Sáng 28/2, Hội Nông dân tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến, góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). |
Đại biểu dự hội nghị.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 236 điều, phạm vi sửa đổi toàn diện các lĩnh vực, các nội dung, chính sách. Mục tiêu của việc sửa đổi nhằm tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý để phù hợp với quy định quản lý và sử dụng đất đai.
Theo đó, 9 nội dung trọng tâm được lấy ý kiến gồm: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực trong quản lý đất đai; quy định về hộ gia đình quản lý sử dụng đất.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cẩm Xuyên Nguyễn Sỹ Huyền: Cầnnêu rõ ai chịu trách nhiệm trong việc thực thi kế hoạch sử dụng đất; quy định cụ thể cấp nào ra quyết định cấp đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm để tránh thiệt hại không đáng có cho cơ quan, tổ chức và người dân.
Tại hội nghị, đại biểu đã tập trung thảo luận, góp ý các nội dung trọng tâm như: trình tự, thủ tục thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa; thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai và các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;…
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nghi Xuân Nguyễn Hồng Khoan: Đề nghị gộp mục c và b tại khoản 1, Điều 87 về cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất.
Đa số các ý kiến, góp ý của đại biểu hướng tới hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Quy định chặt chẽ các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất.
Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Kỳ Anh Phạm Thị Thu Hằng: Hiện nay tình trạng thổ cư ngày càng thu hẹp. Đề nghị xem xét ban hành chính sách cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất thổ cư đối với các thửa đất lân cận không hiệu quả trong sản xuất nông lâm nghiệp.
Cần quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước, bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư, để người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn.
Luật cần bổ sung, hoàn thiện các quy định bảo đảm công khai, minh bạch như: công khai giá đất, giao dịch qua các sàn giao dịch đối với các dự án khu dân cư, khu đô thị, nhà ở thương mại...
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Thị Mai Thuỷ phát biểu ý kiến.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Thị Mai Thuỷ nhấn mạnh: Các ý kiến góp ý tâm huyết của các đại biểu đã phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của mọi tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận, thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân về việc sửa đổi Luật Đất đai, góp phần cụ thể hóa các quy định về đất đai sát với thực tiễn và sớm đi vào cuộc sống.
Trong thời gian tới, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi trong cán bộ và hội viên nông dân toàn tỉnh; trên cơ sở văn bản hướng dẫn của Hội Nông dân tỉnh đề nghị hội nông dân các huyện, thành phố, thị xã có trách nhiệm lấy ý kiến rộng rãi trong cán bộ hội viên.
Sáng 28/2, Thường trực Ủy ban MTTQ huyện Can Lộc tổ chức hội nghị lấy ý kiến, góp ý của các tổ chức chính trị, xã hội huyện, các chuyên gia, ủy viên Ủy ban MTTQ huyện và đại diện các phòng, ban, ngành chuyên môn về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). |
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Tham gia góp ý, các đại biểu tập trung phân tích về các điều khoản như: thu hồi đất, thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai; quyền lựa chọn hình thức trả tiền cho thuê đất, nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất và công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất…
Ông Nguyễn Văn Quế - Chủ tịch Uỷ ban MTTQ xã Vượng Lộc nhất trí tính giá đất theo thị trường, nhưng khi giá thị trường có biến động từ 20% trở lên thì phải tính lại đơn giá.
Ông Trần Viết Sâm - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Mỹ Lộc: Về bồi thường thu hồi đất và giải phóng mặt bằng (chương VII), đề nghị Chính phủ quy định khi làm xong khu tái định cư thì mới giải phóng mặt bằng để người dân có chỗ ở mới sinh hoạt ổn định.
Một số ý kiến bổ sung về quy định liên quan đến việc bỏ đối tượng là hộ gia đình sử dụng đất; việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (quy định tại khoản 2, Điều 89, dự thảo Luật Đất đai).
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị điều chỉnh, bổ sung tại chương X, Điều 137 về việc công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất. Đặc biệt, liên quan đếnbồi thường thu hồi đất và giải phóng mặt bằng, có ý kiến cho rằng Chính phủ cần quy định khi làm xong khu tái định cư thì mới giải phóng mặt bằng.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Can Lộc Bùi Thị Kiều Nhi phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ huyện Can Lộc Bùi Thị Kiều Nhi cho biết: “Qua hội nghị, các đại biểu đã nêu ra được nhiều ý kiến góp ý tập trung vào nhiều nhóm vấn đề cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Qua đó thấy được sự nghiên cứu kĩ càng, sâu sát của các đại biểu. Tất cả những tâm tư, thắc mắc đã được thư ký cuộc họp ghi lại đầy đủ, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện sẽ xem xét và trình ý kiến lên cấp trên”.