Nghêu chết đầy bờ biển. (Nguồn: AFP)
Vào năm ngoái, các nhà khoa học đã bị sốc trước cảnh tượng xác của hơn 300 con cá voi tràn ngập các bờ vịnh xa xôi của bờ biển phía nam. Đây là sự kiện mở màn cho hàng loạt những phát hiện đáng báo động tiếp sau đó.
Theo AFP, đầu năm nay, lượng tảo tăng đột biến trong nước đã khiến khoảng 40.000 tấn cá hồi ở khu vực Los Lagos bị ngộp đến chết. Los Lagos là nơi có dãy Andes chạy dọc theo các mặt hồ và những thung lũng trồng trọt xanh tươi xuống tới bờ biển.
Số lượng này chiếm khoảng 12% sản lượng cá hồi hàng năm ở Chile - nước sản xuất cá hồi lớn thứ hai thế giới chỉ sau Na Uy.
Chỉ trong tháng này, đã có tới khoảng 8.000 tấn cá mòi trôi dạt tới cửa sông Queule, cùng với đó, hàng ngàn con nghêu chết đang chất thành đống trên bờ biển đảo Chiloe.
Các nhà chức trách cho rằng nguyên nhân là do một đợt "thủy triều đỏ" chứa đầy tảo, và đã tiến hành cấm đánh bắt tại những vùng bị ảnh hưởng, khiến hàng ngàn ngư dân mất việc.
Hàng trăm ngư dân bất bình cùng gia đình của họ đã chất lốp xe ngăn đường vào Chiloe từ đất liền từ thứ hai vừa qua, yêu cầu chính phủ tăng khoản trợ cấp 150 USD/tháng hiện đang được cấp cho ngư dân nhằm đối phó với tình hình khẩn cấp.
"Ai có thể sống nổi với 100,000 peso chứ?" lãnh đạo cuộc biểu tình Zoila Bustamante phát biểu vào ngày 4/5. "Thật là một trò đùa!"
"Mặc dù các vùng miền Nam Chile năm nào cũng phải đối mặt với hiện tượng thủy triều đỏ, song tình trạng này đã mở rộng hơn về phía Bắc trong năm nay," Jorge Navarro thuộc viện hải dương IDEAL cho biết.
"Hiện tượng này gây ảnh hưởng tới những quần thể động vật hai mảnh (chẳng hạn như nghêu hay trai) vốn chưa bao giờ tiếp xúc với hiện tượng này như vậy," ông nói.
Trên bờ biển đảo Santa Maria cách xa khu vực trung tâm vùng bờ biển dài của Chile, số lượng xác mực chết trôi dạt lên bờ đã lên tới hàng ngàn.
Trong khi đó, nhiều bãi biển khác nhau ở miền trung nước này đã bị đóng cửa do xuất hiện nhiều cá thể sứa lông châm Bồ Đào Nha, vốn không sinh sống trong khu vực này.
Các đại dương đang chuyển dịch
Các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân chính gây ra hiện tượng này là El Nino, một hiện tượng thời tiết bất thường khiến nhiệt độ mặt biển vùng xích đạo Thái Bình Dương nóng lên, xảy ra vài năm một lần.
Với 4.000 km đường bờ biển Thái Bình Dương, Chile phải chịu tác động đặc biệt nghiêm trọng của El Nino.
"Chúng tôi cho rằng yếu tố chung giữa hiện tượng chết hàng loạt của các loài sinh vật biển ở miền nam Chile, trong các trang trại nuôi cá hồi và các loài cá ngoài khơi chính là hiện tượng El Nino," Viện Nghiên cứu Thủy sản Chile IFOP cho biết trong một tuyên bố với AFP.
Hiện tượng El Nino năm nay "đã được đánh giá là một trong số những lần có cường độ mạnh nhất trong vòng 65 năm qua," tuyên bố cho biết.
Nước biển ấm hơn có thể dẫn tới gia tăng số lượng tảo, giết chết các loài sinh vật khác bằng cách tiêu thụ oxy trong nước hoặc truyền chất độc vào nước.
"Biển Chile đang dịch chuyển và thay đổi," Sergio Palma, một nhà hải dương học thuộc Đại học Công giáo Valparaiso, cho biết.
"Đã xảy ra một loạt các sự kiện đặc trưng của El Nino, và hiện tượng này đang được thể hiện theo nhiều cách khác nhau."
Tác động tới ngành thủy sản
Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng nghi ngờ những nguyên nhân khác gây nên hiện tượng sinh vật biển chết hàng loạt.
Số lượng cá voi chết rất lớn vào năm ngoái "có thể sinh ra do một quá trình sinh thái tự nhiên" không có liên hệ gì với nguyên nhân gây chết cá mòi và các loài nghêu trai, theo Laura Farias, một nhà hải dương học thuộc Đại học Concepcion.
"Không có lời giải thích sinh thái học, hải dương học hay khí hậu học nào liên hệ cái chết của những con cá voi với những vụ việc còn lại," chị cho biết.
Farias nghi ngờ rằng sự tăng trưởng của hoạt động nuôi cá ở khu vực Patagonia phía nam Chile mới là nguyên nhân gây chết cá hồi và nghêu trai.
"Đã có những nghiên cứu chỉ ra rằng ở Patagonia, tỷ lệ xuất hiện các loài tảo độc có thể là một hệ quả của nuôi trồng thủy sản."
Nhiều nhà khoa học đã khẳng định rằng hiện tượng El Nino năm nay đã có dấu hiệu chững lại, khiến cho bề mặt nước biển dần nguội bớt.
Tuy nhiên, hiện tượng hủy diệt hàng loạt các loài sinh vật biển này cũng đã gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh.
"Chile vẫn còn thiếu thông tin về biển," Valesca Montes, một chuyên gia về thủy sản thuộc Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới chi nhánh Chile, cho biết.
"Chile phải đầu tư vào các nghiên cứu về hải dương học, để chúng ta có thể đoán trước một số sự kiện nhất định" và chuẩn bị tốt hơn trước những biến đổi khí hậu./.