Các công ty toàn cầu vào cuộc sản xuất máy thở cứu bệnh nhân COVID-19

Các nhà máy sản xuất ô tô đóng cửa, nhưng Nghiệp đoàn Công nhân ô tô Mỹ cho biết hầu hết thành viên của họ sẽ trở lại làm việc để chuyển sang sản xuất máy thở giữa đại dịch COVID-19.

Các công ty toàn cầu vào cuộc sản xuất máy thở cứu bệnh nhân COVID-19

Máy thở là thiết bị quan trọng hỗ trợ điều trị, cứu mạng sống các bệnh nhân COVID-19. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhà máy ô tô chuyển sang sản xuất máy thở

Theo tờ Guardian, các nhà sản xuất ô tô ở “thủ phủ” Detroit đã đóng cửa các nhà máy tại khu vực Bắc Mỹ trong tuần này do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19). Tuy nhiên, họ sẽ sớm quay trở lại với nhiệm vụ mới – sản xuất các máy thở phục vụ điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 đang tăng lên theo cấp số nhân,

Mối quan hệ giữa “Ba ông lớn” - General Motors (GM), Ford and Fiat Chrysler – gần đây đã trở nên căng thẳng sau khi công nhân GM rút khỏi cuộc đình công chung đầu tiên của ba công ty trong vòng một thập kỷ qua. Tuy nhiên, hầu hết các công nhân đang sẵn sàng quay trở lại dây chuyền sản xuất. Ông D’Andre Jackson, đại diện Nghiệp đoàn Công nhân ô tô Mỹ (UAW) tại nhà máy Lắp ráp Flint của GM, cho biết: “Tôi nghĩ rằng phần lớn các thành viên UAW sẽ cố gắng làm những gì cần thiết để đưa nước Mỹ hoạt động trở lại”.

Theo ông Jackson, mặc dù các công nhân đã yêu cầu rời nhà máy vì nỗi sợ COVID, nhưng lúc này lý do để họ trở lại đã thay đổi: “Thay vì làm việc vì lợi nhuận, các bạn sẽ làm việc để giúp cứu các sinh mạng và tôi nghĩ rằng rất nhiều người sẽ tham gia. Đó là những gì mà họ đã làm trong thời chiến”.

Các công ty toàn cầu vào cuộc sản xuất máy thở cứu bệnh nhân COVID-19

Các nhà sản xuất ô tô lớn ở Mỹ đã tạm ngừng hoạt động và đang thảo luận sản xuất máy thở cung cấp cho chính phủ. Ảnh: Reuters

Cả hai nhà sản xuất ô tô G.M và Ford xác nhận rằng họ đang thảo luận với Chính phủ Mỹ về hoạt động sản xuất mới. Tổng thống Trump trong khi đó cho biết ông sẽ ký Đạo luật Sản xuất Quốc phòng, trao quyền cho tổng thống chỉ đạo sản xuất công nghiệp phục vụ chống dịch như trong thời chiến.

“Ngay bây giờ, chúng tôi đang thực hiện một nghiên cứu nội bộ để đánh giá lựa chọn này, và xem xét các phương thức có thể hỗ trợ trong cuộc khủng hoảng, bao gồm hỗ trợ sản xuất các thiết bị y tế như máy thở”, phát ngôn viên của GM, Jeannine Ginivan, nói với tờ Guardian.

Hãng xe Ford, đã đình chỉ sản xuất ô tô từ đêm 19/3, cho biết trong một thông báo rằng họ “sẵn sàng giúp chính quyền bằng mọi cách có thể, bao gồm cả khả năng sản xuất máy thở và các thiết bị khác”. “Chúng tôi đã có các cuộc thảo luận sơ bộ với Chính phủ Mỹ và đang xem xét tính khả thi. Điều sống còn là tất cả chúng ta cùng nhau cố gắng để giúp đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng này và thoát khỏi nó mạnh mẽ hơn bao giờ hết”, tuyên bố của Ford nêu rõ.

Các công ty toàn cầu vào cuộc sản xuất máy thở cứu bệnh nhân COVID-19

Các nhà sản xuất máy thở đang làm việc hết công suất để cung cấp thiết bị cho các bệnh viện. Ảnh: Reuters

Ngoài GM và Ford, tập đoàn Volkswagen cũng đã trao đổi với Nhà Trắng. Volkswagen cho biết hôm 20/3 rằng họ đã thành lập một nhóm chuyên gia xem xét việc sử dụng công nghệ in 3D để chế tạo máy thở.

