĩnh chủ yếu ở 2 bậc học, nhưng bức thiết nhất vẫn là bậc mầm non khi việc sinh hoạt, chăm sóc cháu chủ yếu phụ thuộc vào nhà trường. Cô Nguyễn Thị Loan - Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Lộc (Can Lộc) cho biết: “Công tác chuẩn bị cho năm học mới của trường đã sẵn sàng, thế nhưng, hiện tại, chúng tôi đang băn khoăn khi chưa triển khai được bán trú. Đây là nỗi lo lớn bởi với bậc học này, việc tổ chức bán trú có vai trò quyết định lớn đến chất lượng chăm sóc, nuôi dạy trẻ”.
Đã vào năm học mới, hoạt động của nhà ăn bán trú tại các nhà trường vẫn đang chờ hướng dẫn liên ngành
Cùng chung nỗi lo, cô Ngô Thị Hiền - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hà Linh (Hương Khê) cho biết: “Ở vùng miền núi như chúng tôi, việc vận động trẻ mầm non đến trường vốn đã khó khăn, nếu không duy trì bán trú thì các hoạt động học tập, vui chơi, thu hút các cháu trong độ tuổi đến trường sẽ bị ảnh hưởng”.
Chậm triển khai công tác bán trú không chỉ là nỗi lo của các trường mà còn khiến phụ huynh băn khoăn.
Nhà ăn bán trú của trường Mầm non Hộ Độ (Lộc Hà) bị sập trần nhưng vẫn còn chờ nguồn kinh phí để sửa chữa
Chị Nguyễn Thị Hồng (thị trấn Thạch Hà) cho biết: “Vợ chồng tôi là lao động tự do nên việc chăm sóc con từ bữa ăn, giấc ngủ đều gửi gắm cho trường mầm non. Nghe thông tin tạm thời chưa triển khai bán trú, chúng tôi lo lắm khi mỗi ngày phải đưa đón con 4 bận; việc duy trì giờ giấc ăn ngủ cho con cũng không thể đảm bảo. Nền nếp sinh hoạt của gia đình cũng sẽ đảo lộn, công việc bị ảnh hưởng”.
Học sinh tiểu học đã tựu trường, bậc mầm non cũng đã đón trẻ để làm quen với nền nếp nhưng công tác bán trú còn phải chờ hướng dẫn của cấp trên. Nhiều thông tin cho rằng, sắp tới, việc triển khai bán trú sẽ được thực hiện theo hình thức dịch vụ công. Đối với các trường học và phụ huynh thì điều mong muốn nhất đó là dù với hình thức nào cũng cần sớm triển khai để không ảnh hưởng đến việc dạy học.