Trong khi đó, tập đoàn công nghiệp vũ trụ SpaceX và nhà sản xuất ô tô Tesla của tỉ phú Elon Musk cũng cho biết đang thảo luận về việc sản xuất máy thở hỗ trợ chính phủ. Ngày 20/3, ông Elon Musk đăng trên Twitter rằng, các công nhân Tesla và SpaceX “đang sản xuất máy thở” ngay cả khi ông không tin là chúng sẽ cần thiết. Ông Musk xác nhận thông tin này một ngày sau khi nhận đề nghị trực tiếp từ Thị trưởng New York City Bill de Blasio về giúp giải quyết tình trạng thiếu máy thở hỗ trợ bệnh nhân COVID tại các bệnh viện.

Máy thở thiếu ở mọi nơi

Đại dịch COVID-19 càn quét toàn cầu đã phơi bày sự thiếu hụt máy thở, khi các bệnh viện không trang bị đủ những thiết bị đắt tiền cần thiết để cứu sống bệnh nhân nặng này.

Các công ty toàn cầu vào cuộc sản xuất máy thở cứu bệnh nhân COVID-19

Bệnh nhân nặng được điều trị với máy thở hỗ trợ tại Tehran, Iran. Ảnh: AFP

Các cơ sở y tế, bệnh viện đang lùng sục các nhà cung cấp thiết bị hỗ trợ hô hấp, vì số ca tử vong COVID-19 trên toàn thế giới lên tới trên 11.000 và số người nhiễm bệnh lên tới trên 275.000. Do virus SARS-CoV 2 tấn công phổi người bệnh, làm họ mất khả năng hô hấp, máy thở trở thành một công cụ quan trọng trong cuộc chiến cứu mạng người bệnh.

Vấn đề là không có có đủ máy thở cho quá nhiều bệnh nhân. Tờ The Economist ước tính rằng nếu COVID-19 tiếp tục lan truyền với tốc độ hiện tại, Mỹ sẽ hết thiết bị dự phòng trong một tháng. Thời báo New York ước tính khoảng 172.000 máy thở có sẵn ở Mỹ, dù con số chính xác vẫn không rõ ràng.

Theo tờ Wall Street Journal, hiện tại các nhà sản xuất lớn nhất thế giới - Medtronic, Philips, Getinge, Draegerwerk - đang đẩy mạnh sản xuất. Các công ty khởi nghiệp và các nhà phát minh công nghệ đang cố gắng đưa các thiết bị mới vào thị trường, nhưng họ có thể không kịp giúp khi cuộc khủng hoảng y tế diễn biến quá nhanh.

Chi phí đắt đỏ của các máy thở là lý do tại sao chúng được trang bị sẵn với số lượng ít. Tờ Times cho biết, mỗi chiếc máy có thể có giá tới 50.000 USD.

Các nhà sản xuất máy thở cho biết họ đang tăng cường sản xuất nhưng có thể không đáp ứng kịp nhu cầu. Hamilton Medical, một trong những nhà sản xuất thiết bị lớn nhất thế giới, cho hay, Italy muốn đặt hàng 4.000 thiết bị từ công ty Thụy Sĩ, Andreas Wieland, nhưng nhà sản xuất này chỉ có thể cung cấp “số lượng khoảng 400”.

Theo Báo Tin tức

Đọc thêm

Phá mạng lưới gian lận thuế VAT xuyên quốc gia ở châu Âu

Phá mạng lưới gian lận thuế VAT xuyên quốc gia ở châu Âu

Cảnh sát tại nhiều nước châu Âu đã bắt giữ 43 người và thu giữ 520 triệu euro (547 triệu USD) trong cuộc điều tra của Văn phòng Công tố châu Âu (EPPO) và cảnh sát Italy về hành vi trốn thuế giá trị gia tăng (VAT) thông qua rửa tiền cũng như điều tra các hoạt động tội phạm có tổ chức.
Mexico tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong hơn 1 tháng

Mexico tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong hơn 1 tháng

Chính phủ Mexico hôm 12/11 (giờ địa phương) cho biết đã bắt giữ hơn 3.015 đối tượng và tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong các chiến dịch truy quét tội phạm được triển khai kể từ khi Tổng thống Claudia Sheinbaum nhậm chức ngày 1/10 đến nay.
Israel tuyên bố "không ngừng bắn" ở Liban

Israel tuyên bố "không ngừng bắn" ở Liban

Ngày 12/11, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Israel Katz cho biết nước này sẽ tiếp tục dồn toàn lực tấn công phong trào Hezbollah tại Liban và sẽ không có lệnh ngừng bắn.